Một lần kia, tôi đọc được một tin thật ngắn, nhưng thật cảm động: Người con cõng người mẹ già đi dạo ngoài trời. Rồi tôi cũng được xem cảnh một cháu nhỏ chăm sóc bà bị bệnh parkison. Có khi ra đường tôi bắt gặp một thiếu niên đắt người lớn tuổi qua đường. Chợt nghe mắt mình ươn ướt những giọt lệ bởi còn nhiều lắm những cảnh đẹp con người.
Nhưng tôi cũng gặp không biết bao người khoẻ mạnh, bảnh trai đẹp gái lại than phiền đủ chuyện phiền phức về những mẹ cha lớn tuổi, sau khi chính họ nhận được biết bao tăng phẩm cuộc đời từ chính những người đó: Nào là quên lẫn, lẩm cẩm… Đủ thứ! Rồi lại phải chăm sóc như một trẻ bé… Đủ tội! Ba mẹ, ông bà lớn tuổi như thể một “tội đồ” chặn bước đời thoải mái của họ! Mi tôi chợt ướt đậm!
Buồn ghê! Bởi những mảng tối cuộc sống vẫn còn. Buồn lắm, vì những người đã quên bẵng chính mình đã từng được cầm tay, dìu bước do chính những người họ đang chê trách bây giờ.
Buồn ghê! Ham muốn tiện nghi đã bóp chết hạt giống biết ơn trong lòng, không cho nó trưởng thành trong thế giới hằng ngày. Chỉ nghĩ đến sự an nhàn của riêng mình làm mờ tối đôi mắt tâm hồn của họ. Vẻ đẹp nhân linh bị khuất chặn dưới ánh mặt trời! Ích kỷ giết chết những cảnh sắc mầu của tuổi già.
Vì vậy, bạn à, cần nhìn xa hơn những gì xảy ra trước mắt. Rõ ràng là nhiều lắm bất tiện và khó khăn cũng như giới hạn của tuổi già. Nhưng đó mới chỉ là những gì trước mắt. Nhưng vẫn còn những điều “không nhìn thấy” đằng sau thực tại đó mà. Này bạn, có phải các luống tuổi khác không có khó khăn và giới hạn ư? Cần nhìn xa hơn. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI qua kinh nghiệm của mình hướng tầm mắt lên cao khi nói: “Tuổi già thật đẹp! Thật cần khả năng có thể khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa vào mỗi giai đoạn đời sống. Đừng để cho mình bị u buồn giam cầm! Chúng ta nhận được tặng phẩm tuổi thọ. Vào tuổi chúng ta, sống thật là đẹp, bất chấp ‘đau đớn và giới hạn’. Trên khuôn mặt chúng ta ước gì luôn có niềm vui là cảm nhận được TC yêu thương, chứ không phải buồn khổ”.
Thật tuyệt! Vẻ đẹp của tuổi già! Một xác quyết hiếm hoi! Cuộc đời đạt đến sung mãn với sự khôn ngoan đến độ đón nhận những khó khăn trong niềm vui và thanh thản. Sao mà ngược với trào lưu xã hội tiêu thụ hôm nay đến thế. Khi ta chỉ đánh giá nhân phẩm trên luận lý của hiệu quả và lợi nhuận thì xác quyết trên quả là vô lý. Không thiếu lập luận coi người già thật vô dụng, chẳng sản xuất gì, chỉ ăn hại. Thật ra, người già mang vào cuộc sống sự khôn ngoan thâm trầm. Hơn nữa, “Phẩm chất của một xã hội văn minh được phán đoán theo cách thức nó đối xử thế nào với người già và do chỗ đứng xã hội dành cho họ trong đời sống xã hội. Những ai tạo cho người già có chỗ đứng thì đang trân trọng sự sống”. Những nhận định trên chẳng lẽ không khai sáng chúng ta về giá trị cao cả của sự sống con người hay sao?
Còn một lý do thâm sâu hơn nữa: “Qua tình liên đới giữa người trẻ và người già, nó giúp dân chúng hiểu GH thực sự là một gia đình gồm tất cả mọi thế hệ, nơi đây mỗi người phải thấy “thoải mái”, nơi đây không phải luận lý lợi nhuận hay sở hữu ưu thắng, nhưng là luận lý của tự do trao ban và yêu thương. Khi sự sống trở nên mỏng dòn, trong những năm tuổi già, nó vẫn không bao giờ mất giá trị và phẩm giá: mỗi người chúng ta, ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, đều được TC muốn và yêu thương. Mỗi người đều quan trọng và cần thiết” (cf. Homily for the beginning of the Petrine Ministry, 24 April 2005). Như vậy, cần phải nhìn người già bằng con mắt của Đức Giêsu. Cần mở tay đón nhận người già bằng trái tim của Giáo hội như một gia đình của TC, nơi đây, các thế hệ gặp gỡ nhau, bổ sung cho nhau, chứ không phải triệt tiêu nhau, loại trừ nhau. Giáo hội có chỗ cho mọi người, vì đây là NHÀ của họ. Giáo hội, tình liên đới mọi người!
Như vậy, người già lãnh nhận một hình thái khác của sứ mệnh Giáo hội. Khi mà không còn có thể làm được nhiều việc, họ vẫn có thể làm RẤT NHIỀU: Cầu nguyện và hy sinh. Giáo hội SỐNG VÀ THỞ bằng những của ăn đó. Không đẹp sao khi có một người chuyên chú cầu nguyện giữa một gia đình tần tảo. Không đẹp sao khi người già lặng quỳ trước Thánh Thể vì toàn Giáo hội, cho xứ đạo? Đó là một “tặng phẩm lớn cho Giáo hội” (Đức Phanxicô), vì TC cứu con người không chỉ nhờ công việc mà còn nhờ cầu nguyện và hy sinh. Không đẹp sao khi Đức Bênêđictô XVI như một ông ngoại cầu nguyện đang khi mọi người trẻ trong Giáo hội đang miệt mài phục vụ! Thật sự, người già truyền vào xã hội sự khôn ngoan, đặc biệt cho những người quá bận rộn, quá quẫn trí.”Thế giới cuồng loạn ngày nay, nhất là giới trẻ và gia đình, cần lời cầu nguyện, sự khôn ngoan và tặng phẩm của thế hệ lớn tuổi hơn để cho họ sự khích lệ, hy vọng và đức tin mà họ thường thiếu. Người già nhắc nhớ những người trẻ tham vọng rằng một đời sống không tình yêu thì cằn cỗi.” (Đức Phanxicô). Người già có nhiều điều nói cho người trẻ lắm. Với những người trẻ nhát đảm, họ nói rằng lo lắng về tương lai có thể vượt thắng được; cho những người trẻ đang yêu, họ khẳng định sự thật là ” niềm vui ở trong việc trao ban hơn là nhận lãnh.” (Đức Phanxicô). Ơn gọi của họ được mệnh danh rất đúng: “ông bà nội ngoại thiêng liêng” cho giới trẻ. (Đức Phanxicô). Nếu vậy, “người già đâu có đóng lại câu chuyện của mình. Câu chuyện cuộc đời của họ được viết tiếp cho đến cùng. Nó vẫn rộng mở cho một sứ mệnh.
Vì vậy, những người trẻ hãy học để ân cần và dịu dàng chăm sóc những người già cả. Bạn sẽ không mất gì đâu. Và bạn cũng sẽ chẳng bao giờ hối tiếc về điều đó đâu. Bạn đang hướng về chân trời xa đấy!!! Đừng để mình phải thốt lên những lời ray rứt khi họ không còn nữa!!!
(Bài viết: Văn Am, SDB)