Saturday, July 27, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Mục Vụ Truyền Giáo Salêdiêng Tại Angola

Salêdiêng

Theo thống kê năm 2019, Angola có dân số khoảng 32 triệu người, với diện tích là 1.246.700 km2. Thị xã Libolo nơi tôi sinh sống và loan báo Tin mừng thuộc tỉnh Quanza Sul, có trung tâm là Calulo, với diện tích là 9.000 km² và dân số khoảng 125.000 người; tỷ lệ người Công giáo là 56%. Dân địa phương rất gần gũi, dễ thương và hiếu khách. Lòng đạo của họ thật chân thành và đơn sơ; thường thì họ dành cả ngày Chúa nhật để đi lễ và sinh hoạt tôn giáo. Lối sống và các nghi lễ tôn giáo của họ có nét đặc biệt được thể hiện qua những điệu múa truyền thống và dâng của lễ bằng hiện vật.

Tôi là Linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Hoàng Diệm SDB, hiện đang đặc trách Giáo xứ Sacrado Coração de Jesus na Missão de Libolo Tỉnh Quanza Sul. Cùng tôi chăm sóc các em thiếu nhi trong Giáo xứ còn có Sơ Teresa Nguyễn Thị Lệ Mỹ FMA. Đây là vùng truyền giáo  rất nghèo, kinh tế thuần nông nghiệp, lao động tay chân là chính, và hầu như chẳng được hỗ trợ bởi phương tiện kỹ thuật nào. Các làng mạc nằm rải rác khắp nơi trong vùng rừng, đồi núi, nên người dân không được tiếp cận với ánh sáng văn minh: không trường, không lớp, không thầy cô giáo. Một vài trung tâm có trường học thì các học sinh cũng phải đi bộ hai hoặc ba tiếng đồng hồ mới tới trường. Hơn nữa, tâm thức mê tín dị đoan và tục đa thê cũng gây nhiều tác hại trên cuộc sống của họ; cùng với đó là những ảnh hưởng xấu đến từ việc sử dụng bùa ngải và tin mù quáng vào các quyền lực vô hình. Bùa ngải được buôn bán cách công khai ngoài chợ, và nghề thầy bói được chính phủ cấp phép hành nghề. Thông thường khi có ai đau ốm hoặc qua đời, họ mời thầy bói tới để tìm xem ai là phù thủy đã gây ra cái chết đó, và hậu quả là không thiếu những sự bách hại lẫn nhau, ngay trong chính gia đình hay gia tộc của họ. Tục lệ đa thê, tuy không còn chính thức được xã hội chấp nhận, nhưng trong thực tế lại tràn lan khắp nơi, kéo theo hệ quả là gia đình nào cũng đông con, nhưng các em lại không được chăm sóc và giáo dục tử tế.

Trong bối cảnh ấy, sứ mệnh Phúc Âm hóa của Giáo hội càng trở nên khẩn thiết hơn, cách riêng qua sự đồng hành của các con cái Don Bosco nhằm thăng tiến đời sống giới trẻ nơi vùng đất còn thiếu ánh sáng văn minh này. Cụ thể, nơi đây có sự hiện diện của 3 tu sĩ Salêdiêng Việt Nam: Ngoài tôi và sơ Lệ Mỹ, còn có Cha Giuse Trần Văn Xuân SDB, cũng đang làm việc tại một trường kỹ thuật thuộc Giáo xứ Nossa Senhora dos Navegantes, tỉnh Benguela.

Đợt dịch Covid 19 vừa qua đã tàn phá tinh thần bà con giáo dân Công giáo đến mức không ngờ, đặc biệt nơi giới trẻ: sự lạnh nhạt và biếng nhác tham dự phụng vụ, sống khép kín, thậm chí có người bỏ đạo … Ngoài nguyên nhân do thiếu vắng linh mục đồng hành, còn có sự tác động lớn từ các giáo phái Tin Lành. Đứng trước tình trạng đó, chúng tôi có kế hoạch mỗi ngày đi thăm và dâng lễ tại 2 buôn làng với ước mong rằng, mỗi tháng giáo dân có thể được tham dự Thánh lễ ít là một lần. Tôi thường phải dùng xe máy đi qua những con đường đồi núi lầy lội để đến được các buôn làng. Làng gần nhất đi xe cũng phải mất 30 phút; xa nhất có thể mất 4 tiếng đồng hồ. Khi đến các buôn làng, giáo dân ra hát hò chào đón rất vui tươi, họ bắt tay thăm hỏi thân tình. Sau đó, tôi họp Ban hành giáo, giải tội, dâng Thánh lễ, thăm viếng các bệnh nhân và chúc lành cho các gia đình. Sau khi ăn trưa, tôi lại tiếp tục qua làng khác… khi về đến nhà, thường cũng phải là 7 giờ hay 8 giờ tối.

Trong tư cách là mục tử, tôi cố gắng vạch ra một  đường hướng mục vụ kéo dài trong 3 năm: năm 1: làm nhà nguyện, huấn luyện giáo lý viên và đào tạo ban hành giáo; năm 2: Tô tường và láng nền nhà nguyện, mua sách phụng vụ; và năm 3: làm bàn ghế, và kế hoạch xóa mù chữ.

  1. Tuy đã có kế hoạch mục vụ, nhưng điều đầu tiên phải đối mặt là tình trạng nghèo đói; cái ăn cái mặc vẫn là ưu tiên số một. Nhớ lại trận đói khủng khiếp năm 2021, mà nguyên nhân là do nắng nóng và khô hạn, đồng thời thiếu công ăn việc làm. Nạn đói đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm trẻ em và người già; mỗi ngày có khoảng 20 tới 25 trẻ em chết vì đói. Đứng trước tình trạng khẩn cấp này, chúng tôi  đã đến gõ cửa các nhà hảo tâm, các vị ân nhân; trong đó Ban Truyền Giáo Tỉnh dòng Salêdiêng Việt nam cũng cộng tác giúp đỡ. Kết quả là khoảng 3.500 người đã có của ăn và vượt qua cơn đói.
  2. Nguyện vọng kế tiếp là mỗi làng có một ngôi nhà nguyện. Tại đây, nhà nguyện được coi là trung tâm của buôn làng, nơi đó mọi người quy tụ để đọc kinh cầu nguyện, hội họp cộng đoàn và cũng là phòng học cho các em học sinh địa phương. Có rất nhiều làng chưa có nhà nguyện, họặc nhà nguyện đã bị hư hại nặng cần được xây dựng lại.

Dự tính mỗi làng sẽ có một nhà nguyện, rộng 5m và dài 10m, được xây bằng gạch đất; tô tường, láng nền bằng cát và xi măng; kèo cột, cửa bằng gỗ và lợp tôn. Ước tính một ngôi nhà nguyện trị giá 2.500 USD; nếu làm tốt có thể sử dụng từ 15 năm trở lên. Ban Truyền giáo Tỉnh dòng Salêdiêng Việt nam, qua cha Giuse Phạm sĩ Sản sdb, đã vận động quyên góp từ bà con giáo dân Việt Nam được 26.750 USD, tương đương với 10 ngôi nhà nguyện. Hy vọng trong một thời gian ngắn, 40 ngôi nhà nguyện tại vùng truyền giáo này sẽ được hoàn thành.

Chứng kiến sự tái sinh động về đời sống đạo trong các buôn làng Công giáo tại Angola, lòng tôi  trào dâng một niềm vui và tâm tình tri ân, vì như lời  Thánh Phaolo nói: tôi trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên. Ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng được Chúa sai đi, tôi nỗ lực hết mình, và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng, vì biết rằng kế đồ cứu rỗi nhân loại của Thiên Chúa chắc chắn sẽ được thành tựu mỹ mãn.

Lm. JB Trần Thanh Hoàng Diệm SDB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles