Sống trong thời đại Công Nghệ 4.0, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên internet tạo ra một không gian chiến lược mới được gọi là “không gian mạng”. Nó đem lại cho chúng ta rất nhiều điều hữu ích nhưng cũng luôn tiềm ẩn những tiêu cực và rủi ro. Là một “Gen Z”, tôi thường xuyên sử dụng các nền tảng mạng xã hội để học tập, giải trí, kết nối và làm việc. Mặc dù chưa từng bị tấn công hay gặp những điều tiêu cực trên mạng xã hội nhưng tôi đã được nghe, chứng kiến rất nhiều câu chuyện đáng tiếc và đau lòng do những cuộc tấn công trên không gian mạng gây ra.
Với vô vàn thông tin được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng thì việc tìm hiểu và cẩn trọng lựa chọn nguồn tin để tiếp nhận là điều kiện cần thiết để mạng xã hội thực sự trở nên công cụ hữu ích cho bản thân mỗi người. Không gian mạng là một không gian ảo nơi mà con người có thể chia sẻ, lưu trữ và trao đổi thông tin thông qua các liên kết mạng. Chính nhờ có không gian mạng mà việc giao tiếp giữa con người với con người trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ hết, không bị giới hạn ở bất kì phạm vi lãnh thổ nào. Thế nhưng vì bản chất mạng xã hội là một không gian ảo nên chúng ta khó có thể kiểm soát được tính xác thực của một vấn đề. Chính vì vậy mà người ta có thể dễ dàng phán xét và chỉ trích người khác về một vụ việc X nào đó mà chưa biết đúng sai và thấu đáo gốc rễ; người ta dễ lên án với những sai lầm và thiếu sót của một người xa lạ trên mạng xã hội thay vì cảm thông và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Người ta thích hóng chuyện thiên hạ, bàn tán xôn xao, chê bai và bình phẩm ngoại hình hay cuộc sống của ai đó từ group này qua group nọ mà không nhận thức được rằng mình đang vô tình biến một người nào đó trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Người ta dễ tin mù quáng vào những lời dụ dỗ ngon ngọt hay những thứ bóng bẩy khi chưa kịp suy biết rõ ràng. Chuyện ở nhà, chuyện ở trường, chuyện nơi công sở, chuyện tình yêu, chuyện bạn bè, chuyện cô ca sĩ này, chuyện diễn viên nọ chỉ cần một chút thông tin nho nhỏ liên quan thôi cũng sẽ được cộng đồng mạng dệt nên một câu chuyện, một vụ drama chấn động toàn cõi mạng. Những cuộc “chiến tranh mạng” cứ như thế xảy ra một cách triền miên và ngày càng gia tăng. Và rồi tôi tự hỏi chính mình: “Làm thế nào để “sống” trên không gian mạng một cách an toàn và văn minh hơn?”
Thiết nghĩ nếu không kịp thời nhìn nhận và thay đổi thì những người không làm chủ được mình sẽ bị mạng xã hội kiểm soát để rồi ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân trong thế giới ảo này hơn. Mỗi cá nhân cần nhận thức được rằng việc xây dựng một không gian mạng hòa bình, an toàn và bình đẳng là vấn đề mang tính cộng đồng, là chuyện không của riêng ai. Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt , bản thân mỗi người cần xây dựng mội thói quen sử dụng mạng xã hội với những mục đích lành mạnh, tránh lãng phí thời gian lướt mạng xã hội một cách vô bổ, thay vào đó hãy bước vào cuộc đời thật để gặp gỡ và làm những việc có ý nghĩa hơn. Sẽ tốt biết mấy khi chúng ta hình thành việc cân nhắc kĩ lưỡng khi chia sẻ điều gì đó lên mạng xã hội và đặt mình suy nghĩ cho người khác trước khi chạm tay gõ xuống một bình luận hay gửi đi vài dòng tin nhắn. Đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng một lời nói chẳng ảnh hưởng gì nhiều tới ai nhưng thật ra nếu sử dụng đúng thì nó tạo ra giá trị; nếu sai thì có thể sẽ để lại hậu quả khôn lường. Vì một lời nói có thể vực dậy một tâm hồn đuối sức nhưng cũng có thể nhấn chìm một con người, có thể là liều thuốc hữu hiệu chữa lành một tâm hồn nhưng cũng có thể là lưỡi dao sắc bén cứa rách một trái tim và lấy đi ánh sáng của ai đó hay thậm chí là tước đi sinh mệnh của họ.
Chúng ta cần ngừng suy nghĩ đắn đo và áp đặt nhau bằng những quy chuẩn khắt khe và hình mẫu lý tưởng đẹp đẽ trên mạng. Bởi mạng xã hội chỉ là một phần của cuộc sống, những điều mà ta nhìn thấy trên đó chỉ là một góc nhìn rất nhỏ và những điều mà chúng ta nhìn thấy không phải là tất cả, không hẳn là sự thật hoàn toàn. Qua một vài hình ảnh, video, bài viết trên mạng xã hội chúng ta nhìn thấy cuộc sống của một ai đó là một màu rất hồng, rất tuyệt vời nhưng không biết được những góc khuất và một cuộc đời rất khác của người ta ở phía sau màn ảnh. Chúng ta nên cởi mở tiếp nhận và chia sẻ để mở rộng thế giới quan của mình nhưng không nên lấy đó làm quy chuẩn để so sánh cuộc đời mình với người khác vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta cần chạm vào nhau để kết nối sâu sắc hơn. Chúng ta cần nhìn thấy nhau để cảm thông, yêu thương và thấu hiểu.Thế giới thay đổi khi chúng ta đổi thay, thay đổi để bảo vệ bản thân mình và bảo vệ những người xung quanh khỏi những tác động xấu của không gian mạng. Giống như cách chúng ta bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp thì không gian mạng cũng cần dựng xây sự văn minh, an toàn và bình đẳng.
Ở đâu có tình người ở đó sự tử tế sẽ nở hoa…
Sự tử tế nở hoa khi con người ta biết tôn trọng và dịu dàng hơn với mọi người xung quanh không chỉ ở ngoài đời thật mà cả trên thế giới ảo. Bởi vì không gian mạng là không gian ảo nhưng những người sử dụng nó là những con người thật mang một trái tim rất mềm, đong đầy cảm xúc và rất dễ bị tổn thương. Vậy nên chúng ta cần biết cách làm chủ chính mình, tập sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp nhận và lan tỏa những điều tốt đẹp.Tôi vẫn luôn tin rằng những điều tốt lành và ấm áp vẫn len lỏi trong mọi ngóc ngách của cuộc sống; ở đâu tình yêu thương, có sự cảm thông và chia sẻ thì ở đó thế giới sẽ hòa bình và hạnh phúc.
Bài viết: Têrêsa Lâm