Saturday, July 27, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Lịch Sử Giáo Xứ Plei Rơngol Khóp

Salêdiêng

LỊCH SỬ GIÁO XỨ PLEI RƠNGOL KHÓP

Giáo xứ Plei Rơngol Khop trước kia gọi là địa sở Plei Rơngol. Đến năm 1933 đổi tên là địa sở   Pơnuk gồm nhiều họ đạo trong vùng. Có một thời gian gọi là địa sở Thanh Bình – Plei Rơngol, khi họ đạo Thanh Bình (người Kinh) sáp nhập chung một địa sở. Sau 1975 gọi là Giáo xứ Plei Rơngol Khop cho đến nay. Giáo xứ Plei Rơngol Khop thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, ở vùng tây tây nam thành phố Pleiku cách  Pleiku 50 km nằm trên trục quốc lộ 19 nối dài phía tây. ( ý nghĩa của chữ PLEI RƠNGOL KHOP

PLEI(có khi viết là PLƠI) tiếng JRai nghĩa là làng 

RƠNGOL: có nghĩa là một ngôi làng mà dân đã bỏ đi nay trở lại.

KHOP : là tiếng dân tộc Bana , có nghĩa là đọc kinh, hay cầu nguyện. Người JRai lấy chữ KHOP để chỉ những người có đạo, nghĩa là những người đọc kinh.

chữ KHOP có nghĩa hiện giờ là người có đạo công giáo, nói gọn là người công giáo.

Như vậy, PLEI RƠNGOL KHOP đơn giản hiểu là một ngôi làng của người công giáo.

I. GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ XÂY DỰNG (1902 -1903)

Giáo xứ Plei Rơngol từng in dấu chân của các vị thừa sai tiên khởi vùng tây tây nam thành phố Pleiku từ đầu thế kỷ XX. Từ năm 1899 đến năm 1902, cha Guerlach (Cảnh) đang phụ trách Trung Tâm Rơhai (Tân Hương) đã đến truyền giáo tại Plei Klub (cũng gọi là Plei Pơnuk), cho dân tộc Jrai vùng Đức Cơ ngày nay, nhưng vì gặp quá nhiều khó khăn, phức tạp, việc thiết lập cộng đoàn tại đó không mang lại kết quả.

Năm 1908-1911: Vào năm 1908, cha Nicolas (Cận) đến xây dựng họ đạo mới ở làng Plei Rơngol.

Khi có linh mục thừa sai đến truyền giáo, một số người Kinh cũng theo các cha đến tìm kế sinh sống, hoặc do chính các cha mời gọi đến để xây dựng cộng đoàn mới. Một số khác ở các tỉnh ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…đến tá túc làm ăn và lập nghiệp.

Năm 1911-1914: Cha G.B Décroulle (Tôn) được cử đến giúp cha Nicolas và tạm trú tại Plei Hơlâm, bên cạnh  làng Trại Đầm (người Kinh), tiền thân của họ đạo Thanh Bình, miền Chư Prông ngày nay.  Họ đạo Trại Đầm (Thanh Bình sau này) được thành lập năm 1913, thuộc địa sở Plei Rơngol

Trong thời gian này có các chú Giáo phu người sắc tộc và một số Thầy giảng người Kinh được huấn luyện tại trường Kuenot tham gia công việc truyền giáo cách tích cực và hiệu quả.

Đầu tháng 03 năm 1913, Đức Cha Jeaningros (Vị), Giám mục Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) đã đến thăm mục vụ các làng miền dân tộc Sơđăng, Jơlơng, Bahnar, Rơngao và cuối cùng ngài đến Plei Rơngol, Plei Me vùng Jrai.

II. GIAI ĐOẠN TRƯỞNG THÀNH: HAI ĐỊA SỞ PLEI RƠNGOL VÀ THANH BÌNH (1914-1945).

1. ĐỊA SỞ PLEI RƠNGOL – THANH BÌNH  Chiến tranh thế giới I nổ ra gây nên những vấn đề cấp thiết khác, khi cha Bề trên Kemlin (Văn) trình bày các nhu cầu, đặc biệt việc thiếu nhân sự trầm trọng,  Đức Cha quyết định gửi thêm linh mục Việt Nam, đạo đức, khôn ngoan và kiên cường trong sứ vụ truyền giáo cho vùng truyền giáo Kon Tum, đó là cha Phaolô Ban và cha Gioan Baotixita Phan tiến lên vùng Tây Nguyên vào năm 1914. Cha Phan phụ trách vùng tây tây nam Pleiku. Cha Bề trên Kemlin sai cha Phan đến phụ giúp cha G.B. Décrouille (Tôn) tại Plei Me

Năm 1915-1923: Cha G.B Phan

Cha Phan trực tiếp đảm trách cả vùng truyền giáo người Jrai phía tây tây nam này. Ngài đặt trụ sở tại họ chính là Plei Rơngol, trung tâm cả miền.

Trong khoảng thời gian này, cha Phan hăng say rao giảng Tin Mừng cho anh em người sắc tộc . Cha dần dần xây dựng và củng cố các cộng đoàn thành họ đạo, có ban chức việc theo phương thức truyền thống của địa phận cũng như mỗi nơi có nhà nguyện để quy tụ đọc kinh, học  giáo lý và dâng thánh lễ.

Năm 1923-1925: Cha Hutinet (Nhì)

Năm 1925-1927: Cha Rohmer (Rô)

2. HỌ THANH BÌNH TÁCH RA KHỎI PLEI RƠNGOL: 1927

Số người kinh ngày càng lên lập nghiệp nhiều trên trục lộ 19, nhất là tại những đồn điền vùng Bàu Cạn, Thanh Bình, Plei Rơngol…Năm 1927, họ Thanh Bình trở nên sở họ mới mà đa phần giáo dân là người Kinh. Cha Anrê Nguyễn Văn Tường (từ Kon Sơmluh-Kon Long Buk, Kon Tum) được bổ nhiệm phụ trách địa sở Thanh Bình.

Năm 1928-1940: Cha Phan một lần nữa được Bề trên đổi về làm quản xứ Plei Rơngol.

Năm 1933, chia tách Giáo phận Kon Tum khỏi Giáo phận Qui Nhơn, cha Anrê Tường trở về Qui Nhơn, cha G.B Phan coi sóc luôn địa sở Thanh Bình cho đến năm 1940. Cũng từ năm 1933, Thanh Bình và Plei Rơngol do cha Phan phụ trách được đổi thành địa sở Pơnuk. Cha Phan thường trú tại Plei Rơngol và đến các họ lẻ ban các Bí tích hoặc được các cha phụ tá ở Thanh Bình giúp.

III. GIAI ĐOẠN THỬ THÁCH 1945-1975

Tháng 06/1940, cha Marty (Tý) đến phụ trách vùng Plei Rơngol – Thanh Bình đến năm 1942.

Năm 1943, cha Antôn Nguyễn Đình Nghĩa và năm sau (1944) cha G.B Lê Thọ đến đảm trách vùng tây tây nam thị xã Pleiku đến những ngày khói lửa của thế chiến thứ hai.

Năm 1945, toàn thể vùng Tây Nguyên nói chung, vùng Plei Rơngol – Thanh Bình nói riêng lâm vào trận thế chiến thứ hai giữa Nhật và Pháp cũng như sau đó cuộc chiến giải phóng chống ngoại xâm nổ ra ác liệt làm tan nát mọi cơ sở tôn giáo vùng này.

ĐỊA SỞ BỊ PHÂN TÁN (Năm 1945 – 1956).

Vì chiến cuộc, vùng truyền giáo tây tây nam thị xã Pleiku bị phân tán, không còn linh mục coi sóc.  Quân Nhật lên Kon Tum quản thúc các linh mục thừa sai, trong khi đó chiến cuộc lan rộng khắp vùng. Vì thế, từ năm 1945 đến 1956, cha Curien (Kim) chính xứ Pleiku kiêm nhiệm cả vùng Plei Rơngol và Thanh Bình.

+ Tình trạng khói lửa, giáo dân phân tán (1945 – 1954).

Các họ đạo, nhà thờ bị tàn phá vào năm 1946 tại Plei Rơngol – Thanh Bình. Giáo dân buộc phải tránh bom đạn, đi nơi khác. Tình trạng bất ổn, mất an ninh kéo dài đến năm 1954.

IV. GIAI ĐOẠN CHUYỂN MÌNH VÀ PHÁT TRIỂN (Từ năm 1975 đến 2022):

1. TỪ 1975-2005:

Sau 1975, dân làng Plei Rơngol lần lượt trở về xây dựng lại thôn làng, gọi là làng Rơngol Khop. Giáo dân bắt tay sửa sang ngôi nhà thờ. Cha Đaminh Mai Ngọc Lợi chính xứ Đức Hưng kiêm địa sở Thanh Bình-Plei Rơngol Khop và đảm nhận chăm sóc mục vụ cả vùng tây tây nam thị xã Pleiku đến tận biên giới Campuchia (cửa khẩu Lệ Thanh ngày nay)

Tổng số giáo dân Plei Rơngol Khop trong năm 1991: 461 người gồm 216 nam, 245 nữ; từ sau năm 1975 đến năm 1991 có 309 người được rửa tội.

Thống kê thời điểm 30/12/2004, Plei Rơngol Khop có 817 giáo dân, do cha Đaminh Mai Ngọc Lợi phụ trách. Vì địa bàn hoạt động rộng và số giáo dân đông nên khi cần thì có các cha Dòng Chúa Cứu Thế ở trung tâm Plei Chuet (Pleiku) đến giúp đỡ mục vụ.

2. TỪ 2005-2022:

Năm 2005, linh mục G.B Lê Minh Trí, DCCT được bổ nhiệm phó xứ Đức Hưng, đặc trách địa sở Plei Rơngol Khop bao gồm một số họ đạo thuộc huyện Đức Cơ có tổng số giáo dân 2.093 người.

Năm 2008, Đức Giám mục bổ nhiệm linh mục Batôlômêô Nguyễn Đức Thịnh, DCCT làm chánh xứ Plei Rơngol Khop với số giáo dân 1.419 người (500 Kinh, 919 Thượng).

Từ 22/01/2010 – 2014, cha Giuse Trần Minh Chính, DCCT thay cha Batôlômêô Thịnh làm chánh xứ; cha Tađêô Võ Xuân Sơn phó xứ từ 06/12/2012 – 09/2014.

Năm 2015, Đức Cha Micae bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Thành Trung SDB làm chánh xứ. Cha Philipphê Đỗ Đức Hoan, SDB phó xứ. Giáo xứ được trao phó cho dòng Salêdiêng Don Bosco coi sóc

Năm 2017-2019, Đức Cha Aloisiô bổ nhiệm cha Philipphê Đỗ Đức Hoan SDB chánh xứ.

Các cha phó SDB: Phaolô Lê Ngọc Thức, Gioan Maria Vianey K’Ju (2019-2020), Phaolô Đỗ Văn Trường (2019-2020), cha Giuse Đỗ văn Dũng.

 Văn thư Tòa Giám Mục Kon Tum ngày 14/11/2019 xin Dòng SDB trao lại cho Giáo phận chuẩn giáo xứ Chư Ty (trước đó là một Giáo Họ người Kinh thuộc Plei Rơngol Khóp).

Năm 2020 đến tháng 7/2022, cha G.B Trần Ngọc Phát SDB chính xứ.

Các cha phó SDB: Giuse Nguyễn Đình Phúc, Phaolô Lê Ngọc Thức, Philipphê Đỗ Đức Hoan, Giuse Đỗ văn Dũng.

Ngày 14/9/2022: Đức cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Giáo Phận Kon Tum bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đình Phúc SDB làm chánh xứ Giáo Xứ Plei Rơngol Khóp. Các cha phó SDB: Philipphê Đỗ Đức Hoan, Giuse Đỗ Văn Dũng, Gioan Bosco Vũ Tiến Dũng, Giuse Nguyễn Cao Thái.

Hiện nay giáo xứ Plei Rơngol Khop có tổng cộng 5.515 giáo dân, có 10 giáo họ trực thuộc (Plei Yít, Plei Neh, Plei Ghè. Plei Ngolle, Plei Troll Đeng, Plei Pơnuk, Plei Sung, Plei Krai, Ia Nan, Mook Đen) Trong đó, Cộng đoàn người Jrai: 4.215 giáo dân; Cộng đoàn người Kinh: 1.300 giáo dân. Bổn mạng giáo xứ là Thánh Giuse Thợ (01/05).

GIÁO XỨ PLEI RƠNGOL KHÓP NGÀY NAY

Vì là một giáo xứ Salêdiêng, ngoài các công việc mục vụ như một giáo xứ triều: Bí tích, giáo lý, các hội đoàn… Giáo xứ Plei Rơngol Khóp còn có những công cuộc mục vụ giới trẻ tiêu biểu như sân bóng nguyện xá, nhóm giới trẻ Don Bosco, lớp bán trú cho các học sinh Jrai từ lới 1 đến lớp 5, các cơ sở hướng nghiệp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ địa phương điển hình là khu nhà trồng nấm tại làng Ba và làng Nuk. Đặc biệt có sự cộng tác của giới trẻ và người đời trong các công cuộc.

(bài viết lấy tư liệu từ trang WEB lịch sử giáo phận KonTum)

Plei Rơngol Khóp Lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu 01/10/2022

Giuse Nguyễn Đình Phúc SDB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles