Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Lò Gốm Của Mẹ

Tác giả: Tuỳ Phong

Phong liếc ngang liếc dọc.

Trời trưa nắng, những người thợ lần lượt vác những tấm bảng chén ra phơi. Chiếc radio cũ kĩ nằm cạnh cột nhà, đang ngân vang một bài vọng cổ. Phía bên kia hàng hiên là mẹ Phong đang thoăn thoắt nhúng men từng bảng chén. Đôi tay ngập trong men đến gần khủy tay.

Phong bậm môi, bước tới gần chỗ mẹ. Bảng chén đã được nhúng men đủ hai mươi cái. Phong nhẹ nhàng nâng tấm bảng lên, đặt lên vai rồi bước ra ngoài. Mẹ Phong tay quẹt mồ hôi,  loay hoay nhúng men một cái bảng mới.

“Rầm”

Mọi người quay lại.

Phong đứng như trời trồng giữa sân.  Mặt Phong bình thản. Mẹ Phong hốt hoảng chạy lại nhìn thành phẩm tan tành dưới chân Phong.

  • Con làm cái gì vậy hả? – Mẹ Phong nói với giọng run run.
  • Có làm gì đâu, chỉ là con muốn thoát khỏi đây thôi! – Phong thản nhiên trả lời.
  • Mẹ có ép con làm ở đây đâu, con có thể làm gì tùy thích mà? – Mẹ Phong dịu giọng.
  • Nhưng con không thích – Phong quát lớn – Người ta sẽ nghĩ gì khi biết con xuất thân trong cái lò gốm nghèo hèn này hả?
  • Lò gốm nhà mình không hèn – Mẹ Phong cố kiềm nén cơn tức giận – Bốn mươi ba năm qua nó luôn là niềm tự hào của cha và mẹ.
  • Quê mùa lạc hậu, chẳng có cái quái gì đáng giá hết! Những lò gốm kia người ta làm hết lò này đến lò nọ, trang thiết bị hiện đại, nhà mình quanh đi quẩn lại với mấy cái lò củi, mẹ không thấy chán hả? Hay mẹ thấy chán mà vì sĩ diện vẫn phải bám theo? Mẹ có biết vì cái lò cổ lổ sĩ của mẹ mà con không dám ăn nói gì với bạn bè, mẹ có biết không?

Một cú tát như trời giáng. Trên mặt Phong in hình rõ một bàn tay còn đậm men. Mọi người xì xào bàn tán. Gương mặt mẹ Phong giận dữ thấy rõ.

  • Con thích thì cứ đi đi! Đi đâu thì đi! Mẹ không dạy con chê xuất thân của mình. Lò gốm này là cuộc sống của mẹ…

Phong đưa tay quẹt ngang má, nhìn men trên tay mình, cười khẩy rồi bỏ đi.

Nhà Phong có truyền thống làm gốm lâu đời, tức là từ thời ông cố ông nội gì đó. Sản phẩm chủ yếu là chén, thi thoảng mới làm chậu cây hoặc vài cái ly tách. Lò gốm này lừng lẫy một thời, tạo công ăn việc làm cho biết bao công nhân. Sau này nghề gốm phát triển, các tư nhân đẩy mạnh đầu tư máy móc để tạo ra những sản phẩm chất lượng và đẹp mắt. Riêng nhà Phong vẫn trung thành với chén, vẫn miệt mài tạo ra những cái chén bằng công nghệ thủ công và thô sơ nhất. Có vài người đến gợi ý mẹ Phong sát nhập với công ty họ, Phong muốn lắm nhưng mẹ lại lắc đầu. Tâm nguyện của ba Phong là gìn giữ truyền thống của dòng họ nên không muốn những trang thiết bị hiện đại can thiệp vào. Ba mất rồi mà mẹ vẫn kiên quyết giữ nguyên ý muốn đó của ba. Dĩ nhiên là Phong không bằng lòng. Chẳng ai lại thích giới thiệu một căn lò lụp xụp với đủ thứ trời đất bày bừa lung tung cho người khác cả. Phong sĩ diện, cho đó là nghèo hèn, khi người khác hỏi chuyện thì cũng chỉ ậm ừ cho qua rằng nhà mình làm gốm. Vài người trầm trồ khi nghĩ rằng lò gốm phải có cơ ngơi to đùng, máy móc ầm ầm ngày đêm vô cùng hiện đại. Những lúc đó, Phong chỉ rủa thầm trong bụng vì cái sự “vô tích sự” cùa lò gốm nhà mình.

Phong khăn gói lên thành phố. Mẹ đuổi thì con đi. Phong nghĩ vậy.Trước khi đi không quên lục hết các túi áo hay đi chợ của mẹ để vơ vét hết số tiền mà Phong thấy được, tự mặc định đó là tiền công của mình trong những ngày phụ giúp vừa rồi.

Sài Gòn hoa lệ…

  • Dzô! Trăm phần trăm nha!

Một chục cái ly bia cụng vào nhau chát chúa. Khu miếu nổi này đúng là lý tưởng cho những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng mà. Phong uống cạn ly bia rồi hào hứng rót thêm ly nữa. Chín người ngồi xung quanh, ngoại trừ Tiến, Hưng, Cao là ba người mà Phong quen, còn lại sáu người kia là “bạn của bạn”. Phong đến phòng trọ của Tiến xin ngủ nhờ và nói sắp xếp đi tìm việc. Tiến đồng ý. Nhân dịp Phong quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp được các bạn ủng hộ và ăn mừng bằng chầu bia hoành tráng này.

Một triệu hết veo trong đêm đó. Sáng hôm sau, Tiến có vẻ không mặn mà lắm khi biết Phong chỉ còn hơn ba trăm trong người.

  • Mày tính sao thì tính đi nha, ở lâu quá ba ngày mà không báo cô chủ và  đăng kí tạm trú tạm vắng thì mệt đó! Ở một mình tao khác, có thêm mày là phải tính thêm tiền trọ đó! Chưa kể tiền điện tiền nước tiền wifi này nọ nữa.

Tiến buông một câu đầy ẩn ý. Và Phong cũng chẳng phải khờ để mà không nhận ra ẩn ý trong câu nói đó. Phong lại ôm balô đi.

Ban ngày lang thang hàng quán thì được. Ban đêm Phong chẳng biết đi đâu về đâu. Đèn đường rực rỡ, soi rõ những gương mặt bình thản của những người vô gia cư đang ngủ dưới hiên nhà. Phong lầm lũi bước. Trong túi chỉ còn đúng hai trăm ngàn Phong chưa dám đụng tới để  đề phòng bất trắc. Sài Gòn cái gì cũng mắc. Ăn dĩa cơm bay mất hai lăm ngàn mà Phong vẫn thấy chưa đủ no, thế là làm thêm dĩa nữa. Uống ly cà-phê cũng đi đứt hai chục ngàn. Một ngày trung bình ra đường không làm gì nhiều cũng khiến một trăm ngàn bay biến. Phong lưỡng lự rồi chọn một góc hiên nhà, đặt cái balô xuống, nằm gối lên.

Bầu trời trong vắt. Tiếng thở đều đều của ông lão chạy xích lô vang sát cạnh bên. Vài con mèo hoang kêu lên những tiếng thảm thiết, ai oán. Phong chợt bật cười. Mình ngu thiệt. Có nhà đàng hoàng, giường chiếu không sang trọng nhưng lúc nào mẹ cũng giữ cho gọn gàng sạch sẽ. Món ăn không nhiều nhưng được nấu bằng tất cả sự yêu thương. Quần áo không thời trang nhưng lúc nào cũng được ủi phẳng phiu đẹp đẽ. Phong có tất cả những thứ đó, nhưng thay vì chọn nó, Phong lại chọn cái vỉa hè này. Những người đang nằm, đang ngáy bên cạnh Phong không có nhà thật, với họ đâu ngủ được thì cũng là nhà rồi. Khờ quá! Phong ơi! Mày khờ quá!

Phong chợt nhớ lại những ngày tháng cũ. Mẹ vác từng tấm bảng ra phơi, ngồi tỉ mẩn vẽ hết cái chén này sang cái chén khác không biết mệt để lo cho Phong có một cuộc sống tương đối đầy đủ và bằng bạn bằng bè. Lưng mẹ oằn dưới những bảng chén. Tay mẹ rỉ máu vì men, rã rời vì những cây cọ vẽ. Một mình mẹ cáng đáng lò gốm, tạo công ăn việc làm cho năm người cùng xóm. Mẹ chưa than lấy nửa lời. Tuổi thanh xuân của mẹ trôi nhanh theo từng cái chén, từng cái chậu.  Tất cả chỉ để giữ đúng tâm nguyện của ba và cho Phong có một cuộc sống bình yên no đủ. Cái lò gốm cổ lổ sĩ đó nuôi nấng Phong, lớn lên cùng Phong. Vậy mà dường như luôn phủ nhận sự có mặt của nó trong cuộc đời mình.

Hai mươi tuổi thì vẫn là một cậu nhóc cần được bảo bọc bởi bàn tay cha mẹ. Phong mới bỏ đi hai ngày mà tưởng chừng như lâu lắm rồi. Hai ngày không thấy mẹ đứng dưới mái hiên nhúng men, hai ngày không thấy mẹ cầm cọ vẽ. Phong chợt thấy nhớ. Những hình ảnh đó thực ra luôn hiện diện trong trái tim của Phong, nhưng Phong lại luôn cố muốn giấu nó hoặc mang nó đi đâu đó càng xa càng tốt. Đúng là con người ta không thể khôn lớn, không thể trưởng thành, không thể thành đạt nếu từ chối và không trân trọng cội rễ của mình.

Phong lim dim mắt. Con mèo lại kêu mấy tiếng. Ông lão vẫn thở đều đều. Thi thoảng lại có vài xe máy lướt qua tạo thêm một nốt nhạc cho bản hòa tấu quá ư trầm lắng của màn đêm.

Trở về đi! Phong ơi!

Ừ! Mai sẽ về! Về để xin lỗi mẹ và tiếp tục những công việc thường ngày đã luôn là một phần của cuộc đời mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles