Nguyễn Xuân Quang, sdb
Trong bài phỏng vấn nhà văn trẻ Văn Thành Lê, phóng viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có một câu hỏi rất hay cho nhà văn trẻ như sau: Nói về cuốn Chân Dung Văn Học[1], có người đã nói anh liều lĩnh. Nhưng tôi thì nghĩ, là anh đã khám phá, khai quật chính mình trước khi chạm tới người khác, những người mà anh, vì yêu mến, vì trân trọng tài năng, hay vì đồng cảm mà đã viết về họ, anh nghĩ sao?
Nhà văn trẻ đã bộc bạch: Lúc đầu tôi cũng nghĩ là mình liều. Nhưng rồi càng viết về các nhà văn/nhà thơ đi trước, tôi càng nhận ra không phải vậy. Nói “liều” là tôi đang tự nghiêm trọng và tự “nâng” mình lên rồi. Mọi chuyện giản dị hơn rất nhiều. Bởi tôi xin thưa, rằng tôi không phải người làm phê bình chuyên nghiệp. Khi tôi viết về các nhà văn/nhà thơ là tôi đang nhìn lại chính mình, tôi soi vào thế hệ đi trước để hiểu mình, nhìn lại đường văn của mình, nhìn lại quá trình tự học khi tay ngang đến với văn chương, đồng thời có những chiêm nghiệm, nghĩ suy về nghề thấp thoáng trong đó. Vì vậy, đúng như chị nói, tôi đã làm cái việc khai quật, “trở về định vị mình” trước khi chạm tới người khác.
Chủ đề “Định vị cuộc đời” trong chuyên đề số 90 này với tôi như một lời mời gọi, bạn và tôi hãy như nhà văn trẻ: trước hết nhìn lại chính mình, soi vào thế hệ đi trước để hiểu mình; sau đó chiêm nghiệm, suy nghĩ về ơn gọi (cuộc đời) của mình. Quả thực đây là một chủ đề đẹp và ý nghĩa trong thời gian của mùa Chay và Phục Sinh của người tín hữu, một mùa mà Giáo hội thiết tha mời gọi từng người hãy nhìn lại chính mình, hãy soi mình thật kỹ để “định vị” lại bản thân trước một hành trình dài phía trước.
Trong kinh tế, người ta định nghĩa định vị như sau: “Định vị, về cơ bản không đặt vấn đề sáng tạo ra một cái gì mới mẻ và khác biệt mà là lợi dụng những gì sẵn có trong tâm trí, là kết nối những mối quan hệ đang tồn tại”. Theo Wikipedia định nghĩa: Định vị là xác định một vị trí nhờ vào một hệ thống định vị toàn cầu (GPS).
Nói chung, để có thể tiến đến một điểm đến, cần phải xác định vị trí tôi đang ở đâu trên bảng đồ để định hướng và thiết lập một lối đi. Trong chuyến tông du Hàn Quốc năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các Giám mục rằng: “Chúng ta chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai”. Trong bài nói chuyện với các sinh viên Châu Á vào tháng 6 năm 2024, ngài cũng nhấn mạnh rằng: “Hãy tập trung vào việc xác định căn tính riêng của bạn”.
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hầu hết ai trong chúng ta cũng gặp khủng hoảng về căn tính. Khi trí não phát triển đến một mức độ nhất định, con người thường đặt các câu hỏi liên quan tới căn tính của mình. Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Và tại sao con người phải chết?… Nói một cách khác, đây là lứa tuổi đi tìm ý nghĩa cuộc sống và nhiệm vụ cần phải giải quyết là nhận ra “vị trí của mình” trong thế giới này.
Đôi khi chúng ta, những người trẻ rất hay lầm lẫn, thay vị khẳng định vị trí của mình thì lại trở thành bản copy của người khác. Đức thánh Cha cảnh báo điều này trong tông huấn Gaudete et Exsultate, số 11: “Có những chứng từ có thể hữu ích để khuyến khích và thúc đẩy chúng ta, nhưng không phải để chúng ta sao chép chúng, vì điều này thậm chí có thể khiến chúng ta xa cách con đường mà Chúa muốn dành cho chúng ta”.
Do đó, người trẻ cần trở nên chính mình cách đầy đủ hơn, trở thành con người mà Thiên Chúa đã muốn và dựng nên, chứ không phải một bản sao (copy). Chúng ta chỉ làm được điều này khi có đời sống cá vị với Thiên Chúa. Tương quan càng gần gũi và riêng tư với Chúa, người trẻ càng biết mình nên làm gì trong hoàn cảnh của riêng mình. Từ đây, Giáo hội hy vọng người trẻ trở nên những: “Tác nhân ngôn sứ kích thích những người khác, để lại một dấu trên thế gian này, một dấu độc đáo mà chỉ một mình con mới có thể để lại được”.
Trong giai đoạn khám phá căn tính của mình, các bạn trẻ được mời gọi mở ra để hiểu mình một cách sâu xa hơn. Tiến trình này đòi hỏi các bạn một sự kiên nhẫn và lòng quảng đại của con tim. Nghĩa là, biết lắng nghe những nhận xét của người khác, để thấy người khác hiểu về mình thế nào. Thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với những người khôn ngoan và đáng tin, để nhận ra và hiểu đúng khao khát thực sự nơi mình. Và nhất là đi vào tương quan với Đấng là Sự Thật, để ta không bị chi phối bởi các lời nói, nhãn mác hào nhoáng ở bên ngoài, mà nhận biết thực sự “ơn gọi” làm người của tôi là gì.
“Người ta bảo Thầy là ai?” (x. Mt 16,13-20). Các đánh giá, nhận xét của người khác về Đức Giêsu là rất tích cực, nhưng tất cả những danh xưng ấy là của người ta, họ là những người nhìn Đức Giêsu từ bên ngoài, chứ chưa phải là ý kiến của riêng các môn đệ, là những người đã sống và cùng đồng hành với Người. Đức Giêsu hỏi riêng các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 13-20). Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu biết rõ và hiểu đúng về căn tính của mình. Ngài không bị lóa mắt trước những lời tung hô có cánh của dân chúng dành cho mình. Ngài không bị lôi cuốn bởi những hào nhoáng bên ngoài của những người có vị trị và ảnh hưởng trên xã hội thời đó. Ngài cũng không bị những cái nhìn, cái đánh giá… của người cùng thời chi phối và làm mất tự do. Đức Giêsu nhận biết chỗ đứng của mình trong thế giới, không chỉ nhờ những ý kiến phản hồi từ người khác, mà còn nhờ những phút giây đi vào trong thinh lặng để lắng nghe lòng mình, lắng nghe tiếng Chúa Cha.
Cầu chúc cho các bạn trẻ lòng can đảm và tự tin bước vào đời. Mặc dù, tuổi trẻ thích sự sôi động và ồn ào, nhưng cũng cần những khoảnh khắc thinh lặng sâu lắng. Thinh lặng không phải là một cái gì đó thiếu thiếu, nhưng là phút giây để điều gì đó được sinh ra trong cõi lòng. Nhất là, mỗi khi phải quyết định và đưa ra chọn lựa trong cuộc sống, hãy tự hỏi chính mình: Tôi thực sự mong muốn điều gì? và mạnh dạn hỏi Đức Giêsu: “Con là ai trong mắt Ngài?” để từ đó con bước đến chạm vào tha nhân, chạm vào để xoa dịu nỗi đau của người khác. “Chúng con được thu hút bởi Dung Nhan Chúa Giêsu, ấy là Dung Nhan mà chúng ta tôn thờ trong Bí tích Thánh Thể, và nhận ra Dung Nhan ấy trong thân xác của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy các con tiến bước về phía trước trong cuộc chạy đua này. Hội Thánh cần động lực, trực giác và đức tin của các con” (Christus Vivit 299).
[1] Văn Thành Lê, Lần Đường theo Bóng – Chân dung văn học, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021.