Tuesday, April 29, 2025
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Những Tôi Tớ Tốt Lành, Trung Tín Và Can Đảm

THÔNG ĐIỆP CỦA CHA PHÓ BỀ TRÊN CẢ

Cha Stefano Martoglio, SDB 

Trong Năm Thánh này, giữa một thế giới khó khăn, chúng ta được mời gọi đứng dậy, lên đường một lần nữa, và trong những điều mới mẻ của cuộc sống, tiếp tục hành trình của mình như những con người và những tín hữu.

 Ngôn sứ Isaiah đã nói với Giêrusalem những lời này: “”Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi, vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi.” (Is 60,1) Lời kêu gọi của vị ngôn sứ – hãy đứng lên vì ánh sáng đang đến – xem ra thật đáng ngạc nhiên, vì nó được công bố sau cuộc lưu đày khắc nghiệt và vô số cuộc đàn áp dân tộc ông đã trải qua. Ngày nay, lời kêu gọi đó cũng vang vọng trong mỗi chúng ta, những người đang cử hành Năm Thánh này. Trong một thế giới đầy khó khăn, chúng ta cũng được mời gọi đứng lên, lên đường một lần nữa, và trong sự mới mẻ của cuộc sống, tiếp tục hành trình của mình như những con người và những tín hữu.

Điều này càng quan trọng vào lúc này, khi chúng ta đã được lãnh nhận hồng ân – đúng vậy, vì đó thực sự là một hồng ân – để cử hành phụng vụ về sự thánh thiện của Don Bosco. Ước gì chúng ta không cử hành điều đó như một thói quen: Don Bosco là một người vĩ đại của Chúa – một tông đồ tuyệt vời, can đảm, và không biết mệt mỏi, vì trước hết, ngài là một môn đệ say mến Đức Kitô cách sâu xa.

Ngài là cha chúng ta!

Trong cuộc sống, có một người cha là điều rất quan trọng. Điều đó cũng tương tự trong đức tin của chúng ta, trong sequela Christi (hành trình bước theo Đức Kitô). Có một người cha vĩ đại là một món quà vô giá. Bạn cảm nhận điều đó trong chính con người mình; kinh nghiệm đức tin của ngài tác động đến cuộc sống của bạn. Nếu điều đó đúng với Don Bosco cũng thế, tại sao lại không thể như vậy đối với tôi?

Đây là một câu hỏi hiện sinh khiến chúng ta thao thức và biến đổi, trong tinh thần của Năm Thánh, để chúng ta trở nên những con người “được đổi mới”, “biển đổi”. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của Đại lễ kính Don Bosco mà chúng ta vừa cử hành: không chỉ ngưỡng mộ ngài, nhưng còn noi gương bắt chước ngài!

Don Bosco là một tấm gương rạng ngời và mạnh mẽ cho chúng ta trong Năm Thánh mà chúng ta đang sống, với chủ đề Hy Vọng – sự hiện diện của Chúa, Đấng đang đồng hành với chúng ta! Như tôi đã đề cập trong Hoa Thiêng năm nay, khi nói về Hy Vọng, Don Bosco đã viết:

Don Bosco đã nói “Người Salêdiêng” – và khi nói với các Salêdiêng, cũng là đang nói với mỗi người chúng ta – “luôn sẵn sàng chịu nóng lạnh, đói khát, mệt nhọc và khinh khi, mỗi khi vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn đòi hỏi”. Thành trì nội tâm cho đời sống khổ chế đòi hỏi này là ý nghĩ về Thiên Đàng, một sự phản ánh của lương tâm ngay lành mà Don Bosco đã sống và làm việc. “Trong mọi nhiệm vụ, trong mọi công việc, giữa những đau khổ hay buồn phiền, chúng ta đừng bao giờ quên rằng Ngài [Thiên Chúa] luôn ghi nhớ tường tận từng điều nhỏ bé nhất được thực hiện vì Danh Thánh Người”, và chắc chắn rằng khi đến thời điểm thích hợp, Ngài sẽ thưởng công bội hậu cho chúng ta. Khi cuộc đời chúng ta khép lại và khi chúng ta ra trước Tòa Chúa, Ngài sẽ âu yếm nhìn chúng ta và phán rằng: “Khá lắm, “Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21)” “Giữa những mệt nhọc và khinh khi, đừng bao giờ quên rằng chúng ta đã được dành sẵn một phần thưởng trọng đại trên Thiên Đàng.” Khi Cha Thánh của chúng ta nói rằng một Salêdiêng kiệt sức vì làm việc, chính là một chiến thắng cho toàn thể Tu hội, dường như ngài muốn gợi lên một chiều kích hiệp thông huynh đệ trong phần thưởng ấy, gần như là một cảm thức cộng đoàn về Thiên Đàng! Hãy đứng lên, hỡi các Salêdiêng! Đây là điều Don Bosco mong chờ nơi chúng ta.

“Xin chào! Cứu người khác là cứu chính mình”

Don Bosco là một vĩ nhân của niềm hy vọng. Có rất nhiều yếu tố chứng minh cho điều đó. Tinh thần Salêdiêng của ngài hoàn toàn thấm nhuần sự xác tín và tinh thần hăng say lao động, đặc trưng cho sức năng động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Don Bosco biết cách làm cho năng lượng của Niềm Hy Vọng trở nên sống động trên hai phương diện của cuộc đời ngài: 1. Cam kết thánh hóa bản thân và 2. Sứ mệnh cứu rỗi người khác; hoặc, đúng hơn – và đây chính là đặc điểm cốt lõi trong tinh thần của ngài  – đạt đến sự thánh thiện cá nhân qua việc cứu rỗi tha nhân. Chúng ta hãy nhớ đến công thức ba chữ “S” nổi tiếng của ngài: Salve, salvando, salvati” (Hãy cứu, bằng cách cứu, con sẽ được cứu). Thoạt nghe, nó có vẻ như một mẹo ghi nhớ đơn giản, một khẩu hiệu mang tính sư phạm: nhưng thực ra, đó là một tư tưởng sâu sắc diễn tả sự liên kết chặt chẽ giữa hai thực tại – sự thánh hóa bản thân và ơn cứu độ của tha nhân.

Giám mục Erik Varden nói: “Ở đây và ngay lúc này, niềm hy vọng tỏ lộ như một tia sáng le lói”. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không quan trọng. Hy vọng có một sức loan tỏa kỳ diệu, cho phép nó truyền từ tâm hồn này sang tâm hồn khác. Các thế lực toàn trị luôn tìm cách xóa bỏ hy vọng và gieo rắc sự tuyệt vọng. Giáo dục một người trong hy vọng nghĩa là thực thi sự tự do. Trong một bài thơ, Péguy diễn tả hy vọng như một ngọn lửa của đèn chầu trong nhà tạm. Ngọn lửa này, ông nói “luôn là một ranh giới đi xuống, trong vực sâu của màn đêm”. Nó giúp chúng ta nhìn thấy hiện tại, và đồng thời cũng cho chúng ta khả năng nhìn thấy trước điều có thể xảy đến. Hy vọng là đặt cược cả cuộc đời mình vào khả năng được trở thành. Đó là một nghệ thuật cần được thực hành kiên trì giữa bầu khí định mệnh và tất định mà chúng ta đang sống”. 

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết sống Năm Thánh này theo cách ấy!

Ước gì trong tháng này, tất cả chúng ta tiến bước với tầm nhìn “ánh sáng chiếu trong bóng tối” – mang trong tim niềm Hy vọng – vì Hy vọng chính là sự hiện diện của Chúa. Trong suốt tháng này, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Tu hội Salêdiêng với việc tổ chức Tổng Tu Nghị. Xin hãy đồng hành cùng chúng tôi bằng lời cầu nguyện và những tâm tình nâng đỡ, để chúng tôi luôn trung thành với ơn gọi Salêdêng và sống đúng điều Don Bosco hằng mong muốn.

Chuyển Ngữ: Lê Nguyên, SDB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles