Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Vừng Ơi, Mở Ra!

Tác giả: Speranza

Từ một câu chuyện. Chuyện kể rằng, một người da trắng đến vùng thổ dân khai thác khoáng sản. Ông thuê nhiều toán thợ khoẻ mạnh để khuân vác. Sau hai ngày làm việc, người toán trưởng của đám thổ dân nhận ra những người da trắng này đang đánh cắp tài nguyên của họ. Thế là những người này quyết định đình công. Ngày hôm sau, khi người da trắng đến, thấy các người thổ dân ngồi yên lặng lẽ, ông ra hiệu cho người toán trưởng đốc thúc nhân công. Người toán trưởng nói: “Tôi hiểu. Nhưng không thể được, những người này đã đi quá nhanh và họ đang ngồi chờ để linh hồn của họ đến cho kịp”.

Những câu thần chú. Có thể ứng dụng câu chuyện này cho con người ngày hôm nay. Chúng ta chạy nhanh quá đến nỗi không còn có thời gian để mà suy xét, cân nhắc, điều chỉnh, và hậu quả là biết bao những đổ vỡ xảy ra do nóng vội. Cho nên, đã có rất nhiều cuốn sách được viết, những khoá học “kỹ năng sống” được tổ chức hầu giúp người ta có những ứng xử thích hợp, dẫn đến thành công. Không khó để tìm ra các khoá “Tôi tài giỏi”, “Tôi khổng lồ”, “Kỷ luật không tiếng khóc”, “Kỹ năng thuyết trình”, “Kỹ năng quản lý thời gian”…

Tất cả những nỗ lực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, hay tâm lý này đều có tham vọng trao vào tay người học những “Câu thần chú” với mong ước mở lòng người, mở ra cánh cửa xã hội với những “thao tác điêu luyện”. Tuy nhiên không phải câu thần chú nào cũng mở được. Câu chuyện “A-li-ba-ba và 40 tên cướp” là điển hình. “Vừng ơi, mở ra” là câu thần chú mà A-li-ba-ba đã khám phá ra từ bọn cướp và cậu đã dùng câu thần chú này để mở cửa kho báu, nhưng Cassim là anh của A-li-ba-ba vì loá mắt trước kho vàng bạc, anh không thể nhớ ra câu thần chú chính xác để mở cửa. Anh bị lòng tham cuốn hút, anh sáng tác nhiều câu thần chú khác nhưng lại quên mất câu thần chú đúng, nên bị rơi vào thảm hoạ. 

Ma thuật của các thần chú. Trong cuộc sống, đặc biệt trong tương quan và trên thương trường, mọi kỹ thuật được ứng dụng cách triệt để hầu thuyết phục người tiêu dùng, hay đối tác. Những phép ứng xử được nghiên cứu và đưa thành hàng nghệ thuật [nghệ thuật sống…], phép đối nhân xử thế được kết tinh trong những kinh nghiệm. Chẳng hạn “Đắc nhân tâm”…  thật đúng là tinh hoa văn hoá giúp cho các mối tương quan được dễ dàng, dễ thương. Tuy nhiên, nếu trong góc mờ nào đó của cõi lòng, người sử dụng những thuật ứng xử này để lợi dụng người khác nhằm trục lợi, thì nó không còn là nghệ thuật nữa, mà là thủ đoạn. Ta còn gọi là khôn ranh, khôn lỏi.

Ma thuật ở những câu thần chú trước hết phải giúp người sử dụng tìm thấy niềm bình an, hạnh phúc trong chính cõi lòng mình, làm cho mình cảm thấy thanh cao. Bình an chính là phép màu của cuộc sống, và động cơ vì đó mà ta hành động sẽ cho ta sự an bình hay dằn vặt. Thật vậy, khi làm bất cứ hành động nào thì chỉ có người làm mới biết động cơ xấu hay tốt mà vì đó mình hành động mà thôi. Hơn nữa, ông cha có câu “Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết lòng người có nhân”, cho nên, nếu là động cơ xấu thì chẳng chóng thì chầy, những thủ đoạn sẽ lòi ra, và hệ luỵ tất nhiên là thay vì lấy được lòng người, họ lại nhận được quả đắng từ động cơ xấu mình thực hiện. Thế mới hay, ma thuật của câu thần chú hệ tại động cơ mà người sử dụng nhắm tới. Nó làm ta hiểu chân tướng của sự khôn ngoan thật là gì.

Vừng ơi, mở ra. Có thể có nhiều câu thần chú, nhưng không phải tất cả các câu thần chú đều mở được kho tàng. Bí quyết ẩn phía sau làm cho câu thần chú trở nên hiệu nghiệm đó là phải đặt nền tảng trên sự tử tế, lòng tốt, sự khôn ngoan thật.

Chìa khoá của sự tử tế, lòng tốt và sự khôn ngoan thật đó là bóng dáng của người khác trong cuộc đời ta. Ý thức người khác là quà tặng cho mình, chúng ta sẽ tôn trọng, tế nhị, yêu mến, nhường nhịn… Người nào chỉ biết toan tính cho mình, cho lợi ích bản thân mình, cho công việc của mình, ắt sẽ chẳng quan tâm đến người khác. Mọi tương quan họ có thiết lập với người khác đều xoay quanh câu hỏi: “Liệu người này có làm lợi gì cho ta?”. Đối diện với người mang thái độ này, ai cũng vội tránh xa, hay chí ít họ “đóng cửa lòng mình” để khỏi phiền toái. Thế thì câu thần chú nào giúp được họ có thể mở cửa lòng của người khác?

Lòng người chỉ mở ra khi họ cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng, được đối xử chân thành và công bằng. Chính vì thế, trong khi ta đi tìm câu thần chú để mở ra cánh cửa cõi lòng của người khác, hay mở ra cánh cửa của xã hội, của tương lai… thì cần lắm sự tử tế, lòng tốt và tinh thần khôn ngoan thật.

Và hơn cả bóng dáng của người khác, trong sự tử tế khôn ngoan đó còn có bóng dáng của Đấng Siêu Việt, vượt trên mọi phàm nhân, vật chất, vạn vật. Con người có cao cả là vì bởi họ được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa,  Đấng Siêu việt. Cho nên, mọi hành vi tử tế, lịch sự, nhân ái của họ không bao giờ chỉ là hành động máy móc, quy định giao tiếp xã hội, mà là hệ quả của việc họ mang trong mình bóng dáng thần linh. Công việc họ làm phảng phất hương thơm đức ái là điều nằm trong tâm lòng của từng con người.

Hiểu như thế, quả thực con người đắc thủ được chính câu thần chú chính đáng, giống như: “Vừng ơi, mở ra!” của A-li-ba-ba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles