Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Hãy Dạy Trẻ Cầu Nguyện

Giáo Dục

Trong những ngày cuối năm, tháng 11 và tháng 12 mang nhiều ý nghĩa, vì ngoài những tiếng gõ tích tắc của chiếc đồng hồ đếm những giây phút còn lại của năm cũ, còn có những ngày lễ ý nghĩa trong tháng này: Nó nhắc mọi người đến một thực tại vượt qua cái thường ngày. Đó là những sự kiện hướng đến đời sống vĩnh cửu và niềm hạnh phúc tận cùng.

  • Ngày 01/11, ngày lễ toàn thể các thánh – gồm những con người đã hoàn thành đời sống cách mỹ mãn, bằng việc trở nên người mỗi ngày, bằng việc sống cho người khác, nhưng hơn hết, họ đã mỗi ngày sống như một người con của Thiên Chúa. Họ hạnh phúc vì nhận ra bàn tay của người Cha yêu thương họ hết lòng trong đời sống.
  • Ngày 02/11, người ta cử hành lễ cầu cho các linh hồn. Họ là những người đi trước chúng ta, tuy nhiên, cuộc sống của họ có điều gì đó thiếu sót, không tròn: Họ đã yêu chưa đủ; họ đã hạnh phúc chưa đủ; họ đã làm điều thiện lành chưa đủ; họ đang cần thanh luyện để trở nên xứng đáng hơn với Nước Chúa.
  • Ngày 25/12, ngày lễ Giáng Sinh – mừng Con Thiên Chúa giáng trần. Niềm vui tưng bừng cho toàn thể nhân loại, vì ơn cứu độ mà Con Thiên Chúa đem đến cho loài người. Mùa Giáng sinh yêu thương này được chuẩn bị bằng một tháng của mong chờ, của biến đổi, của hoán cải để vươn chạm đến tình yêu: Mùa Vọng.

Một thoáng dừng, chúng ta nhận thấy những ngày lễ này không đơn thuần là lễ hội, nhưng còn là những thời gian phụng vụ quan trọng cho chúng ta những câu trả lời chạm đến căn cốt của đời sống: Tôi từ đâu tới? Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Tôi sẽ đi đâu? Cuộc đời tôi được định nghĩa thế nào về sự thành toàn? Cả thế giới đẹp đẽ này hiện diện với mục đích gì?…

Thực ra, để trả lời cho những vấn nạn này, chúng ta phải nại đến tôn giáo. Ở đây, tôn giáo không được đưa ra như một câu trả lời đại khái cho những gì con người không giải thích được trong đời sống, nhưng là cội rễ của sự hiện hữu con người: Sự sống là một quà tặng đến từ Thiên Chúa. Kỳ thực, cho dù có công nhận hay không, người ta luôn có cảm nhận về một sức mạnh nào đó vượt quá sức người và khám phá ra sự vi diệu đang ẩn náu trong từng cuộc gặp gỡ, sự linh thiêng của trời cao đã có trong trái đất này.

Tuy nhiên, trong một xã hội với nhịp sống nhanh vội, thực nghiệm và đề cao khoa học – kỹ thuật – lý trí, con người thực khó lòng mà đi vào thế giới tâm linh, khó mà nhận ra sự linh thánh đang chan hoà trong ngày sống.

Gần đây, một vài phụ huynh đến gặp tôi, lo lắng thổ lộ rằng những đứa con rất ngoan của họ xưa kia, lúc còn bé rất chăm học hỏi giáo lý, bỗng dưng trở nên khác hẳn khi ở tuổi thiếu niên: Khô khan, lười biếng thực hành đạo, lại còn dám chất vấn lại ba mẹ khi được nhắc nhở: “Đi lễ làm gì hả mẹ? Chỉ mất thời gian thôi”, hoặc “Học giáo lý có tìm được việc làm đâu ba?”.

Trước vấn nạn này, tôi chợt ngộ ra chân lý trong lời dạy của Giáo hội: Cần dạy trẻ cầu nguyện; cần cho trẻ em biết và gần với Thiên Chúa từ tuổi còn thơ.

Chúng ta cùng tìm cách thức để có giải pháp tốt đẹp nhất cho việc giáo dục đức tin cho con cái.

Câu chuyện tại lớp giáo lý

Tôi hỏi các trẻ học lớp giáo lý: “Các em có biết vì sao cô lại dạy các em cầu nguyện không? Tại sao cô lại tặng cho các em nhiều sách Kinh thánh và nài nỉ các em đọc chúng không?”. Sau một hồi suy nghĩ, một trẻ 11 tuổi giơ tay phát biểu: “Vì cô yêu mến chúng em, cô muốn chúng em có đời sống hạnh phúc”.

Cầu nguyện là một hành vi tình yêu đối với người khác, với Thiên Chúa và trên hết là cho chính mình. Cầu nguyện là cách thức tuyệt vời để đi vào đêm đen một cách tinh tế nhất. Việc dạy cầu nguyện là quà tặng lớn nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm cho con cái mình. Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta sợ nói chuyện về Thiên Chúa cho con em, và việc cầu nguyện với chúng trở nên thách đố như thể thi đấu thể thao cấp quốc tế.

Điều đầu tiên cần ghi nhớ là cầu nguyện không là một bổn phận, nhưng là niềm vui thích, một ước muốn thâm sâu của con người tạo vật, do đó, cầu nguyện không nên được công bố như bản lao động cưỡng bức, nhưng tựa như một khoảnh khắc của niềm vui được chia sẻ. Đây là giây phút yên tĩnh, hài hoà. Một gia đình cầu nguyện cùng nhau thì nhất định phải là một gia đình hợp nhất.

Cách thức đơn sơ nhất để dạy trẻ cầu nguyện nằm ở chỗ chúng được tận mắt nhìn thấy cha mẹ cầu nguyện. Nếu những trẻ em nhìn thấy cha mẹ cầu nguyện với tấm lòng yêu mến và tin tưởng, chúng sẽ hiểu Thiên Chúa thật quan trọng đối với chúng, là đáng dành thời gian cho Giê-su, thậm chí coi giờ cầu nguyện là thời khắc thâm sâu nhất của ngày sống. Nếu trẻ em thấy cha mẹ tỏ ra mãn nguyện khi cầu nguyện, các em sẽ có trực giác về một Thiên Chúa như Đấng hiện diện sống động và chắc chắn sẽ nghe lời các em cầu nguyện.

Sau đó là cầu nguyện với con cái. Để cầu nguyện với con trẻ, điều quan trọng là thái độ đơn sơ và chân thành, cần dùng những lời và tâm tình mà con em chúng ta có khả năng hiểu được. Các phụ huynh hãy ôm vai các con và nói câu như thế này chẳng hạn: “Chúa Giê-su ơi, xin chúc phúc cho Su Su nhỏ bé của chúng con, để bé mau trở thành một cậu nhỏ dễ thương ạ”. Bên cạnh đó, những dấu chỉ cũng hết sức quan trọng: Một dấu Thánh Giá trên em nhỏ và tiếp theo là cái hôn nồng ấm vào bức ảnh Đức Mẹ hay Chúa, các thánh phù hợp cũng rất ấn tượng. Điều cần chú ý là đừng để các em nghĩ đây là một trò chơi.

Hãy tránh để việc cầu nguyện trở thành “nhàm chán tầm thường”. Cha mẹ đừng ngay lập tức đọc mau lẹ những công thức kinh đọc dễ dàng, như thường xẩy ra tại các gia đình. Tốt hơn, cha mẹ hãy tìm những cuốn sách có những lời cầu nguyện phong phú với hình ảnh minh họa. Mỗi chiều tối, khi mọi người đều đã trở về nhà, và những đứa trẻ trong giây phút quây quần đầm ấm với gia đình sẽ rất nhanh để hình thành nơi mình những cảm xúc sâu xa. Lúc ấy, gia đình có thể cùng nhau hát và cầu nguyện. Tôi biết một gia đình mà họ luôn kết thúc ngày sống bằng giây phút quy tụ trước một ảnh thánh được soi sáng với một ngọn đèn, cùng nhau hát những bài hát đơn sơ mà sốt sắng. Lúc ấy, tôi cảm nhận được thế nào là lời cầu nguyện tạ ơn, ngạc nhiên, nhẹ nhàng, vui tươi.

Dĩ nhiên, cuốn sách cầu nguyện tốt nhất là Kinh Thánh. Có những ấn phẩm Kinh thánh dành riêng cho trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể chọn một đoạn phù hợp nhất với các em. Những câu chuyện, nhân vật, lời nói rút ra từ Sách Thánh là những chất nuôi dưỡng không thể thiếu với trẻ nhỏ. Bạn hãy hình dung một trẻ nhỏ 8 tuổi đang gục đầu trên đôi bàn tay chắp lại, miệng thì thầm: “Lạy Chúa, xin nhìn đến con, giữ gìn con! Cuộc sống của con ở trong tay Chúa: Chúa là điều đẹp nhất mà con có. Chúa là Đấng hướng dẫn con, cả trong đêm khuya, tâm hồn con nhớ đến Ngài. Con luôn ở trước mặt Ngài. Có Chúa ở gần con sẽ chẳng bao giờ vấp ngã”. (Tv 15).

Cha mẹ phải nhớ trình bày: Về Thiên Chúa cho trẻ nhỏ và trẻ nhỏ cho Thiên Chúa. Giữa những thắc mắc, trẻ thường hay hỏi: Ai đã dựng nên Thiên Chúa thế? Thiên Chúa từ đâu đến? Thiên Chúa trông thế nào nhỉ? Thiên Chúa có bạn nào không hay Ngài chỉ sống một mình? Tại sao chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa? Để giúp trẻ thỏa mãn những câu hỏi này, tốt nhất, chúng ta hãy khởi đi từ những điều Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng.

Cha mẹ cũng đừng quên, cầu nguyện là mối tương quan và sự thông tri. Hãy nói cho trẻ rằng Thiên Chúa muốn trở thành người bạn tốt nhất của con. Trẻ em hạnh phúc vì có những người bạn và Thiên Chúa muốn ở gần các em. Bạn có thể nói với em như sau: Thiên Chúa yêu con vô cùng. Ngài tạo dựng nên con cách độc đáo và muốn làm mới lại tình bạn đặc biệt với con. Tình bạn này được xây dựng từng chút một, ngày qua ngày. Thiên Chúa muốn con ở gần Ngài mỗi lúc và xin Ngài giúp con biết Ngài mỗi ngày một hơn.

Cha mẹ hãy làm thế nào để cầu nguyện trở thành một điểm hẹn hàng ngày, khiến trẻ nhớ nhung khi thiếu vắng nó. Và nếu như khi cha mẹ biết con không muốn cầu nguyện, hãy đơn sơ nói: “Chúa ơi, chiều nay con chim én nhỏ này mệt rồi. Chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày mai nhé Chúa”. Giữ cho mối tương quan giữa cha mẹ con cái luôn cởi mở sẽ là chìa khóa để giữ mối tương quan giữa Thiên Chúa và con trẻ được cởi mở.

Cha mẹ hãy bình tĩnh nói với trẻ về câu trả lời của Thiên Chúa. Đặc biệt, khi cầu nguyện mà không được Thiên Chúa đáp ứng. Khoảnh khắc quyết định để thẩm định về đức tin của người lớn cũng như trẻ nhỏ rõ nhất là khi gặp khó khăn. Khi dường như cuộc sống tát vào mặt chúng ta mà Thiên Chúa vẫn không đáp lại lời cầu khẩn của chúng ta, chính là lúc mà trẻ em quan sát cách phản ứng của cha mẹ rất kỹ càng. Xem ra có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây là giây phút thích hợp hơn cả hướng dẫn con trẻ đến lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong những thời điểm bối rối và khó khăn, lời đáp trả của đức tin trở thành một công cụ hướng dẫn uy quyền. Ngay cả khi những đứa trẻ sẵn sàng để chấp nhận sự kiện là Thiên Chúa cũng có thể trả lời “không” vì lợi ích của con cái Ngài. Như Chúa Giê-su đã cầu nguyện: “Cha biết tất cả những gì con cái cần”.

Cuối cùng, cha mẹ hãy đặt tầm quan trọng của Thánh lễ, là đỉnh cao của đời sống cầu nguyện trong gia đình. Đó phải là khoảnh khắc phi thường, trong đó, cầu nguyện trở thành sự hiệp thông thực sự với Thiên Chúa và người khác.  

(Bài viết: Sa mạc xanh)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles