Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Câu Chuyện Cái “Quẹt Quẹt”

Tác giả: Huy Khiêm, SDB

Câu chuyện cái “quẹt quẹt”
(Huy Khiêm, SDB)
Bây giờ bà Năm mới cảm thấy hối hận vì sự vô tình của mình.
Câu chuyện bắt đầu xảy ra với việc thằng Vũ – con trai duy nhất của bà – cứ nằng nặc đòi mua cho được cái điện thoại cảm ứng “quẹt quẹt”, mà như nó tả, có thể truy cập internet dễ dàng. Chỉ cần đưa đầu ngón tay quẹt qua quẹt lại là xong. Bà không hề muốn vì cái điện thoại ấy đắt đỏ, lại thêm bao cái kết không hậu mà bà biết ngang qua bao câu chuyện buồn, bắt đầu chỉ vì cái quẹt quẹt thế này. Để thách đố và cũng là để cho qua chuyện, bà Năm ra điều kiện cho thằng Vũ:

  • Chừng nào đạt học sinh giỏi, má mua cho một cái để mà “quẹt”.
  • Thiệt nhé! Má hứa đi! – Thằng Vũ hào hứng ra mặt, nó chớp ngay thời cơ.
  • Má hứa!
    Bà Năm hứa thì hứa, chứ bà biết đó như chuyện cổ tích. Bà biết tỏng cái thói ham chơi, lười biếng có thừa của thằng Vũ. Ham chơi, mê ngủ như nó thì có đợi cháy nhà mới chịu học hành, sức mấy mà có chuyện lấy được học sinh giỏi, có cố lắm thì cũng chỉ được cái vé khá là cùng…
    Mọi chuyện lại không như bà Năm nghĩ. Từ hôm đó, thằng Vũ thay đổi hẳn. Nó bớt chơi, thêm học. Bạn bè có rủ rê thì nó cũng chỉ loáng thoáng một lúc, rồi lại về lúi húi vào đống sách vở. Lúc trước, đám bạn của nó ngày nào cũng kéo nhau đến đầy cả nhà. Chúng nó hò la, chạy nhảy, nghịch ngợm đủ trò… Bà Năm dù hiền lành cũng có lần tức giận ra mặt. Vì thương thằng Vũ mồ côi cha sớm nên bà để cho đám bạn thoải mái ra vào nhà, cốt để cho thằng Vũ vui, có bè có bạn. Mà đám bạn cũng rất chuộng chỗ này, chúng coi đây như là ngôi nhà thứ hai của chúng.
    Bây giờ bỗng nhiên thằng Vũ thay đổi 1800. Nó chăm học, không còn tha thiết với những cuộc vui của bạn bè nên đám bạn cũng thưa dần, chẳng còn mấy đứa tới quấy rầy nhà nó. Bà Năm vừa mừng vừa lo. Mừng vì thằng Vũ chăm chỉ bất thường. Lo vì thấy nó chú tâm học quá, quên cả giờ giấc, quên cả vui đùa. Có lần bà Năm hỏi chuyện, thấy Vũ chẳng nói, chẳng rằng, cứ ngồi im thin thít một mình. Bà nghĩ : “Có khi nào nó học quá mà bị “khùng” thì khổ thân!” Nhưng rồi bà vội vàng xua cái suy nghĩ vớ vẩn ấy ra khỏi đầu. Đối với bà, thằng Vũ thay đổi như vậy đã là một hồng phúc. Bà nghĩ, biết đâu nó học giỏi cũng không chừng, lúc đó dù phải mua một cái “quẹt quẹt” chứ mười cái thì bà cũng không tiếc xót. Bà tự nhủ: “Ôi! Chắc chắn mình sẽ là người hạnh phúc nhất trong xóm Bạch Hà này!”.
    Chứng kiến sự thay đổi của con từ mấy tháng nay, lòng bà vui khôn xiết. Những điều mà trước đây chỉ có trong trí tưởng tượng của bà, bây giờ đang xảy ra rất thật. Ngày nào hai mẹ con cũng ngồi ăn chung, huyên thuyên đủ chuyện trên trời dưới đất, nó kể cho bà nghe chuyện trên lớp học, bà kể cho nó nghe chuyện người, chuyện xảy ra ở xạp vải ngoài chợ,… Tiếng cười rộn rã, dù chỉ có hai mẹ con nhưng nhà cửa chẳng hề cảm thấy trống vắng. Bao nhiêu lo âu lúc trước giờ được giải toả, thật không có niềm vui nào sánh bằng.
    Bà Năm trở thành người sung sướng nhất xóm Bạch Hà vì cuối niên học, bà nhận được giấy mời dự lễ tổng kết năm học của nhà trường. Thằng Vũ, con bà là học sinh xuất sắc. Bà Năm được chọn làm phụ huynh đại diện để cám ơn các thầy cô và nhà trường.
    Bây giờ đến lượt bà Năm phải thực hiện lời hứa. Bà chẳng ngại chạy vạy để có đủ tiền mua cho Vũ một cái “quẹt quẹt”. Mà nó thích cái đâu rẻ, tới 4 triệu một cái máy “quẹt”. Nhưng mà nó xứng đáng. Niềm vui ngày tổng kết vẫn còn lâng lâng trong lòng bà. Bấm bụng bà mua, chắc bốn tháng là có đủ tiền trả nợ. Bà yên tâm mà thằng Vũ cũng vui.
    Tuy nhiên niềm vui của bà chẳng dài. Từ hôm có cái “quẹt quẹt”, thằng Vũ lại có một chuỗi thay đổi, tốc độ nhanh như đợt trước, nhưng theo chiều hướng đi xuống.
    Đám bạn thời cũ không đến, nó cũng không đi biệt tăm, nhưng sao mà bà thấy nó xa xôi quá. Nó dường như lúc nào cũng bận rộn với ai đó. Suốt ngày nó ôm cái máy, nhưng bà không biết nó làm gì, tìm kiếm gì trong đó. Chỉ có bữa ăn bà mới được gặp nó. Hỏi thăm, thằng Vũ nói là nó lên “phây” gặp bạn. Bà cũng chẳng thấy nó gặp gỡ ai, thế mà có ngày nghe nói nó đánh nhau trên phố. Lấy làm lạ, bà tra hỏi thì nó trả lời nhát gừng rằng đám bạn “phây” ới nó đi chơi hội đồng. Ôi, ngôn ngữ của thằng con bà giờ đây thật khó hiểu. “Phây” là gì bà không biết, nhưng thà như nó cứ đùa giỡn với đám bạn cũ thì bà còn an tâm hơn.
    Cái gì làm thằng Vũ lại thay đổi thế? Mùa hè, nó chẳng đến trường mà bà Năm luôn có cảm giác một mình. Ăn cơm, miệng nó nhai, một tay cầm đũa, một tay “quẹt quẹt, gõ gõ” cái máy, hai mắt nó không còn nhìn bà mà dán vào cái màn hình chớp đổi liên tục. Bà Năm chẳng tìm thấy chỗ trống nào để mà chen chân vào ngày sống của con. Bà buồn và lo, nhưng chẳng biết làm gì. Mà bà có lên tiếng nói thì thằng Vũ cũng chẳng để vào tai. Thằng Vũ giờ đây phải thức đêm nhiều hơn để “quẹt”. Nó bỏ cả mấy việc nhỏ trước đây phụ bà như rửa chén quét nhà để “gõ”. Nó ít nói, ít cười, ít đi lại.
    Sau chưa đầy hai tháng hè, khi mà bà chưa trả xong món nợ mua máy “quẹt”, thì thằng Vũ đã phải nhập viện vì suy nhược. Bà Năm lại một phen phải chạy vạy để lo viện phí. Cái xạp vải lúc mở lúc đóng, ngày càng ế ẩm. Bà Năm chỉ biết cầu khấn để thằng con của bà biết nghĩ đến tương lai của nó, biết nghĩ đến bà. Chí ít nó cũng phải biết đến những hy sinh của bà, biết thân phận của nó, và hơn nữa, nó cũng phải làm ích lợi gì đó cho đời. Bà buồn vì chẳng nghĩ ra được điều gì để kích thích lòng tốt nơi nó. Nhớ về hình ảnh cặm cụi của nó trong những ngày tháng phấn đấu để có cái máy “quẹt”, bà thầm chép miệng: “Giá mà…!”.
    Không chỉ bà Năm tiếc nuối, nhưng chính lúc nằm trên chiếc giường trắng toát của bệnh viện, với dây dợ và bình nước truyền treo lủng lẳng, thằng Vũ mới có chút yên để nhớ về những năm tháng đã qua. Nó tự vấn: “Có phải mình tệ đến mức không thể làm gì không? Ồ, có chứ”. Nó miên man nhớ lại cảm giác lâng lâng khi đứng trên bục nhận bằng khen xuất sắc. Nó nhớ đến những kỳ tích đạt được trên đường học tập. Và nó cũng có ý chí sắt đá lắm chứ. Nó đã từng có sức mạnh để gò mình bên những trang vở, cặm cụi đánh vật với các con toán. Nó cũng có bản lãnh để nói không với những rủ rê của đám bạn…Nhưng, tại sao nhỉ? Tại sao nó đã hết sức cố gắng đạt đỉnh, rồi lại để mình bị “rơi tự do” cách thậm tệ thế?.
    Thực ra, cái giá nó đưa ra cho các phấn đấu quá rẻ: một cái di động cảm ứng. Chính vì thế mà khi chạm đến thành công, nó cũng dễ tiêu phí đi những gì đã cố sức. Cũng may, đám bạn cũ làng quê mò tới, chúng đem theo ổi, cóc, xoài … và biết bao kỷ niệm. Bà Năm cũng lăng xăng không kém, bà lo pha nước, làm mắm ớt ngọt để đãi chúng bạn của nó. Đã chứng kiến niềm vui, nỗi buồn, nỗi lo của bà trong suốt những ngày này, thằng Vũ bỗng có ước muốn to lớn: “Phải học giỏi để sau này trả hiếu mẹ”.
    Nó biết, cái giá phải trả cho quyết tâm sẽ không dễ dàng như cái “quẹt quẹt” từng làm nó say mê. Nhưng nó sẽ cố gắng, và cố gắng đầu tiên là nói không với cái “quẹt quẹt”, để có thể dồn tâm, dồn sức cho những phấn đấu để đạt được lý tưởng lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles