Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Tình Trời, Tình Người

Tác giả: Văn Am, SDB

Cảm ơn bạn, qua Chuyên đề Don Bosco, chúng ta đã cùng đồng hành với nhau dưới sự hướng dẫn của Giáo hoàng Phan-xi-cô. Hành trình quả là tuyệt, phải không bạn? Hướng về những ngày cuối Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta cùng suy tư về cách thức của người Ki-tô hữu chúng ta đã sống giáo huấn của Thày Giê-su thế nào.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô có lần đặt ra câu hỏi: “Có thể nào ta an tâm đến với Thiên Chúa bằng con tim song “tay mặt lại nhận quà hối lộ” không (x. Tv 26,10)? Tiền mà người ta rộng tay dâng cúng vào nhà Chúa có thể miễn chước cho những gian dối không?”.

Vấn nạn mà Đức Thánh Cha đặt ra là cơ hội để chúng ta nhìn lại chính mình và xét xem có khi nào chúng ta cũng ẩn mình trong những thái độ như thế chăng? Đức Giáo Hoàng nói rõ: “Anh chị em không thể dâng cúng cho Giáo Hội trên đôi vai của bất công trong cách anh chị em đối xử với những người thuộc quyền. Đây là một tội rất nặng: Dùng Thiên Chúa như bức bình phong che đậy sự bất công”. Rõ ràng, tôn giáo không bao giờ là thứ ru ngủ hay thuốc gây mê trong bất công! Thiên Chúa không biết đến hối lộ đâu! Thiên Chúa là Đấng không chút thiên tư tây vị.

Tại sao Đức Thánh Cha lại đề cập đến vấn đề này? Đó là vì trong lúc chúng ta lấy hoa trái của sự bất công được trục lợi trên sức lao động của người anh em, để mà dâng cho Thiên Chúa như sự xoa dịu lương tâm mình, thì chúng ta đã làm hoen ố ý nghĩa Tình yêu mà Thiên Chúa muốn có trên trái đất này. Một cách gãy gọn, Đức Giáo Hoàng giải thích: “Hai giới răn yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận đi đôi với nhau… Nếu anh chị em không tuân giữ mệnh lệnh này thì cũng là lúc các anh chị em không theo mệnh lệnh kia; và nếu anh chị em tuân theo điều luật này thì anh chị em phải tuân theo điều luật kia. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người đồng loại là như nhau. Ngài còn nói: “Nếu anh chị em muốn tỏ lộ sự sám hối chân thành thì anh chị em phải tỏ nó ra trước Thiên Chúa, đồng thời cũng hướng tới người anh chị em của mình”. Những lời nhắc nhở của Đức Phan-xi-cô vang vọng lại sứ điệp độc đáo của Kitô giáo mà thánh Gioan đã từng đúc kết khi tận mắt nhìn xem Chúa Giêsu sống tròn đầy như thế nào.

Trên nền tảng này, Đức Giáo Hoàng tiếp tục hướng dẫn chúng ta khi giải thích dụ ngôn người Samari nhân hậu theo ngôn ngữ hiện đại như sau: “Những ai năng đến nhà Thiên Chúa và nhận biết lòng thương xót của Ngài, thì không phải vì thế mà họ tự động có thể yêu mến người lân cận. Không tự động đâu! Thực vậy, chúng ta có thể biết toàn bộ Kinh Thánh, nắm bắt toàn bộ luật chữ đỏ trong phụng vụ, am hiểu thần học, nhưng chưa chắc chúng ta đã có lòng yêu mến người lân cận. Lòng yêu mến thì không tự động đến từ những hiểu biết: Yêu mến có một con đường khác, trí thông minh thật cần thiết nhưng nó cần có một cái gì đó hơn… Người tư tế, thày Lêvi nhìn thấy người đang trong tình trạng “nghèo” triệt để nhưng họ đã làm ngơ, họ nhìn xem nhưng không làm một cái gì đó. Tuy nhiên thờ phượng sẽ chẳng là đích thực nếu không được chuyển dịch thành phục vụ người thân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: Chúng ta không được dửng dưng – vô cảm khi đối diện với rất nhiều người đang bị huỷ diệt bởi đói khổ, bạo lực, bất công.

Làm ngơ trước đau khổ của con người có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là không biết Thiên Chúa! Nếu tôi không đến gần người nghèo – trẻ em, người già, neo đơn v.v… cách cụ thể tôi không thể đến gần Thiên Chúa”.

Những lời mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng thực sự phải làm chúng ta giật mình. Mong sao chúng chạm được đến tận bên trong của bạn và tôi, để có thể dẫn đến sự đổi mới mọi thái độ của chúng ta.

Từ đây, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hãy thờ phượng Chúa không chỉ trong nhà thờ mà cả ở những nơi chốn hiện sinh nhất của chúng ta, đó là GIA ĐÌNH, là CÔNG SỞ. “Đức ái này phải được thực thi trong gia đình chúng ta, trong lúc làm việc với các người thợ và đồng bạn của chúng ta, với những người thiếu thốn”. Tình yêu này, đức ái này khiến chúng ta nhìn người anh em với ánh nhìn khác: “Đừng phân loại tha nhân để xem ai là người lân cận, ai không phải là người lân cận. Anh chị em có thể trở thành người lân cận cho bất kỳ ai đang thiếu thốn mà anh chị em bắt gặp, và anh chị em sẽ là như thế nếu anh chị em có lòng thương xót nơi tâm hồn, nghĩa là, nếu anh chị em có khả năng cùng đau khổ với người khác”.

Bằng cách đó, lòng đạo đức, sự sùng mộ chân thật mang một chiều kích rất mới: “Lòng đạo là một khía cạnh của lòng thương xót, và là một trong bảy ơn huệ của Thánh Thần. Sự sùng mộ có một ý nghĩa là “lòng đạo, sùng kính”, nhưng nó cũng liên hệ tới lòng thương cảm, thương xót”. Thật vậy, “Ta phải cẩn thận không được đồng nhất sự sùng mộ với chủ nghĩa sùng mộ, rất phổ biến ngày nay, song nó chỉ là một cảm xúc hời hợt và xúc phạm đến phẩm giá của người khác”. Đức Giáo Hoàng còn đi tới cụ thể hơn khi nhìn thấy một trào lưu sống hiện nay: xem trọng những thú cưng hơn những con người. Bạn và tôi có thể đã chứng kiến nhiều người (và biết đâu có cả tôi và bạn trong số đó) bỏ nhiều thời gian, tiền của và tình cảm cho những con thú, song lại rất “keo kiệt” trước những con người nghèo túng đang hiển hiện sống động trước chúng ta. Đức Giáo Hoàng viết: “Người thiếu thốn đáng được chúng ta yêu thương hơn những con thú cưng. Chúng ta thường thấy người ta gắn bó rất mạnh với con chó, con mèo, nhưng lại không giúp những người lân cận của họ, những người lân cận thiếu thốn… Điều này không được đâu”. Bạn và tôi nghe được gì ở những hướng dẫn này nhỉ? Phải chăng đó lại chẳng là tầm nhìn mới về đời sống tôn giáo chân thật hay sao? Nó có gây âm vang gì trong tâm hồn chúng ta không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles