Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Đâu Rồi Cái Thuở Ban Đầu

Tác giả: Diễm Ca, FMA

*

Nửa đêm, tiếng chuông điện thoại vang lên. Tôi bắt máy trong cơn ngái ngủ:

– Chị… Em không thể chịu nổi nữa rồi! – Tiếng của em gái tôi. Nó làm tôi tỉnh hẳn: “Chuyện gì xảy ra thế?”.

– Em chán. Lần này em chia tay. Em đã cố gắng hết sức nhưng có lẽ là không thể…

Sau mấy lời ấy, em òa khóc. Thông thường, tôi vẫn hay khuyên em “dĩ hòa vi quý”, nhưng lần này, tôi trực giác được nỗi bất bình đã lên cực điểm, và những xoa dịu qua quýt chẳng giải quyết được điều gì.

Câu chuyện của em

Vấn đề của em là sự “vỡ mộng”. Tôi cho là thế. Theo lời em kể, chồng của em trước và sau khi cưới không như nhau. Biết tính lầm lỳ của anh ta, và cũng biết tính quảng giao của em gái, tôi đã nhiều lần hỏi thăm và nhắc em về sự khác biệt này. Em rất tự tin tuyên bố: “Em sẽ làm cho anh ấy thay đổi, vì anh ấy rất yêu em. Chỉ cần em muốn là anh chiều hết!”.

Ngày bước lên xe hoa, em cười tươi rói, bước đi tự tin, đầu ngẩng cao hạnh phúc. Nhìn dáng điệu mãn nguyện của em, tôi xem chừng mối lo lắng của mình chỉ là cảm giác ảo. Tuy nhiên, chỉ ít thời gian sau cái đám cưới hoành tráng ấy, em hay liên lạc với tôi, lần nào cũng với điệp khúc: “Em và anh ấy không hợp nhau chị ạ! Hồi trước mỗi lần gặp nhau, anh ấy nói với em những lời ngọt ngào, luôn hỏi ý em trong mọi sự. Còn bây giờ thì thay đổi 1800 luôn. Lúc nào cũng im ỉm như bức tượng ấy. Ngột ngạt không chịu nổi”.

Thực sự thì tôi không lạ: Anh ta thích cắm lều ở quê nội miền Tây, an phận với heo gà, cá cảnh. Còn em gái tôi vốn là dân kinh tế thì luôn mê mẩn với việc buôn bán làm ăn tại chốn Sài thành, hai tính cách quá khác biệt. Nhưng có điều tôi lạ đó là sự tự tin của em biến đâu mất rồi?

Trong thực tế làm việc với các bạn trẻ, nhất là những đôi vợ chồng trẻ, tôi thường được nghe câu: “Chúng em không hợp nhau!”, hay “Anh ấy khác với lúc trước quá!”.

Tại sao cái “không hợp”, cái “khác” này lại không được phát hiện sớm? Cả hai anh chị đã chẳng có thời gian đủ dài để tìm hiểu nhau sao? Họ đã chẳng chứng minh được rằng họ có thể “thay đổi” nhờ tình yêu với đối tác, họ đã vượt qua mọi sự, kể cả những điều khó khăn nhất? Để tìm hiểu nguyên nhân, tôi không nghĩ họ đã giả hình hay lừa dối, và tôi cũng không loại trừ những lý do khác như “yêu cuồng sống vội”, hay 1001 lý do khác, nhưng tôi chợt nghĩ đến một nguyên nhân: “Có khi nào do ai đó trong họ đã nghĩ: Cưới nhau rồi, cần phải làm màu làm mè gì nữa. Lo mà làm việc thôi. Lo sống thực tế thôi!”. Phải chăng chính từ sự coi thường này làm cho hôn nhân tan vỡ?

Về em và các cặp vợ chồng trẻ

Theo tôi, việc quên chăm sóc và giữ ấm cho mối tương quan tình yêu giữa hai người đã là một trong những sai lầm lớn của các đôi vợ chồng trẻ. Nó là nguyên nhân khiến tình yêu nguội lạnh dần và dẫn đến đổ vỡ sau chỉ một vài năm chung sống.

Các đôi vợ chồng trẻ thường cho rằng đã “biết” nhau rồi, hoặc do phải tạo dựng cơ nghiệp, đến nỗi mọi khoảng thời gian dành cho nhau đều bị coi là xa xỉ. Một bạn gái tâm sự: “Anh ấy đi làm từ sáng đến chiều tối, có khi về nhà lúc 11g đêm. Cả tuần gặp con gái (4 tuổi) được đúng một lần. Em nói với anh ấy rằng mẹ con em cần anh ấy, chứ không cần tiền. Bé Va-Ni rất nhớ và muốn được ba bồng ẵm. Anh trả lời: Em đừng ảo tưởng. Cuộc sống phức tạp, chỉ cần biết là anh thương em. Thế là đủ rồi!” Một bạn gái khác chia sẻ: “Khi chưa cưới mỗi ngày anh nhắn tin cho em ít nhất là 50 tin với những lời ngọt ngào và mềm mại. Còn bây giờ, anh chẳng còn buồn nói chuyện hay tâm sự gì với em. Dịp Giáng sinh, em rủ anh đi siêu thị và mua tặng anh một chiếc áo. Anh cầm như cầm một cái bánh, còn chẳng nói cám ơn em một tiếng. Anh cũng chẳng hỏi em mùa Giáng Sinh muốn gì. Thiệt là chán!”.  

Chúng ta suy nghĩ gì?

Những năm đầu, khi mới bắt đầu phải lòng nhau, người ta cảm nhận sự “đong đầy” bởi sự hiện diện của người kia, mọi sự đều mang mầu hồng, người ta mơ khi mắt vẫn còn mở, người ta hét tiếng “Anh yêu em” với hết sức lực, người ta thề thốt về một tình yêu vĩnh cửu, nhưng rồi với thời gian, người ta cần ngồi lại để cân nhắc thực tế của đời sống “đều đặn và dai dẳng” của cái hàng ngày.

Quan niệm “cưới nhau một lần cho cả đời” là đúng nhưng không đủ. Nếu như tương quan xã hội, tương quan tình bạn cần được vun đắp và làm mới mỗi ngày thì tương quan trong gia đình càng cần được quan tâm và nâng niu hơn thế. Giao tiếp thường xuyên, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống với người bạn đời chính là chìa khóa để gắn kết tình cảm vợ chồng lâu bền. Việc thiếu tương tác luôn là nguyên nhân làm tình cảm gia đình trở nên lỏng lẻo, thậm chí giết chết các mối quan hệ này. Ở đây không chỉ là vấn đề của việc trò chuyện mà là sự hiểu biết và thông cảm lẫn cho nhau. Rất nhiều đôi vợ chồng thường xuyên trò chuyện nhưng không “kết nối”. Giữa vợ chồng cần có một “làn sóng yêu thương” kết nối hai trái tim cách liên tục, để trong bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, họ cũng có thể bắt được tần số của nhau và ra tín hiệu đồng thuận đúng lúc. Dẫu không thể tránh khỏi những bất đồng, hiểu lầm, xung đột, nhưng sự thấu cảm sẽ giúp hai người sớm tìm lại được “hòa bình” trong mối tương quan.

Khi hai người kết hôn, họ cam kết cùng nhau hoàn tất hành trình đời người, dám gánh lấy hạnh phúc của người khác. Tuy nhiên, cả hai không được quên rằng mỗi người trong họ đều được giáo dục, có cảm xúc riêng, mang nơi mình những thói quen, lối suy tư riêng biệt. Do vậy, cần phải xem xét về gia đình nơi từng người xuất phát, học cách sống tự lập, nhận biết và chấp nhận người bạn đời như một nửa kia khác với mình, tìm kiếm cách thức để cùng nhau thích ứng: Chấm dứt thời gian của “tôi” và “bạn”, để rồi khởi đầu thời gian sống cái “chúng ta”. Bước vào đời sống lứa đôi, cả hai cần phải thay đổi những thói quen đã có từ gia đình mình trước đó. Để có sự hòa hợp, cả hai đòi phải có khả năng đối thoại, sự kính trọng lẫn nhau, khả năng chấp nhận người khác, giầu nhân cách và ý muốn hiệp thông, sẵn lòng và kiên nhẫn. Cần phải biết lắng nghe, biết nói, biết cười trước những khiếm khuyết, biết đánh giá những đức tính tốt, biết đi vào mối quan tâm chung, biết đặt mình vào chỗ của người khác, biết sẵn lòng để chia sẻ đời sống hàng ngày.

Đối với nhiều gia đình Việt Nam, vợ chồng ít khi diễn tả tình yêu ra bên ngoài qua những dấu chỉ như chăm sóc, nói lời yêu thương, tặng quà, cử chỉ âu yếm… thì việc vun vén tình yêu trong đời sống lứa đôi quả là đòi nhiều cố gắng và tập tành, từ những điều nhỏ và cụ thể trong cuộc sống.

Trong tông huấn “Niềm hoan lạc của tình yêu”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói về gia đình như sau: “Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, là sự hiệp thông của các ngôi vị… Bí tích hôn phối không phải là một giao ước xã hội, một nghi lễ rỗng tuếch hay chỉ là dấu chỉ bên ngoài của một cam kết nào đó. Bí tích này là ân sủng được ban để đem lại cho vợ chồng ơn thánh hóa và cứu độ.”(số 71.72).

Một kinh nghiệm hay

Lá thư cô giáo Brandy Young người Mỹ, gửi cho các phụ huynh nhân dịp đầu năm học mới 2016 có tên: Quy định mới nhất về việc làm bài tập tại nhà”, được một bà mẹ đăng lên trang cá nhân và sau chưa đến một ngày đã có hơn 40.000 lượt bình luận với những lời khen ngợi và hâm mộ. Nội dung như sau:

“Quý Phụ huynh thân mến,

Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu trong suốt thời gian nghỉ hè, tôi dự định thử nghiệm một điều mới mẻ. Bài tập về nhà sẽ chỉ bao gồm các bài tập mà học sinh không hoàn thành trong thời gian ở trường. Sẽ không có bài tập về nhà được giao một cách chính thức trong năm nay.

Các nghiên cứu từ trước đến nay vẫn chưa thể chứng minh rằng bài tập về nhà cải thiện kết quả học tập của các em học sinh, vì vậy tôi xin phép được đề nghị quý phụ huynh hãy dành thời gian các buổi tối làm những việc đã được chứng minh có khả năng hỗ trợ sự thành công của con mình. Đó là cả gia đình cùng ăn tối, cùng đọc sách, chơi cùng nhau ngoài trời và cho con bạn đi ngủ sớm.

Trân trọng cảm ơn,

Brandy Young.” Lá thư ngắn có sức thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng bởi đề xuất của nó giúp các gia đình sống những khoảnh khắc đời thường. Ngày nay, nhịp sống của nền kinh tế thị trường và mạng xã hội chiếm mất bầu trời riêng của gia đình. Mất bầu trời yêu thương, gia đình không còn là tổ ấm, nơi an toàn và trường dạy yêu thương. Hạnh phúc gia đình quí giá nhưng mong manh, nó chỉ có được nếu từng thành viên cùng dựng xây. Cầu chúc mỗi gia đình trở nên mái nhà đích thực của hiệp thông, nơi ấy có tình yêu ngự trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles