Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Đứa Bé Bị Phạt

Tác giả: Cố Giáo sư Võ Phá

Có người bảo là tôi rất nghiêm khắc đối với học sinh. Có người lại bảo tôi nuông chiều học sinh. Cả hai nhận xét đều đúng, nghiêm khắc hay dễ dãi tùy trường hợp. Nữ sinh ngồi trong lớp mà bỏ chân ra khỏi dép hay ngồi đầu bàn mà đưa chân ra ngoài lối đi thì bị tôi la rầy ngay. Nam sinh tóc dài hay không cài nút áo cẩn thận, tôi không cho vào lớp. Học sinh đi trễ, đến lớp sau tôi thường phải đứng ngoài cho đến hết giờ học. Nhưng, thấy học sinh ngủ gục trong lớp, không bao giờ tôi kêu dậy, vì tôi nhớ lúc nhỏ có nhiều lần tôi phải thức khuya nên vào lớp không thể nào nhướng mắt lên nổi. Có lần, mấy cậu ham chơi vào lớp mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi cho xuống cuối lớp cởi áo ra ngồi học, vì tôi biết rằng bắt các em đó ngồi yên trong lúc lửa trong người tiếp tục bốc ra thì các em chẳng học hành gì được. Tôi còn nhớ lúc nhỏ nhiều lần tôi đi học sớm và đá banh giữa trưa, dưới cái nắng chang chang, trên miếng đất trống trước trường cho đến khi có tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp mới thôi. Lúc đó ngồi trong lớp, tôi cứ nghĩ rằng được cởi trần là điều hạnh phúc nhất trong cõi đời nầy.

Ngoài một số chi tiết vừa kể trên, nói chung, tôi vẫn thuộc loại nghiêm khắc. Do đó ở mỗi trường mà tôi đến dạy, bao giờ người ta cũng dành cho tôi một ghế trong hội đồng kỷ luật.

Từ năm 1978, tôi quay trở lại với việc giảng dạy. Nhà trường không có hội đồng kỷ luật, tôi không còn có dịp ngồi “xử án” các em phạm lỗi nặng trong trường nữa. Tuy nhiên thỉnh thoảng người ta cũng hỏi ý kiến tôi về việc xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật.

Hôm đó, giờ chơi, tôi đang ngồi nói chuyện với anh hiệu trưởng trong văn phòng thì giáo viên trực dẫn một học sinh vào. Hiệu trưởng ngẩng lên nhìn:

– Chuyện gì vậy?

– Đánh lộn trên sân trường.

– Tại sao chỉ có một đứa?

– Thằng này đánh thằng kia – anh giáo viên trực chỉ tay vào em học sinh. Nói xong, anh để đứa bé đứng đó và đi ra.

Trước năm 1975, trường nào cũng có giám thị và tổng giám thị, hiệu trưởng không phải trực tiếp nhúng tay vào vấn đề kỷ luật của học sinh. Bây giờ thì khác, hiệu trưởng phải bao hết mọi chuyện nên nhiều lúc anh tỏ ra mệt mỏi. Lần này, thay vì “hỏi cung” em học sinh phạm tội, anh quay sang hỏi tôi:

– Anh là giáo viên dạy lâu năm nên tôi muốn xin ý kiến của anh. Chúng ta nên áp dụng hình phạt gì với em học sinh này?

Tôi nhìn đứa bé, trông nó thật hiền lành. Nó ngẩng mặt lên, đôi mắt ướt, hai tay đan vào nhau. Trong đầu tôi, có một cánh cửa hé mở để tôi nhìn vào quá khứ xa xăm. Tôi nghe tiếng trả lời của chính mình với anh hiệu trưởng:

– Nếu tôi là hiệu trưởng thì tôi tha cho nó.

Anh hiệu trưởng nhìn tôi, ngạc nhiên:

– Sao thế, anh có tiếng nghiêm khắc với các em lắm mà? Học sinh đánh lộn trên sân trường là vi phạm nội quy một cách trầm trọng, không lẽ được tha tội dễ dàng thế này sao? – Tôi chưa biết trả lời thế nào cho anh hiểu thì may quá, kẻng đánh vào lớp. Tôi chào anh và đi ra.

******

Cánh cửa quá khứ tiếp tục hé mở, trong đó, tôi như thấy một đứa bé lủi thủi đi qua dưới chân tượng ông Pétrus-Ký trong sân trường, tay nắm chặt tờ giấy phạt cấm túc. Cậu bé hình dung cặp lông mày của cha nó sẽ nhíu lại khi đặt bút ký vào tờ giấy báo cấm túc của con mình.

Thằng bé bị phạt vì tội đánh lộn trước cổng trường, gây náo loạn trong giờ học sinh vào học. Nó cảm thấy mình vừa có lỗi, vừa không có lỗi. Chính thằng kia cố tình gây sự để làm hư chiếc xe đạp quý giá của nó. Nó đã mơ ước một chiếc xe đạp trong bao nhiêu năm trời. Cha nó đã trích một phần lương để mua thưởng cho nó khi nó thi đậu vào trường Pétrus-Trương Vĩnh Ký.

Kỳ thi thi tuyển vào Pétrus là cuộc tranh đua ngoạn mục của tất cả nam sinh ngụ tại thành phố và các tỉnh lân cận. Lycée Pétrus-Ký là “vùng đất hứa” của tất cả con trai, cũng như Collège Gia Long là “vùng đất hứa” của tất cả con gái sau khi qua bậc tiểu học. Vì vậy, trúng tuyển vào Lycée, nó làm cho cha nó vui mừng. Ông đã nói với người bạn: “Con tôi vào Pétrus rồi”. Nói xong, ông cười; nụ cười chứa cả một niềm hãnh diện và hạnh phúc to lớn. Sau đó ông thưởng cho nó một chiếc xe đạp mới toanh, một phần thưởng thực xứng đáng với niềm vinh dự mà nó mang lại cho gia đình. Còn nó, thực khó tả nổi sự sung sướng khi nhận được phần thưởng nầy.

Có xe đạp, trường Trung học Pétrus-Ký có xa hơn một tí cũng chẳng nghĩa lý gì. Vì thế, nó thương yêu và săn sóc chiếc xe đạp còn kỹ hơn người ta săn sóc các người đẹp trong cuộc thi hoa hậu nữa. Cũng vì vậy, nó thường bị bạn bè trêu chọc. Bạn nó cũng có đứa có xe nhưng là những chiếc xe cũ mèm, đen thui dính đầy bùn đất, làm sao sánh được với chiếc xe mới toanh của nó, không một vết trầy nhỏ trên mặt sơn xanh bóng loáng. Khi dẫn xe vào cổng, nó cẩn thận tránh va chạm vào xe khác. Trong nhà để xe, nó lựa nơi có giá đỡ vững chắc để an tâm xe không bị ngã đổ vào nhau.

Trưa hôm đó, gần đến giờ mở cổng, học sinh đã bu đen trước cổng trường. Tất cả hờm hờm như đoàn xe đua chờ đợi phát súng lệnh xuất phát. Cổng trường vừa mở, bọn đi đầu vọt vào. Nó chưa kịp rướn tới thì một thằng ở sau tông mạnh vào xe nó làm nó mất thăng bằng ngã xuống, đau đớn thấy xe nó bị một xe khác đè lên. Nó vùng dậy nhìn ra sau thấy một thằng nhe răng cười. Đúng là thằng này rồi. Nó bước tới đấm vào mặt thằng đó một quả thôi sơn. Có nhiều tiếng la ồn ào. Nó và thằng kia bị nhiều cánh tay ôm lại. Cửa trường mất hết trật tự. Lập tức cô giám thị chạy đến. Có nhiều tiếng la to cùng lúc: “Thằng này đánh thằng này”. Cô giám thị túm lấy một mình nó lôi lên văn phòng, sau khi giao chiếc xe của nó cho một đứa đi bộ dẫn vào. Cô chỉ cho nó một góc trong phòng giám thị, bảo nó đứng đó còn cô thì trở ra cổng.

Căn phòng hoàn toàn vắng lặng, mấy chiếc bàn trống trơn, hai chiếc quạt quay một cách mệt mỏi trên trần nhà. Bên ngoài, tiếng cười nói ồn ào tăng dần trong khi học sinh tràn ngập bốn dãy hành lang dài hun hút. Nó hiểu rằng trong vài phút nữa giờ học sẽ bắt đầu. Hai giờ đầu của lớp nó hôm nay là hai giờ sử địa của thầy Tâm. Nó đã học bài của thầy rất thuộc, hi vọng sẽ được gọi lên bảng và được thầy cho một điểm tốt, tối thiểu phải là mười bốn trên hai mươi. Hai giờ kế tiếp là giờ Pháp văn của thầy Thiệp, nó đã soạn kỹ phần étude de texte và dự định tình nguyện trình bày cho cả lớp nghe.

Nghĩ đến việc học hôm nay, nó cảm thấy hào hứng và trong phút chốc nó quên rằng mình đang ngồi đây chờ hình phạt. Không, lỗi nầy không phải tự nó cố ý gây nên. Nó đã bị khiêu khích một cách quá đáng. Đúng, nó không hề có ý gây rối, lỗi tại thằng kia. Nó cố gắng tự bàu chữa và chuẩn bị bài diễn văn để trình bày với cô giám thị. Bỗng nó giật thót cả mình khi tiếng chuông vào lớp reo vang khắp nơi. Tim nó đập loạn đả, mắt nó hoa lên, tiếng chuông dài như bất tận. Tiếng chuông ngừng một chút rồi lại vang lên, ba hồi như thế, có khác nào ba hồi chuông báo tử!

Nó là một học sinh có kỷ luật, không bao giờ đi trễ nên thường ngày, tiếng chuông đối với nó thực hiền hòa. Hôm nay, đứng đây trong tâm trạng của một tử tù chờ giờ lên đoạn đầu đài, hồi chuông vào lớp làm cho tâm hồn nó  bấn loạn.

Nó nhón cổ lên để tìm cô giám thị. Nó thấy cô rồi. Nhưng khổ chưa, cô cứ đảo qua đảo lại, đảo tới, đảo lui trên hành lang, ngang qua các bạn nó đã hàng hai chỉnh tề trước cửa các lớp. Giáo sư lần lượt xuất hiện, từng mảng học sinh biến mất qua khung cửa, cho đến khi các dãy hành lang hoàn toàn trống vắng. Nó hình dung các bạn nó bắt đầu ngồi xuống im lặng lấy sách vở ra, chuẩn bị nghe thầy cô giảng bài. Lòng của các bạn nó thanh thản biết bao, còn lòng nó đang rối bời trong chờ đợi, trong lo âu, trong cay cực.

Một vài thầy giám thị bước vào phòng, nhìn nó với đôi mắt lạnh lùng, không chút thiện cảm, rồi im lặng về bàn làm việc của mình. Nó chờ mong cô giám thị. Sau cùng cô cũng xuất hiện và đi thẳng về bàn mình. Cô lẳng lặng kéo hộc bàn lấy ra hai tờ giấy và hi hoáy viết. Mặt cô hiền lành và phúc hậu; hàng ngày, nó và các bạn thường gọi cô là “maman”. Vì vậy, nó cũng đỡ lo. Nó tiến tới đứng trước mặt cô, thu hết can đảm để bắt đầu bài diễn văn phân trần mà nó đã soạn sẵn trong đầu:

– Thưa cô….

Cô giám thị dùng tay trái ngăn nó lại không cho nói, tay phải ký tên vào cuối tờ giấy thứ hai. Vẫn không nói một lời nào cả, cô nhét vào tay nó hai tờ giấy nhỏ rồi khoát tay bảo nó đi ra.

Hoang mang cùng cực, nó bước ra, đọc ngay hai tờ giấy vừa nhận được. Tờ thứ nhất có tựa rất đậm: “Billet d’entrée”. Đó là tờ giấy cho phép vào lớp, có ghi: trễ mười phút. Tờ thứ hai là giấy báo phạt gởi về cha mẹ có ghi: “Demi-consigne”, với lý do là đánh lộn.

Nó thở phào nhẹ nhõm. Chỉ bị phạt demi-consigne, nửa cấm túc mà thôi, thế là rất nhẹ. Nửa cấm túc, có nghĩa là vào trường ngồi học bài sáng chủ nhật, từ bảy giờ đến chín giờ, dưới sự giám sát rất dễ chịu của một giám thị trực. Mất hai giờ đá banh sáng chủ nhật, thực đáng tiếc. Nhưng không sao, cấm túc xong, tiếp tục chơi đến mười một giờ rồi về ăn cơm, cũng không đến nỗi nào.

Nó lủi thủi đi ngang qua bức tượng ông Pétrus-Ký, pho tượng mà nó nhìn thấy hằng ngày và mãi mãi sau nầy vẫn là hình ảnh đầy kính trọng và thân thương của nó.

Nó bước vào lớp, các bạn đều nhìn lên với cặp mắt hỏi han. Thầy Tâm ngừng nói, bài giảng địa lý bị gián đoạn. Thầy nhìn nó một cách khó chịu. Nó cung kính dùng cả hai tay đưa cho thầy giấy phép vào lớp. Thầy cầm lấy, đọc nhanh rồi ngồi vào ghế, rút viết lật sổ ra ghi vào: Demi-consigne, lý do là đi học trễ, làm gián đoạn bài giảng. Thầy xua tay cho nó về chỗ, vẫn không nói với nó một lời nào cả. Thế là tiêu trọn buổi sáng chủ nhật. Hai cái demi-consigne thành một cái consigne entière, vị chi là bốn giờ liên tiếp giam mình trong phòng học với thầy giám thị trực cùng một số học sinh lười biếng hoặc vi phạm kỷ luật. Bốn giờ cấm túc ngồi yên, không được nói chuyện, tha hồ mà tưởng tượng cảnh vui đùa của các bạn trong sân vận động. Demi-consigne với hai giờ cấm túc thì còn dễ chịu chứ consigne entière với bốn giờ liền bị giam hãm trong phòng thì quả là gay go lắm đó.

Tôi cảm thấy tủi thân nên lủi thủi về chỗ ngồi. Vâng, đứa bé tội nghiệp đó chính là tôi.

****

Trong cuộc đời dạy học, tôi đã phạt học sinh không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ phạt về tội đánh lộn trong phạm vi nhà trường. Tôi công nhận, đánh lộn là một lỗi, có khi là một lỗi rất nghiêm trọng, cần trừng trị. Vì thế, ai đó có phạt, tôi không phản đối, nhưng tôi thì không bao giờ tham gia vào sự trừng phạt đó. Nếu giao cho tôi toàn quyền xử lý thì tôi tha ngay. Đó là điều phi lý nhưng tôi vẫn bằng lòng. Vì trong cuộc đời nầy có vạn điều phi lý hơn mà ta vẫn phải chấp nhận.

Vả lại, có hoài niệm về tuổi trẻ của mình và sống lại một cách chân thành với tâm tình thơ ấu, người làm giáo dục sẽ dễ hòa đồng tâm hồn mình với tâm hồn bọn trẻ, điều kiện thiết yếu để cho việc giáo dục được thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles