Tác giả: Ngọc Yến, FMA
Chọn lựa Hệ thống Giáo dục
Trong cuốn sách nhỏ của Don Bosco về giáo dục, ngay những dòng đầu tiên ngài viết: “Trong mọi thời đại, người ta dùng hai hệ thống trong việc giáo dục giới trẻ, đó là Dự phòng và Cưỡng bách. Sự cưỡng bách hệ tại ở việc làm cho người dưới hiểu biết luật rồi trông coi để xem có ai vi phạm, và nếu có, sẽ ra hình phạt cân xứng… Ngược lại, với hệ thống này là Hệ thống Dự phòng. Hệ thống Giáo dục Dự phòng hệ tại ở việc cho học sinh biết những quy tắc và những quy chế của trường, đồng thời trông coi làm sao để học sinh luôn cảm thấy ở dưới cặp mắt chăm sóc của giám đốc hay người trợ giúp, các ngài như những người cha âu yếm chuyện trò với chúng, giúp đỡ, chỉ dẫn chúng trong mọi trường hợp, khuyên nhủ và sửa bảo chúng với đầy tình thương mến”.
Trong thực tế, ta thấy thời đại có thay đổi, nhưng vấn đề muôn thuở vẫn là một. Ngay cả hôm nay, những ai tham gia công việc giáo dục cũng đều thấy mình đang lúng túng như đứng trước ngã ba đường.
Trong tiếng Ý, người ta nói đến sự băn khoăn chọn lựa giữa hai phương cách: Cưỡng bách (costrizione) và xây dựng (costruzione). Đây không phải là trò chơi chữ, nhưng là hai viễn ảnh giáo dục. Con đường thứ hai thì có nhiều nguy cơ hơn và đặc biệt là sẽ vất vả hơn. Đó là con đường của việc tôn trọng nhân vị và tự do của con cái, đặc biệt là nhịp độ phát triển và trưởng thành của mỗi người.
Khi bị “cưỡng bách”, các thiếu niên thường có những phản ứng tiêu cực. Cha mẹ cần hình dung con cái giống như trái bóng bằng cao su: khi càng bị nhồi mạnh thì nó càng bắn ra xa hơn. Để cưỡng bách, các nhà giáo dục thường dùng những thái độ thiếu tích cực và khiêu khích chẳng hạn như cằn nhằn, giảng giải, khiển trách, đe dọa, so sánh, lo lắng, nạt nộ, phê phán, đánh đập, phạt. Trước những phản ứng này, các trẻ cũng thường đáp trả lại với những hành động tiêu cực không kém như la hét, phá phách, đe dọa, hành hạ mình, uống rượu, noi dối… Nhất là các trẻ sẽ trở nên khép kín trong chính mình, chẳng hạn như ngủ vùi, bỏ nhà đi hoang, tránh né, chán nản, nóng nảy, dùng ma túy, tự tử.
Chẳng phụ huynh nào muốn con cái của mình phản ứng cách bạo lực, hay muốn chúng tự cô lập, nhưng đôi khi chúng ta lại là những người cổ võ cho thái độ này khi chúng ta cưỡng bách con cái. Nguyên do khiến hình thức cưỡng bách được ưa chuộng là do sự nóng vội của nhà giáo dục và do kết quả mang lại ngay lập tức của phương pháp. Trong quá khứ đã có lúc các thanh thiếu niên cảm thấy mình bị vây hãm giữa những bức tường như nhà tù. Nếu cha mẹ có lối hành xử như thế thì họ cũng chỉ là một thứ gạch đá khác trong bức tường mà thôi.
Giải pháp chỉ có khi các bậc cha mẹ bắt đầu chân thành đặt vấn đề xem hành động giáo dục của họ phải đạt đến kết quả nào. Chắc chắn mọi bậc cha mẹ đều ước muốn giúp con cái mình trở thành những người có trách nhiệm và độc lập. Nhưng không may, rất nhiều cha mẹ lại hành động như thể chính họ đang dứt con cái mình ra khỏi hành trình dẫn đến mục đích này, bằng sự bảo vệ thái quá.
Tạo uy tín
Trong một nghĩa nào đó, khi chọn lựa cách thức của hệ thống giáo dục của người Sa-lê-diêng, nhà giáo dục phải quyết định trở thành một nhà lãnh đạo có uy tín chứ không phải là một bạo chúa. Cha mẹ phải nhận được sự ủng hộ tốt nhất từ phía con cái, và biến chúng trở thành những đồng minh trong bổn phận khó khăn của việc giáo dục. “Cha mẹ của tôi thường nói rằng tôi là đứa mất dạy. Nhưng ai là người dạy dỗ tôi? Không phải là họ sao?”.
Việc giáo dục tại gia đình là kết quả của sự tương tác hai chiều giữa cha mẹ và con cái, chứ không bao giờ là mối tương quan một chiều trong đó cha mẹ trao ban và con cái nhận lãnh, giống như chúng là những vật vô tri vô giác.
Những bổn phận của cha mẹ có uy tín có thể được mô tả như sau.
Có khả năng kiểm soát được tình huống. Nghĩa là cha mẹ cần biết nhìn, hiểu được tính nết của con cái, chọn lựa chiến lược và chiến thuật phù hợp. Do vậy, cha mẹ phải luôn có mặt trong đời sống của con cái, đừng quá nghiêm nghị như đền thánh, cũng đừng chỉ ló mặt ra khi xảy ra một vài vấn đề.
Thông báo, hướng dẫn “luật chơi”. Nhà lãnh đạo giỏi sắp xếp mọi thông tin mà họ cần để thực hiện một việc tốt đẹp và chia sẻ thông tin ấy với những người thuộc quyền. Don Bosco đã khẳng định: “Các thiếu niên cần phải biết…”. Trong cách thức nào đó thì cả cha mẹ cũng phải là những thày dạy của cuộc sống. Nhưng tiếc thay, nhiều người trẻ cảm thấy bối rối trong việc bàn hỏi với cha mẹ về những điều mà chúng thực sự quan tâm. Những thông tin đưa ra phải thật hữu ích. Thích hợp cho hiện tại.
Cũng cần có một sự thông tri thực sự. Cha mẹ phải giải thích cách rõ ràng những ý tưởng, cảm xúc, chọn lựa ngôn từ và hành động chính xác, giảm thiểu đến mức thấp nhất những rào cản có thể xảy ra trong tiến trình thông tri. Về phía con cái, cần phải tỏ ra sự thấu hiểu, và chuyển dịch những lời nói qua hành động.
Cho dù tôn trọng những nhu cầu và cá tính của người khác, thì một hành vi có uy tín vẫn chất chứa và lộ ra những giới hạn. Cho nên, với ánh nhìn này thì quyền bính và sự tự do không là hai quan điểm đối chọi, nhưng ngược lại, chúng bổ xung cho nhau.
Khích lệ. Lớn lên là một bài tập không đơn giản trong ngày hôm nay. Các thanh thiếu niên nhận được nhiều đề nghị, lời khuyên, ý kiến, nhưng rất hiếm khi chúng được khích lệ.
Vậy làm thế nào để có thể khích lệ con cái?
Sự khích lệ đầu tiên đó là lắng nghe. Đó là một sự lắng nghe thực sự không chỉ đối với các “sự cố” liên quan đến con cái, nhưng cả với cả giá trị và những ước muốn của chúng.
Đưa ra những sứ điệp rõ ràng. Trong túi xách của một thiếu nữ có một tấm giấy nhàu nát, chứng tỏ nó đã được đọc đi đọc lại nhiều lần: “Con gái rất thương mến, mẹ biết rằng con buồn trước điểm số thấp báo trong phiếu điểm. Nhưng mẹ xin con đừng lo lắng gì. Con có những điểm xuất sắc trên mọi sự mà mẹ và ba con cho rằng rất quan trọng trong đời sống của con! Con là một đứa trẻ lương thiện, có trách nhiệm và độc lập. Con thực sự là một con người tuyệt vời. Những thứ còn lại chẳng có gì quan trọng. Hôn con, hãy ở trong vòng tay của mẹ”.
Hãy để ý đến cả những tiểu tiết. Các thanh thiếu niên thường ký gởi những cầu xin giúp đỡ trong những dấu hiệu nho nhỏ, nên việc học biết cách thức để nhận ra chúng thật sự là quan trọng.
Hãy giúp các thanh thiếu niên tự tin. Đây là điều cốt yếu. Mục đích của việc giáo dục chính là xây dựng nơi con người niềm tin vào chính mình. Sự tự tin.
Nhận biết và chân nhận. Tức là nói đến việc chân nhận cách công khai những hành vi ứng xử đúng đắn. Con cái rất nhạy cảm trước sự công nhận và động viên của cha mẹ. Một lời tán thưởng, một dấu hiệu hài lòng nhỏ bé, một lời ca ngợi có sức củng cố, khích lệ người trẻ. Cần để ý đến một thực tế là thông thường, một hành động được làm cách trách nhiệm, việc giữ đúng cam kết, sự uyển chuyển thích nghi, biết lấy quyết định, sống có mục tiêu, lập kế hoạch, chăm sóc bản thân và người khác là những hành vi mà người ta dễ khám phá và thán phục nơi những người ngoài, nhưng nơi con cái lại chẳng được nhận biết.
Hệ thống giáo dục của Don Bosco “chuẩn bị cho học sinh một tâm thế để nhà giáo dục có thể nói với em bằng ngôn ngữ của cõi lòng, trong lúc em còn đang được hưởng nền giáo dục và cả khi sau này. Nhà giáo dục một khi đã chiếm được cõi lòng của học sinh rồi thì họ có thể thể hiện trên em một quyền lực tuyệt đối, họ có thể cảnh báo em, khuyên nhủ em, thậm chí sửa lỗi em”.
Bí mật của giáo dục hệ tại ở việc “chiếm hữu được cõi lòng”.