Saturday, July 27, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Giới Trẻ, Người Kiến Tạo Hoà Bình

Bạn Trẻ

Khi va chạm giao thông, họ giải quyết bằng nắm đấm; khi bất đồng lúc chơi đùa, họ lao vào đấm nhau túi bụi; vì một ánh nhìn không thiện cảm, cả hai đối tượng sẵn sàng nhảy vào đâm chém nhau gây ra những hậu quả khủng khiếp, có thể là cả mạng người. Sử dụng bạo lực đang là cách mà nhiều người trẻ hiện nay lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn. Đó là kết luận của những nhà tâm lý lứa tuổi khi phân tích về người trẻ hôm nay trong bài viết mang tựa “Khi mâu thuẫn được giải quyết bằng bạo lực: Giới trẻ ngày càng hung hăng hơn?” (Báo điện tử VTVnews, ngày 10/6/2020). Qua một nghiên cứu toàn cầu về tỷ lệ thiếu niên 13 đến 15 tuổi có tham gia ít nhất 1 cuộc ẩu đả trong trường học cho thấy, Việt Nam đứng thứ 8 trong top các nước, với tỷ lệ 22%. Nghiên cứu này có trong báo cáo của PGS.TS. Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là Bạo lực ở giới trẻ, trách nhiệm do ai? Có chuyện gì đang xảy ra? Tuổi trẻ hôm nay thất bại ở chỗ nào?

“Hệ thống giáo dục của chúng ta có thể là một nơi tốt để bắt đầu”. Mahatma Gandhi nhận xét, “khó khăn thực sự là mọi người không biết giáo dục thực sự là gì. Chúng ta đánh giá giá trị của giáo dục giống như cách chúng ta đánh giá giá trị của đất đai hoặc cổ phiếu trên thị trường trao đổi chứng khoán. Chúng ta chỉ muốn cung cấp chương trình giáo dục để giúp sinh viên kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng ta hầu như không đưa ra bất kỳ suy nghĩ nào đến việc cải thiện tính cách của người được giáo dục”. Thực tế đáng buồn là chúng ta vẫn chưa biết giáo dục thực sự là gì. Gandhi đang được chứng minh là đúng, một lần nữa. Hệ thống giáo dục của chúng ta còn nhiều sai sót. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc xây dựng “tính cách” về năng lực xã hội và tình cảm mang lại nhiều kết quả hơn so với các cách đo lường thành công trong học tập truyền thống. Rõ ràng, những ý tưởng về hòa bình, lòng tốt, sự phản biện, sự thật và bất bạo động vẫn có thể là mỏ neo mang tính cách mạng cho các công dân trẻ toàn cầu khi họ chuẩn bị để dọn dẹp mớ hỗn độn giữa các thế hệ trong quá khứ và hiện tại, đồng thời biến đổi xã hội của họ theo hướng hòa bình bền vững. (x. Gandhi có thể giúp Gen Z như thế nào? www. peace-ed-campaign.org).

Trong chương ba của tông huấn Christus Vivit nêu ra vấn đề: Thời thế đang thay đổi, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Người trẻ ngày nay thực sự là thế nào? Điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ? Đức Giáo hoàng không ngần ngại nói về những người trẻ tuổi của thế giới đang gặp khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng là kết quả của bạo lực, ngược đãi, lạm dụng, nghiện ngập và nhiều thứ bị loại trừ. Sự khủng hoảng còn là do chiến tranh và nhiều hình thức bạo lực: “bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, nô lệ và bóc lột tình dục, hiếp dâm thời chiến, … Bạo lực phá hủy nhiều cuộc sống tuổi trẻ”. (số 72) Người trẻ còn bị lợi dụng khi cuốn theo các ý thức hệ. Nhiều người trẻ bị đẩy ra bên lề và bị loại trừ về mặt xã hội vì lý do tôn giáo, kinh tế hay sắc tộc. (số 73-74). Đức Thánh Cha nhận định: “trong tất cả các cuộc xung đột khác trên toàn cầu, toàn thể nhân loại đều thuộc về bên bại trận chứ không chỉ các bên có mối liên quan trực tiếp … Chắc chắn, virus chiến tranh khó chế ngự hơn virus tấn công cơ thể con người, bởi vì virus chiến tranh không đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong trái tim con người, vốn bị tội lỗi làm hư hỏng” (x. Mc 7,17-23).

Ngài quả quyết: “những khủng hoảng về đạo đức, xã hội, chính trị, kinh tế mà chúng ta đang trải qua đều tương liên với nhau, và những vấn đề xem ra tách biệt thực sự lại là nguyên nhân của nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó, chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách đố của thế giới này với tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn”. (x. Sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2023). Thật vậy, “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình” (Rm 14,7), sự liên đới là điều hiển nhiên trong cuộc sống của một con người, và rõ ràng hơn hết trách nhiệm xây dựng hòa bịnh phải được nhắc đến nơi mỗi cá nhân con người, đặc biệt là từ nơi chính người trẻ. “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Và Thiên Chúa “là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh; rằng Ngài là Cha của tất cả mọi người, không chỉ của một số người; chúng ta cần anh em chứ không phải kẻ thù”. Đây là lời khẳng định của Cha Miguel Angel García, Tổng Cố vấn Mục vụ Giới Trẻ Trung ương khi mời gọi các bạn trẻ SYM hãy trở thành người kiến tạo hòa bình. Thậm chí ngài còn mời gọi rằng đây là tình trạng khẩn thiết chứ không còn là một chọn lựa, rằng “chúng ta không thể thờ ơ hoặc nghĩ rằng chúng ta không thể làm gì hoặc thậm chí tình hình không ảnh hưởng đến chúng ta. Trên thực tế, mọi thứ đều được kết nối với nhau … và chính phong trào Giới Trẻ Sa-lê-diêng của tu hội chúng ta bao gồm toàn bộ mọi người trẻ trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyên nhủ: “hãy để Thiên Chúa biến đổi các tiêu chí thông thường của chúng ta trong việc giải thích thế giới và thực tại. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến việc thu vén lợi ích cá nhân hoặc quốc gia của mình, nhưng phải nghĩ đến lợi ích đó theo quan điểm của thiện ích chung, với cảm thức cộng đồng, nghĩa là với tư cách của một cái “chúng ta” mở ra cho tình huynh đệ phổ quát. Chúng ta không thể tiếp tục chỉ lo bảo vệ chính mình, nhưng đã đến lúc tất cả chúng ta phải nỗ lực chữa lành xã hội và hành tinh của chúng ta, xây dựng nền móng cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn, đồng thời nghiêm túc cam kết theo đuổi những gì thực sự thuộc về thiện ích chung”. (Trích từ Sứ điệp ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2023).

Các bạn trẻ thân mến!

Chúng ta phải quyết tâm không đánh mất ý chí xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và ước mơ về một thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta cần phải thể hiện rõ trách nhiệm của mỗi người trong việc kiến tạo một thế giới hòa bình, tôn trọng phẩm giá của mỗi người, bảo vệ công lý, và biết quan tâm đến nhân loại và tiếng kêu của mẹ trái đất. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II khẳng định bốn cột trụ của hoà bình thực sự là: chân lý, tự do, công lý và bác ái. Ngài cũng mời gọi những người trẻ hãy cầm lấy và đọc thông điệp Pacem in Terris như là một cẩm nang cho người kiến tạo hòa bình. Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá 2003, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 40 của thông điệp này Đức Thánh Giáo Hoàng mời gọi: “Tôi cũng chuyển tới các bạn là những người trẻ trên khắp thế giới, tài liệu lịch sử này, xin hãy đọc, suy niệm, và cố gắng thực hành. Các bạn sẽ được ơn phúc vì là những người con đích thực của Thiên Chúa”.

Giuse Nguyễn Xuân Quang sdb

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles