Saturday, July 27, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Truyền Giáo Với Tâm Tình Tri Ân

Salêdiêng

Một trong những giá trị nhân bản cao quí của người Việt nam đó là lòng biết ơn. Biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ. Biết ơn những bậc lão thành. Biết ơn những ai tát nước trồng cây. Biết ơn những nhà giáo dục. Biết ơn những người gieo mầm đức tin v.v… Vì con tim biết ơn là con tim reo vui.

Mặc dù ngày nay, tỉ lệ người tin vào Đức Kitô tại Việt Nam vẫn chỉ là con số khiêm tốn. Có thể nói Việt Nam vẫn được gọi là đất nước truyền giáo, vì nhu cầu truyền giáo còn  rất lớn. Vậy mà hôm nay đã có rất nhiều Kitô hữu Việt nam, gồm giáo dân, tu sĩ nam nữ, linh mục dòng cũng như triều, sẵn sàng ra đi, để sống và chia sẻ niềm tin của mình với nhiều anh chị em khác trong mọi miền quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn chỉ riêng dòng Don Bosco Việt Nam thôi, đã có trên 100 anh em tình nguyện ra đi truyền giáo. Họ hiện diện khắp năm châu, đặc biệt tại những biên cương nghèo khổ nhất.

Biết cho đi và lãnh nhận sẽ làm cho cuộc sống nhân sinh trở nên yêu thương và hạnh phúc. Giáo Hội Việt Nam đã từng là “Giáo Hội NHẬN’ suốt hơn 400 năm qua, từ ngày các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Việt nam và gieo trồng hạt giống đức tin tại quê hương thân yêu này. Ngày nay, thiết nghĩ Giáo Hội Việt Nam sẽ phải là “Giáo Hội CHO’ trong cùng một mục đích nói trên. Cho thì vui hơn nhận. Cho thì có phúc hơn nhận. Nếu nhìn lên, thì Việt nam có thể còn thua kém nhiều nước khác, nhưng nếu nhìn xuống, thì còn nhiều quốc gia nghèo đói và khốn khổ hơn chúng ta. Chẳng cần nhìn lên hay nhìn xuống, chúng ta hãy nhìn sang bên cạnh, để xem anh chị em mình đang cần gì và mình có thể làm được gì cho họ trong khả năng của mình. Như bà góa trong Tin mừng, đã dâng cúng một số tiền rất nhỏ vào đền thờ, chúng ta luôn có cơ hội để cho đi, cho đi cả cái ít ỏi nhất của mình. Giàu sang không phải là sở hữu nhiều của cải, mà giàu sang chính là biết cho đi.

Mỗi Kitô hữu khi được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đều mang trong mình một sứ vụ truyền giáo, là trở nên nhân chứng của Chúa giữa trần thế. Họ là muối men cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Đối với các tu sĩ Salêdiêng, họ được trao sứ mệnh truyền giáo ngay trong ngày tuyên khấn lần đầu. Họ trở thành dấu chỉ và người mang tình yêu Chúa cho thanh thiếu niên, nhất là những em nghèo và bị bỏ rơi. Trong số những tu sĩ Salêdiêng này, có một số người được Chúa tuyển lựa cách riêng, để ra đi truyền giáo. Đúng là một ơn gọi trong cùng một ơn gọi. Họ được sai đi, ra khỏi quê hương đất nước và nền văn hóa của mình, đến những miền đất mới, những bờ bến lạ, để thi hành sứ mệnh truyền giáo cho những anh chị em lương dân chưa biết Chúa.

Công việc truyền giáo thì rất phong phú; tùy mỗi địa phương, mỗi quốc gia mà việc truyền giáo mang những sắc thái đặc thù. Chẳng hạn, trong ba quốc gia mà tôi được sai đến từ năm 2002 đến nay, đó là Philippines, Papua New Guinea và Quốc Đảo Solomon, thuộc khu vực Thái Bình Dương, đều mang sắc thái khác nhau. Tại đất nước Philippines, hạt giống Kitô giáo đã được gieo trồng trên 500 năm, còn hai nước Papua New Guinea và Quốc Đảo Solomon mới chỉ trên 150 năm mà thôi. Thế nên, khi đến đây, tôi không còn phải là người gieo hạt giống nữa, cũng chẳng phải là thợ gặt, vì Chúa mới là Đấng quyết định thời điểm mùa thu hoạch. Do đó, công việc của tôi giống như người bảo dưỡng, chăm sóc cánh đồng lúa của Chúa đã có sẵn ở đó. Hàng ngày tôi làm cỏ, đắp bờ, bơm nước, xịt thuốc, vãi phân… nghĩa là làm tất cả những gì có thể, để bảo đảm cánh đồng lúa đã được gieo trồng và đang lớn lên, sẽ luôn xanh tươi và đơm bông kết hạt. Giáo hội rất cần và cần nhiều người làm công tác bảo dưỡng như thế. Tốp này đi, sẽ có tốp khác đến và cứ như vậy, cho đến ngày thế mạt.

Trước kia, mỗi năm các nhà thừa sai thường báo cáo về Tòa thánh  số người được rửa tội tại những vùng truyền giáo. Số người được rửa tội càng nhiều, thì việc truyền giáo càng được xem là thành công. Nhưng ngày nay, con số không còn là yếu tố quyết định nữa. Nhà truyền giáo đến với người dân, sống giữa họ, làm việc với họ và cùng với họ phát triển đời sống thiêng liêng, tinh thần, văn hóa, kỹ thuật và cả đời sống vật chất nữa. Ở đâu có con người, nhà truyền giáo cố gắng đến và sống tại đó với họ. Nhà truyền giáo ngày nay phải trở nên mọi sự cho hết mọi người. Vui với người vui, khóc với người khóc. Mà thực tế thì vui nhiều hơn khóc.

Tôi không đi tìm những con đường trải đầy hoa hồng, nhưng tôi cố gắng biến những con đường tôi đi qua, trở thành lộ trinh đầy cánh hoa muôn sắc. Chẳng nơi nào được gọi là địa sở truyền giáo lý tưởng cả; địa sở truyền giáo nào cũng lý tưởng và đẹp đẽ đối với những ai sẵn sàng được sai đi. Mỗi Kitô hữu hôm nay vẫn tiếp tục công việc truyền giáo của giáo hội, nhưng việc truyền giáo không bao giờ là sự áp đặt hay ép buộc trên bất kỳ ai, và thật là thô bạo và phi nhân bản, nếu việc truyền giáo mặc hình thức cải tạo lý trí hay ý chí con người. Sở dĩ chúng ta vẫn luôn tham gia vào việc truyền giáo, là vì chúng ta có một tin mừng để chia sẻ. Tin mừng đó chính là sự yêu thương. Và vì yêu thương tha nhân nên chúng ta khao khát chia sẻ tin mừng. Giá trị tin mừng luôn là món quà vô giá để chia sẻ và trao ban cho mọi người, trong mọi nơi và mọi lúc.

Chọn ơn gọi truyền giáo mặc nhiên là phải chấp nhận cuộc sống thách đố; chấp nhận sư nóng lạnh; thiếu thốn, bất tiện; cô đơn; chấp nhận sự khác biệt: khác biệt về văn hóa, khác biệt cách ăn uống, khác biệt về lối suy nghĩ và khác biệt cả về ngôn ngữ nữa. Chẳng hạn, riêng tại đất nước Papua New Guinea mà tôi đang phục vụ, chỉ vỏn vẹn gần 10 triệu dân, mà có tới 800 ngôn ngữ khác nhau. Đến một nơi nào đó, điều trước tiên nhà truyền giáo phải thực hiện là học ngôn ngữ của họ, để có thể giao tiếp với mọi người. Muốn học ngôn ngữ nhanh cẩn phải trở nên trẻ thơ, để học từ người bản xứ:  cái gì cũng hỏi, và hỏi ngay cả cái đơn giản nhất. Tuy nhiên ngôn ngữ của con tim vẫn luôn là ngôn ngữ quan trọng nhất. Ngôn ngữ của sự yêu thương thì ai cũng hiểu, và dễ dàng đón nhận.

Ơn gọi truyền giáo đã giúp tôi nhận ra rằng thân phận của mình quá nhỏ bé, hèn mọn và yếu đuối khi đứng trước công trình tạo dựng vĩ đại của Thiên Chúa và sự quan phòng tuyệt hảo của Người trong vũ trụ. Vì thế, tôi không ngừng tri ân Thiên Chúa, và cũng chính tâm tình biết ơn này đã thôi thúc tôi dấn bước không mỏi mệt, để hiến thân cho đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, mà Chúa trao gửi cho tôi.

Giuse Nguyễn Công Thành

Linh mục Dòng Saledieng Don Bosco

Chánh xứ Giáo Xứ truyền giáo Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu Araimiri

Tổng đại diện Giáo Phận Kerema

Nước Papua New Guinea

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles