Saturday, July 27, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Người Xây Dựng Hoà Bình

Giáo Dục

Chị bước vào lớp Giáo lý Vào Đời có số nam nữ không cân đối, chỉ có bảy nữ, còn lại hơn chục nam thiếu niên độ tuổi mười lăm đến mười tám với màn chào hỏi khá ấn tượng. Một em nam đứng lên mặt cười cợt nói:

“Hy vọng lớp chúng em sẽ được học với Cô đến tốt nghiệp”

Chị là giáo viên tham gia dạy Giáo lý nhiều năm, đứng tuổi, có kinh nghiệm sư phạm và quản lý lớp tốt. Đặc biệt có kỹ năng nói chuyện, thuyết phục thanh thiếu niên. Dù  chuẩn bị tâm lý khi Cha xứ mời dạy và thông báo là lớp “tổng hợp” các em bỏ học, ở lại lớp, ngỗ nghịch mấy năm qua, nhưng vẫn thoáng bất ngờ.

Khẽ mỉm cười, nhún vai. Thật điềm đạm, chị xoa đầu cậu bé, thông báo rất dứt khoát:

  “Chắc chắn chúng ta sẽ về đích khi xác định Cô là thuyền trưởng, mọi thành viên là những cánh chèo. Chúng ta cùng hợp sức bước đi, để còn bước ra khỏi đoàn thiếu nhi, tiến lên thành người trẻ mạnh mẽ, khỏe khắn, nòng cốt cho Giáo xứ”.

Tiếng vỗ tay vang lên.

Những buổi học mới thật khó khăn. Từ các thanh thiếu niên bỏ học, trễ nải, gượng ép đến Nhà thờ do cha mẹ thúc giục, thêm vài em xác định “đến để phá phách” nên thái độ thiếu tích cực, nói chuyện ồn ào, đùa giỡn, ngồi nghiêng ngả trêu ghẹo nhau, xem điện thoại trong giờ học. Chị biết không thể “đối đầu”, thị uy các em, nên kiên nhẫn giữ thái độ ôn hòa, gặp riêng tìm hiểu hoàn cảnh, tạo lòng tin, giúp em ý thức nhân cách người trưởng thành. Từ lòng kính trọng và cảm nhận yêu thương, cảm giác được tôn trọng, các em đến lớp đúng giờ, chuyên cần và nghiêm túc học hành.

Tuổi thiếu niên tâm lý, đời sống bắt đầu thay đổi phức tạp. Các em có xu hướng dễ bị kích động mạnh mẽ, hay xúc động bất chợt, tâm trạng thay đổi nhanh chóng. Suy nghĩ biến động không cần lý do. Đôi lúc muốn thể hiện quan điểm và lập luận riêng, muốn được cha mẹ và người lớn đối xử bình đẳng và tôn trọng.

Khi không thấu hiểu, không cảm thông với những ưu tư, trăn trở, thậm chí ngông cuồng của tuổi vị thành niên. Đôi lúc cha mẹ cảm giác tức giận hay bất lực trước con cái. Anh chị Giáo lý viên cảm thấy chán nản, thất vọng. Còn phía các em, sự thay đổi bản thân và cách giáo dục thiếu kỹ năng khiến tâm lý càng khủng hoảng, phản ứng bằng lời nói, hành vi quá đáng. Để đồng hành với thanh thiếu niên hiệu quả, cần hiểu những yếu tố cơ bản để ứng xử giáo dục.


Tuổi vị thành niên là thời kỳ chuyển tiếp cả về phương diện tâm sinh lý, thể lý và xã hội một con người. Giai đoạn rất quan trọng, sẽ là nền tảng cơ bản phát triển nhân cách, căn tính và tình cảm người trưởng thành. Các em muốn được tôn trọng, muốn được đối xử công bằng, muốn khám phá cái mới, muốn tách rời khỏi sự quản lý, kiểm soát của cha mẹ. Nhu cầu tình bạn trở thành cấp thiết và quan trọng.

Nguyên tắc đồng hành đức tin với tuổi vị thành niên.

 Đừng sửa dạy các em trước mặt người khác khi bản thân thiếu bình tĩnh. Khi không đủ kiểm soát ý nghĩ, hành vi sẽ để lại hậu quả tai hại cho tâm hồn các em.

– Đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của bản thân lên các em. Không độc đoán trong giáo dục áp đặt “người lớn nói phải nghe”. Các em có lòng tự trọng và cần được tôn trọng. Cho các em được bày tỏ ý kiến và chỉnh sửa nếu cần thiết, bởi thực tế suy nghĩ của người lớn không phải lúc nào cũng đúng.

– Đừng mất bình tĩnh, to tiếng khi các em có thái độ và hành vi nghịch ý. Hãy hiểu do tâm lý chưa hoàn thiện, các em dễ bị cảm xúc chi phối nên bốc đồng. Thái độ tốt nhất là nhẫn nại lắng nghe và từ tốn khuyên bảo.

Đừng bao giờ dạy các em điều mà người lớn không thực hành. Tuổi vị thành niên đủ tư duy nhìn nhận mọi việc. Hiểu và tiếp thu gương sáng, không thích nghe nhiều, nhất là những lời lên lớp dài dòng trong khi hành động của người lớn trái ngược lời dạy bảo.

– Biết khen ngợi và động viên việc làm tốt để các em mạnh mẽ tự tin, có trách nhiệm với bổn phận. Hãy cho em cơ hội trưởng thành và khẳng định mình. Người lớn cần đứng cạnh hỗ trợ hơn là làm thay hoặc chê bai.

Lắng nghe khi được giãi bày những khó khăn, đặc biệt lĩnh vực tình cảm. Hãy nên như người bạn để các em cởi mở tâm hồn, bộc bạch mọi ưu tư cuộc sống, chia sẻ cảm xúc và ước mơ thầm kín. Từ đó hiều rõ, hướng các em đi đúng đắn.

– Dành thời gian đối thoại về suy nghĩ và tỏ bày đời sống thường nhật. Tuổi vị thành niên mong được người lớn hiểu và cảm thông, nhất là những chia sẻ về, khó khăn mắc phải, đức tin, tình cảm… Giữ nguyên tắc tôn trọng, đừng tỏ ra xét đoán nếu có điều tiêu cực. Hãy lắng nghe với thái độ thấu cảm, tỏ cho các em biết sự yêu thương và sự tin cậy.


Đồng hành với tuổi vị thành niên thật cần thiết và quan trọng, giúp các em đủ sức vượt qua giai đoạn khủng hoảng hướng đến người trưởng thành. Đây là bổn phận thiêng liêng, cao quý bởi người đồng hành góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em, chung phần vào chương trình của Thiên Chúa, giáo dục con người theo mục đích và kế hoạch của Ngài. Tuy nhiên, cũng là giai đoạn khó khăn của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và anh chị Giáo lý viên. Người đồng hành dễ thất bại, nản chí và mất kiên nhẫn trước thái độ thờ ơ, thiếu hợp tác, thậm chí là chống đối.

Hãy bình tâm và đừng mất niềm hy vọng. Giây phút ấy, hãy dành thời gian và không gian thinh lặng chiêm niệm định nghĩa về “Tình yêu – Đức mến” của thánh Phaolô:

 “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13, 4-8).

(Nguyễn Dung)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles