Thursday, December 26, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Cùng Chung Một Con Đường

Tác giả: Văn Am, SDB

Pope Francis gives a blessing during an audience with Catholic groups Misericordie and Fratresat on St. Peter’s Square at the Vatican June 14, 2014. REUTERS/Giampiero Sposito (VATICAN – Tags: RELIGION)

Bạn trẻ chúng ta nói rất nhiều về tình yêu thương. Thế nhưng tình thương vẫn luôn luôn thiếu. Vẫn còn đó muôn vàn cú tát, tiếng súng và bạo lực. Nhiều bạn trẻ cho rằng mình đã yêu thương đủ, nhưng khi nói thế cũng là lúc chấm dứt một tình yêu, bởi mức độ của tình yêu là không có mức độ.

Nét đặc trưng của con người là yêu thương. Không yêu thương và không được yêu thương sẽ không thể trở nên người sung mãn và trưởng thành được (x. Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis; Bênêđictô xvi, Deus caritas est). Nếu phát biểu như thế thì việc là Kitô hữu có đóng góp gì cho nét đặc trưng nhân linh này không? Trở thành Kitô hữu có làm cho tình yêu nhân loại nên héo khô không? Nhiều bạn trẻ lại không cảm thấy khó chịu khi được yêu cầu trở thành Kitô hữu khi chọn bạn đời đạo Công giáo hay sao? Sao mà Kitô giáo có vẻ độc tài thế?

Nếu tình yêu không phải là sự độc chiếm hoặc là những mưu kế để giành lấy, mà là sự hy sinh, tha thứ và quảng đại chân tình, thì Kitô giáo không thể giống như một số bạn trẻ thường nghĩ. Đúng thế đấy. Tình yêu trong Ki-tô giáo là bản hoạ lại tình yêu của Đức Giê-su, một Thiên Chúa làm người.

Đức Giêsu không coi con người như những con búp bê, song Ngài đã như Đấng “ăn xin” tình yêu của con người. Như vậy, Ngài đặt mỗi người và từng người là mục đích, chứ không như một phương tiện. Không thể có một tình yêu thật sự nếu nhân vị bị liệt xuống hàng dụng cụ, phương tiện. Nghĩa là, tình yêu không thể nảy nở và phát triển một khi không có sự hiệp nhất trong khác biệt và khác biệt trong hiệp nhất. “Tình yêu không đặt chính mình, nhưng người khác làm tâm điểm… luôn kéo chúng ta ra khỏi chính mình, tương liên và… chú ý đến người khác đúng như chính họ” (Tổng Giám Mục Francesco Follo, To Pray to Understand, Lectio Divina, Chúa Nhật 12 TN – Năm C). Quy luật này khiến chúng ta hiểu rằng trong tình yêu không có ích kỷ. Nó không triển nở trong “sự đồng bộ nhưng trong những khác biệt được hài hòa hiệp nhất” (Bài giảng cho các Giám mục tại Brasil).

Nếu điều trên là đúng, thì kinh nghiệm bản thân nhận biết rất rõ: Hiếm có một ngày sống của bạn trẻ chúng ta lại thiếu lời chỉ trích, thóa mạ, chửi tục, nói xấu, ghen tuông. Vậy hẳn rõ là để có tình yêu đích thật cần có một cuộc giải phóng tâm hồn hơn là giải phóng kinh tế và chính trị. Và đây cũng là điều Đức Giêsu muốn. “Chân lý sẽ giải phóng anh chị em”. Ngài muốn và chỉ muốn giải phóng tình yêu của chúng ta, ban cho chúng ta một trái tim bằng thịt: trái tim của Ngài.

Đức Phanxicô nói: “Khi phá vỡ được cái vòng tròn quy vào chính mình, khi vượt quá chính mình đi ra gặp tha nhân, lắng nghe và giúp họ; đó chính là Thánh Thần Thiên Chúa thúc bách chúng ta làm như thế. Khi tìm được bên trong một khả năng cho đến nay vẫn vô danh để tha thứ, yêu thương một ai mà không yêu lại chúng ta, thì chính Thánh Thần đang chụp bắt chúng ta. Khi vượt xa những ngôn từ chỉ phục vụ chính mình và quay sang anh chị em với sự dịu hiền hun nóng cõi lòng, thì chính Thánh Thần chạm đến chúng ta” (Bài giảng cho các Giám mục tại Brasil).

Cuộc giải phóng mới là đây: Tình yêu chân thật luôn đón nhận người khác để làm giàu cho cả người yêu thương lẫn người được yêu thương. Các bạn nghĩ sao: Tình yêu mà chỉ yêu chính mình, không thể tiếp nhận một ai khác ngang bằng và bình đẳng với chình mình, thì có phải là tình yêu chân thật không? Một tình yêu không có ai khác ngoài chính mình quả là khô cằn. Tình yêu cho đi nhưng rồi lại thấy mình cạn kiệt thì không đúng tên là tình yêu được.

Được giải phóng như thế rồi, tình yêu Kitô hữu luôn nhắm đến kiến tạo hiệp nhất trong đa dạng và giữ đa dạng trong hiệp nhất. Chỉ đa dạng mà thôi, ta chỉ có hỗn độn y như cảnh kẹt xe không lối thoát! Chỉ “hiệp nhất” mà không đa dạng thì chỉ là thứ đồng bộ tầm thường y như bàn cờ chỉ có tốt hoặc xe! Đức Giêsu đem đến một sự khác hẳn: THÂN MÌNH VỚI MUÔN NGÀN CHI THỂ VÀ TẾ BÀO.

Đức Phan-xi-cô nói: “Thánh Thần mang đến những đặc sủng khác nhau trong Giáo hội. Thoạt nhìn, dường như tạo nên lộn xộn. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của ngài chúng tạo thành sự giàu có vô tận, bởi vì Thánh Thần là Thần khí hiệp nhất, vốn không là sự đồng bộ. Chỉ Thánh Thần mới có thể khơi lên sự đa biệt, và, đồng thời, mang lại sự hiệp nhất. Khi chúng ta cố gắng kiến tạo sự đa dạng, nhưng đóng kín trong những cách nhìn đặc thù và chỉ riêng của mình thôi, chúng ta kiến tạo sự chia rẽ. Khi chúng ta cố gắng kiến tạo sự hiệp nhất qua những kế đồ nhân loại của riêng mình, chúng ta kết tận với đồng bộ và đồng nhất” (Bài giảng cho các Giám mục tại Brasil).

Đây không phải là nghĩ suy xuông. Đây là sự thật của kinh nghiệm. “Thần khí hướng dẫn tạo ra giàu có; lúc đó, khác biệt và đa dạng sẽ không bao giờ tạo nên đối kháng, bởi vì Thần Khí thúc đẩy chúng ta kinh nghiệm sự đa biệt trong sự hiệp thông của Giáo hội” (Bài giảng cho các Giám mục tại Brasil). Một tình yêu đòi tôn sùng ý của cá nhân mình hơn là tìm theo CHÂN LÝ, thì đang biến thành độc tài và trở thành một thứ “Hitler” thời đại.

Khi đó, các bạn trẻ thân mến, điều gì sẽ xảy ra nêu không phải là HÀNG RÀO TỰ VỆ.  “Tự vệ là chuyện hiển nhiên khi chúng ta đào hào đắp lũy quanh những tư tưởng, ý định của mình. Nó ngăn cản ta đối thoại với người khác trong chân thành, khiêm tốn và lắng nghe”.

Ta nhận ra rằng tình yêu chân thật luôn rộng mở, đón chào. Nó không nhốt kín, nhưng đốt cháy mọi rào cản. Thánh Thần Tình Yêu “đốt nóng cõi lòng… không chuyển giao một quyền lực, nhưng một khả năng để phục vụ trong tình yêu là ngôn ngữ mà mọi người đều hiểu”.

Tuyệt ghê bạn nhỉ. Nếu bạn yêu thương, bạn thông thạo một ngôn ngữ mà ai ai cũng hiểu. Bạn nói được mọi thứ tiếng, chứ không chỉ tiếng Anh hay tiếng Pháp hay tiếng Việt. Ngôn ngữ của mọi người. Như thế, tình yêu hẳn đối nghịch với thứ toàn cầu hóa và đô thị hóa của thời đại hôm nay. Chúng chỉ kiến tạo sự vong thân và “sự tan rã bản thân”. Chúng muốn tìm những “đường tắt” so với con đường của Đức Giêsu trong Giáo hội. Thời đại đề cho tuổi trẻ hôm nay “con đường tắt” của tình yêu, đi liền với “vất bỏ, ly dị, cắt đứt”, không kiên nhẫn, chỉ cần hiệu quả ngay. Xã hội ngày nay muốn có ngay “fast food” để đầy bụng, muốn có “fast love” như thể “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Rốt cục đưa đến thảm cảnh đổ vỡ. Không. Con người không được tạo dựng để làm đổ vỡ tình yêu. Trái lại, giữa những con người đang bị thương, bạn trẻ chúng ta được tạo dựng để mang đến tha thứ và kiên nhẫn, kính trọng và nhân hậu với mọi người (x. Bài giảng cho các Giám mục tại Brasil).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles