Tác giả: Tuấn Anh, SDB
Bốn anh em truyền giáo tại Á tỉnh Zambia (ZMB): Thầy Phó tế Phero Nguyễn duy Khánh, Thầy Martino Nguyễn mạnh Hiền(Thần học năm 3) và hai Hộ trực: JB. Bùi như Cao và Giuse Nguyễn tuấn Anh
Ngôn ngữ của con tim là ngôn ngữ được các nhà truyền giáo sử dụng để hòa nhập vào đời sống của dân bản địa. Ngôn ngữ của con tim chính là thứ ngôn ngữ của hành động dấn thân và sống cho người trẻ. Khái niệm “Ngôn ngữ của con tim” là một khái niệm tôi đã từng được biết đến ở một giới hạn nhất định và giờ đây khái niệm này phần nào rõ nét thông qua thực tế truyền giáo, một năm ba tháng tại Á Tỉnh Zambia (ZMB), một Tỉnh dòng thuộc lục địa Châu Phi. Thực tế truyền giáo đã dạy tôi rằng: Hãy bắt đầu mọi sự bằng con tim và lòng nhiệt thành, để trở nên bạn của giới trẻ nghèo trong sứ mệnh truyền giáo Salêdiêng tại Phi Châu.
ZMB là Á Tỉnh Salêdiêng tại Trung Phi bao gồm bốn quốc gia: Zambia, Namibia, Zimbabwe và Malawi. Mặc dù bao gồm bốn quốc gia, nhưng số hội viên chỉ vỏn vẹn 80 Salêdiêng (kể cả hội viên truyền giáo lẫn bản địa) và 10 tập sinh. Tại đây, anh em Salêdiêng làm việc trong các Trường nghề, Trung tâm trẻ và Giáo xứ. Phải gọi ZMB là một Tỉnh dòng trẻ, vì được khai sinh từ năm 1975, do các Salêdiêng Truyền giáo đến từ Poland.
Anh em chúng tôi, thày Bùi Như Cao và Nguyễn tuấn Anh, đặt chân lên vùng đất truyền giáo này vào ngày 03.10.2013 với quá nhiều bỡ ngỡ và hồi hộp, vì những gì chúng tôi mường tượng trước khi đến đây và những thực tế chúng tôi nhìn thấy, lại hoàn toàn khác hẳn. Nghe, nhìn là một chuyện, nhưng sống lại là chuyện khác. Thực tế cuộc sống truyền giáo quả là khó khăn gấp bội, so với những gì chúng tôi tưởng tượng. Chúng tôi bắt đầu mọi sự bằng con số không, có nghĩa là mọi sự đều mới mẻ và mọi sự đều phải học hỏi. Thoạt tiên, anh em chúng tôi phải khởi sự bằng việc học ngôn ngữ và hòa nhập cuộc sống mới tại hai cộng thể khác nhau. Chùng tôi đã bắt đầu nếm trải cảm nghiệm thế nào là cuộc sống của một nhà truyền giáo, một khởi sự chẳng dễ dàng chút nào.
Trung tâm trẻ và Giáo xứ là cộng thể mới của tôi. Công việc thực sự không có gì phức tạp, sáng đi học, chiều phụ trách trung tâm trẻ. Nghe thì chẳng là gì, nếu như ở bối cảnh Việt Nam, nhưng đây là Châu Phi…..tại Châu Phi, mọi sự đều hoàn toàn khác hẳn. Sự khác biệt đến từ ngôn ngữ, văn hóa và tập quán…nói chung là mọi sự. Việc học ngôn ngữ quả thực là một vấn đề khó khăn đối với tôi, bởi vì Tiếng Anh của Châu phi hoàn toàn khác biệt với tiếng Anh tôi học ở Việt Nam. Cộng thể Salêdiêng của tôi gồm những hội viên có bốn quốc tịch khác nhau: Poland, India, Zambia và Việt Nam. Thực không dễ dàng để đối thoại. Còn tại Trung tâm trẻ lại khó khăn hơn nữa vì giới trẻ chỉ nói ngôn ngữ địa phương……Nói chung, khó khăn đến từ mọi ngóc ngách. Đôi lúc tôi tưởng chừng như muốn bỏ cuộc. Nhưng tạ ơn Chúa vì Ngài đã không để tôi một mình đương đầu với những khó khăn. Tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ nhiều, rồi đến một ngày, tôi tự chất vấn chính mình: Chả lẽ mình lại bó tay, đầu hàng hay sao…?Cầu nguyện rồi suy tư, suy tư rồi cầu nguyện… và cuối cùng một ý tưởng lóe lên trong tôi: Nếu chưa nói được, tôi cứ dấn thân vào công việc, không thể ngồi đó mà than vãn về cuộc đời. Phải làm việc thôi….bắt đầu bằng việc dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, làm vườn… từ việc nhỏ đến việc lớn, nói chung là mọi việc trong khả năng của mình, tôi luôn vui tươi và sẵn lòng. Ngày qua ngày, từng bước một, tôi nhận ra rằng đây là phương thế để hội nhập vào cuộc sống mới.
Trong giai đoạn đầu, Trung tâm trẻ là môi trường giúp tôi vượt qua những căng thẳng về tâm lý, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho cuộc đời tôi. Những trẻ em nghèo và hồn nhiên đã giúp tôi thêm nghị lực vui sống mỗi ngày. Tôi luôn cố gắng trở thành bạn của chúng mặc dù ngôn ngữ trao đổi đôi khi chỉ là cử chỉ điệu bộ, nụ cười, và sự hòa nhập vào các trò chơi, kể cả những trò chơi tưởng chừng như là “crazy”… Tôi đã trở thành bạn của chúng và tôi có thể hiểu chúng bằng con tim của mình, cho dù tôi không biết tí gì về ngôn ngữ chúng sử dụng. Sức mạnh của ngôn ngữ đến từ con tim thật lớn lao biết bao. Tôi hòa nhập với trẻ, dạy chúng đá banh, dạy tiếng Việt, tiếng Tàu, dạy võ…nói chung là mọi thứ, miễn sao cho trẻ vui chơi một cách lành mạnh và bổ ích. Tôi cảm nhận rất rõ lời nhắn nhủ của Don Bosco năm xưa: hãy thích những gì trẻ thích, để rồi các em vâng nghe những điều tốt ta dạy bảo chúng. Nếu bạn có con tim yêu mến trẻ nghèo, bạn sẽ hiểu chúng nói gì, chúng cần gì và bạn sẽ có cách để mang niềm vui đến cho chúng, từ những việc nhỏ nhặt và tầm thường đến những kế hoạch lớn lao trong tương lai. Những trẻ em nghèo tại địa phương đã là nguồn động lực rất lớn giúp tôi thêm phấn chấn và lạc quan, trước những thực tế khó khăn của cuộc đời truyền giáo như khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, mà một hội viên trẻ như tôi đang phải đương đầu. Cuộc đời là một giáo viên tuyệt vời, nó mách bảo tôi điều này: Như một em bé sơ sinh, tôi cần khiêm tốn học hỏi mọi sự với lòng kiên nhẫn bền bỉ. Như một đứa trẻ chập chững bước đi dưới sự dẫn dắt của người Cha, người Mẹ….tôi luôn cần sự dẫn dắt và quan phòng của bàn tay Thiên Chúa, Mẹ Maria và Don Bosco.
Thời gian thấm thoát trôi qua và ngày qua ngày, tôi càng cảm nghiệm rõ hơn sức mạnh ngôn ngữ của con tim, thứ ngôn ngữ của sự kiên trì, khiêm tốn, và nhiệt thành với sứ mệnh. Con tim đã dạy tôi thực hiện những việc nhỏ nhặt với niềm vui và tinh thần phục vụ. Ngôn ngữ của con tim nhắn nhủ tôi rằng: khó khăn và thử thách sẽ giúp tôi trưởng thành hơn, chín chắn hơn trong suy tư cũng như hành động. Ngôn ngữ của con tim đã giúp tôi biết mình và biết người hơn. Thứ ngôn ngữ đặc biệt này mở rộng tầm nhìn của tôi và ban cho tôi một nhãn quan mới. Tôi đến mảnh đất truyền giáo này không phải để làm điều tôi muốn, hay bắt người khác phải theo ý tôi, mà tôi đến để học cách thức làm việc và chung sống với dân bản địa; tôi đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ bằng con tim dành trọn cho trẻ em nghèo của tôi.
Chingola, Zambia, 05.12.2014