Văn Am, SDB
Có những bạn trẻ vướng vào một ảo tưởng chết người. Họ nghĩ rằng làm chủ chính mình là giữ sao cho bộ mặt của mình thật lạnh lùng để người khác không đọc được ý định của mình.
Mấy hôm trước, tôi coi phim Huyền thoại Bố Già (Black Mass, 2015). Cuốn phim về một người bước vào ngõ cụt của Mafia dạy cho con mình phải làm sao không bao giờ tỏ cho người khác thấy mình sẽ làm gì, trong chuyện trả thù! Quả thật ghê sợ. Cũng thế, bên trời Á, phim Dạ Yến kể về một một người muốn giấu mọi biểu lộ tình cảm của mình bằng một chiếc mặt nạ. Thế nhưng, người khác lại dạy rằng mặt nạ số một là dùng chính bộ mặt thật của mình để thành cái mặt nạ. Xem ra như thế mới là làm chủ chính mình!
Không. Ngàn lần không phải đâu, hỡi các bạn trẻ. Làm chủ chính mình theo kiểu đó chỉ là sống trong giả tạo và ích kỷ. Những người như thế chỉ sở hữu được những cái gì bề ngoài và chóng qua, rồi sẽ đi vào ngõ cụt. Chân lý của làm chủ chính mình lại khác hoàn toàn. Thật thế, “Tôi rất hạnh phúc bởi vì tôi đã chiến thắng chính mình, chứ không phải thế giới. Tôi rất hạnh phúc bởi vì tôi đã yêu mến thế giới chứ không phải chính tôi” (Sri Chinmoy).
Bạn dám tin: Làm chủ chính mình là công việc mang tính chất thiêng liêng, thuộc về tinh thần, thuộc về thần linh? Làm chủ chính mình không phải để giết người song để xây dựng mà thôi? Làm chủ chính mình để chân thành tha thứ và yêu thương? Mahatma Gandhi nói rõ “kẻ yếu nhược không thể tha thứ được. Tha thứ là thái độ của người mạnh mẽ”. Còn Franklin nói cho chúng ta hay rằng cần thiết phải “giáo dục tới thái độ tự chủ, tới thói quen giữ được đam mê và thiên kiến cũng như những khuynh hướng xấu lụy phục một ý muốn ngay thẳng và có lý luận, và rồi ta có thể xóa bỏ sự khốn cùng khỏi tương lai của họ cũng như tội ác khỏi xã hội”. Theo ánh sáng này, người xưa và nay gặp nhau, dù nói những ngôn ngữ khác nhau. Lão tử nói: “Người điều khiển kẻ khác có thể là uy quyền, những người làm chủ được mình còn uy quyền hơn”. Aleph Coelho lại nói: “Nếu bạn chiến thắng chính mình, bạn chiến thắng thế giới”. Giống như câu ngạn ngữ ta từng nghe: “Tu thân, trị quốc, bình thiên hạ”.
Làm chủ bản thân rốt cuộc không phải là một chuyện của cá nhân mà thôi. Nó còn là tặng phẩm của ân sủng. Nó nhắm đến việc làm cho chúng ta có thể thưởng nếm niềm vui của sự tha thứ. Làm chủ chính mình để tha thứ cách trọn vẹn. “Tha thứ không luôn dễ dàng đâu. Đôi khi ta cảm nhận đau đớn hơn cả vết thương chúng ta phải chịu, tha thứ một người đã gây ra [vết thương đó]. Tuy nhiên, chẳng có bình an mà không có tha thứ” (Marianne Williamson). Tha thứ là tên gọi khác của hòa bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô diễn đạt chân lý này khi diễn tả cho chúng ta về câu chuyện vua A-kháp đã giết Na-bốt để chiếm vườn nho của ông.
“Đức Chúa chấp nhận sự thống hối [của Vua]. Dù sao, một người vô tội đã bị giết, và sự dữ để lại những vết sẹo buồn thảm. Thực thế, tội lỗi ta phạm luôn để lại những dấu vết đau buồn, và lịch sử nhân loại phải mang lấy những vết thương. Trong trường hợp này, lòng thương xót tỏ lộ con đường hoàng vương mà ta phải theo. Lòng thương xót có thể chữa lành vết thương và thay đổi lịch sử. Hãy mở rộng lòng cho lòng thương xót! Lòng thương xót của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn tội lỗi con người. Nó mạnh mẽ hơn. A-kháp là một thí dụ! Chúng ta biết sức mạnh của lòng thương xót khi chúng ta nhớ lại Con Thiên Chúa vô tội đã đến và trở thành người phá hủy sự dữ bằng sự tha thứ của Ngài. Đức Giêsu Kitô là vị Vua chân thật, nhưng quyền lực của Ngài hoàn toàn khác biệt. Ngai của Ngài là Thập giá. Ngài không phải là vị vua để giết chết, nhưng ngược lại, để ban sự sống. Ngài đi đến với mọi người, cách riêng người yếu đuối nhất, đánh bại sự đơn côi và định mệnh chết chóc mà tội lỗi dẫn đến. Đức Giêsu Kitô, với sự gần gũi và dịu hiền của Ngài, dẫn tội nhân vào nơi chốn của ân sủng và tha thứ. Đây là sự tha thứ của Thiên Chúa.”
Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn làm chủ chính mình, cũng chính là Đấng tha thứ cho chúng ta, các tội nhân, một cách vô điều kiện. Thiên Chúa – Đấng chiến thắng mọi sự, cũng là Đấng động lòng thương và trở nên “mềm” vì chúng ta, Ngài như một người mẹ khi bồng bế con mình, chỉ muốn yêu thương, che chở, giúp đỡ, sẵn sàng trao ban mọi sự, ngay cả chính bản thân”. Nơi khác, Thiên Chúa được mô tả là người cha nhân hậu, cúi xuống trên những kẻ yếu đuối và nghèo khổ, luôn sẵn sàng tiếp đón, cảm thông, tha thứ. Ngài như người cha không thu mình trong oán hận khi thấy đứa con thứ trở về. Và chính ông cũng cúi xuống, mời gọi đứa con cả, vốn sống như một người tôi tớ trong nhà mình, đi vào nhà một cách mới mẻ, ngài mở rộng lòng mình để yêu thương, để không một ai bị loại khỏi sự cử hành lòng thương xót. Lòng thương xót là một sự cử hành vui tươi vậy! (x. Đức Phanxicô, Những bài giáo lý về lòng thương xót)
Thật sự Thiên Chúa tuyệt mỹ, vì Ngài tràn ngập tình yêu và trung thành. Quyền lực và sự vĩ đại, Thiên Chúa dùng để yêu thương chúng ta, những con người mỏng manh, bé nhỏ và bất tài… đây không phải là tình yêu trên sân khấu… Đó là tình yêu luôn đi bước trước, không lệ thuộc vào công nghiệp của con người song trên sự nhưng không vô tận. Đó là sự chăm sóc của Thiên Chúa mà không gì có thể cản ngăn, kể cả tội lỗi, bởi vì nó có thể vượt qua tội lỗi, vượt thắng tội lỗi và tha thứ tội lỗi. (Đức Phanxicô)
Như thế, khi con người làm chủ chính mình để diễn đạt được sự tha thứ, họ sống trong Thiên Chúa, họ làm sống lại một vị Thiên Chúa đã đến thế gian để tha thứ.
Chúng ta hãy cùng với Đức Thánh Cha rút ra một vài kết luận thực hành khi xác tín rằng “khả năng tha thứ và tìm sự tha thứ là thiết thân với ơn gọi và sứ mệnh của Gia đình. Trong gia đình, chúng ta hãy luôn học để chân thành nói ‘xin giúp nhé’, ‘cám ơn’ và ‘xin lỗi’ (Please, Thank you, Sorry). Mọi gia đình Kitô hữu trở thành nơi ưu tuyển trong cuộc lữ hành này để kinh nghiệm niềm vui của sự tha thứ. Tha thứ là yếu tính của tình yêu có thể thông cảm các lỗi lầm và sửa chữa nó. Trong gia đình chúng ta học cách thức để tha thứ, bởi chúng ta chắc chắn rằng chúng ta được thông cảm, được nâng đỡ, bất kỳ chúng ta làm điều lầm lỗi nào”. Tôi muốn để lại cho bạn châm ngôn này: “Tha thứ là hương thơm mà bông hoa tím tỏa ngát ra trên gót chân đã dẫm đạp nó” (Mark Twain). Hình ảnh tuyệt vời: bông hoa vẫn tỏa hương khi con người dẫm đạp lên! Như thế, ta hiểu rõ: “Sự tối tăm không thể xua đuổi sự tối tăm; chỉ ánh sáng mới có thể làm điều đó. Thù ghét không thể xua đuổi thù ghét; chỉ tình yêu mới có thể làm điều đó. (Martin Luther King, Jr.)