Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Ánh Sáng Rạng Ngời Cõi Âm U

Văn Am, SDB

Chuyên đề 3: Đồng Hành

Không khí lạnh đã về. Nó làm se làn da của bạn và của tôi. Thời gian này quả thích hợp để chúng ta chia sẻ với nhau những gì cốt thiết nhất trong cuộc đời. Đối với bạn, đâu là điều cốt thiết. Còn riêng tôi, tôi muốn cùng lập lại với thánh Phaolô, “Đối với tôi sống là Đức Kitô.”
Nhưng không chỉ tôi nói như thế. Cả hàng triệu người Kitô hữu trong những thế kỷ đã qua nói lên như thế. Và gần đây hơn, một con người đã thu hút biết bao con người trẻ cũng xác quyết như thế, không phải chỉ bằng ngôn từ nhưng bằng cả đời sống lẫn cái chết. Tôi muốn nói tới Đức Gioan Phaolô II. Với ngài, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể, đã chiếm trọn tâm tư của ngài. Bạn có thể cùng đi với tôi chút xíu qua những bài giảng rất hay của ngài vào những đêm Giáng Sinh không? Tôi nghĩ rằng mình sẽ kiếm được người đồng hành là chính bạn.
Như một tín hữu, Đức Thánh Cha đã từng đọc và nghe lại những lời ngôn sứ Isaia nói về dân ngồi trong tăm tối đã thấy ánh sáng huy hoàng. Thế nhưng, điều làm ngài khắc khoải không phải là cái gì trong quá khứ, mà ngài còn thấy cảnh sắc ấy trong hiện tại. Kìa, đây những con người lầm lũi trong chiến tranh; kia đói khổ như người bạn thân của hàng triệu người; thất vọng đang đứng chờ ngoài cửa của biết bao người hôm nay. Đối diện với cảnh sầu khổ ấy trên ngai giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô thốt lên: “Trái tim chúng ta trong lễ Giáng sinh này đầy lo âu và buồn khổ bởi vì chiến tranh, những căng thẳng xã hội, và những khó khăn tang thương mà quá nhiều người đang sống trong đó vẫn đang tiếp diễn trong nhiều miền khác nhau của thế giới.” (2001) Những lời này phản ánh bức tranh tang thương và u tối với nhiều chi tiết về thế giới hôm nay đã được miêu tả thông điệp Redemptor Hominis.
Thất vọng đè bẹp ngài? Không. Là tín hữu, ngài nhận diện rõ ánh sáng chiếu soi miền thâm u sự chết như thế nào: “Khi bóng tối và sự dữ dường như ưu thắng, Đức Kitô một lần nữa nói cho chúng ta: đừng sợ! Vì ngài đã đến thế giới ngài khắc phục quyền lực sự dữ, giải thoát ta khỏi nô lệ sự chết và đem chúng ta về lại bàn tiệc sự sống.” (2001). Bạn nghe chăng ánh sáng thật không phải là mặt trời vật lý. Ánh sáng thật là một NGÔI VỊ, yêu thương với trái tim nhân loại. Thế giới bị xâu xé được tặng ban “Đấng được mệnh danh là cha muôn thuở, hoàng tử thái bình, cố vấn kỳ diệu”. Đức Giáo hoàng viết: “Đây là Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi; ngài đến làm đầy trái đất bằng ân sủng.” (2000). Tuyệt diệu! An ủi biết bao! Trái đất đầy ân sủng. Địa cầu ngập tràn ân sủng. Ân sủng đã tỏ lộ. Ân sủng là tiếng nói đầu tiên và cuối cùng của Thiên Chúa cho nhân loại. Ân sủng đi theo suốt chúng ta mọi ngày trong suốt cuộc đời. Giữa thế giới hận thù, ngài đã thốt lên: “Đức Giêsu Đấng Cứu Độ Nhân loại.”
Phải chăng bạn sẽ nói với tôi: ảo tưởng, bịa đặt? Người tín hữu ấy, với biết bao đắng cay phải chịu, sẽ nói với bạn: không đâu. Ngôi vị này không là kết quả của một thứ huyền bí thần thoại. Ngài chẳng hề do thứ giả tưởng và bịa đặt của những trí tuệ thông minh. Ngài là một con người yếu đuối như chúng ta mọi bề ngoại trừ tội lỗi. Đúng là một biến cố-mầu nhiệm; Đức Thánh Cha suy nghĩ: “Mầu Nhiệm: biến cố và mầu nhiệm. Một người sinh ra là Con vĩnh cửu của Cha toàn năng, Đấng Tạo thành trời đất: nơi biến cố phi thường này mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ lộ. Nơi Ngôi Lời đã nên người phàm, phép lạ là Thiên Chúa Nhập Thể đã được tỏ lộ.” (1998). Tôi nói thêm với bạn rằng: một biến cố-mầu nhiệm không bắt mắtchút nào; nó chẳng phô trương và quảng cáo. Nếu ngài có “bắt mắt” thì chỉ ở một bình diện khác, với một con mắt khác. Người tín hữu đó quả quyết: “Đức Giêsu sinh ra trong một gia đình nghèo hèn do những tiêu chuẩn vật chất, nhưng giầu có trong niềm vui. Ngài sinh ra trong một hang súc vật, vì không có chỗ cho ngài trong quán trọ (x. Lc 2:7). Ngài được đặt nằm trong máng cỏ, vì không có nôi cho ngài. Ngài đến thế giới hoàn toàn không người giúp đỡ, không ai biết.” (1998). Chỗ khác, “Mắt các mục đồng thấy một trẻ sơ sinh, được bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ. Nơi “dấu chỉ” đó, nhờ ánh sáng đức tin bên trong, họ nhận biết Đấng Thiên Sai được các ngôn sứ tiên báo.” (1998). Cặp mắt nhìn vào dấu chỉ đó không chớp chỉ có thể là cặp mắt của đức tin. Bạn thấy đúng không?
Nếu thế, biến cố-mầu nhiệm này đâu chỉ trải hẹp trong quá khứ thế kỷ đầu tiên. Nó phủ khắp thời gian lẫn không gian. Đức Giêsu đến giữa chúng ta như là trung tâm của lịch sử; với Ngài, lịch sử mặc một chiều kích mới, một ánh sáng mới. Nghĩa là gì, bạn sẽ hỏi tôi chăng? Cùng với người tín hữu Gioan Phaolô II, tôi trả lời: theo cách thức chính TC viết lịch sử bằng cách đi vào đó. “Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại và rong ruổi khắp nẻo đường của trái đất này để làm cho mọi người trở thành con cái của Thiên Chúa.” (1999). Trong mầu nhiệm này, “nhân loại đạt đến đỉnh điểm của tiếng gọi của mình. TC trở thành người để cho con người tham dự vào chính thần tính của Ngài.” (1999) Thiên Chúa phá tan tảng băng của lạnh lùng và dửng dưng để mời gọi con người “đến mà xem và ở lại với Ngài”. Quả thế, lịch sử khô cằn và chết chóc của con người với những lũng đoạn của tự do đã trở thành lịch sử tuôn chảy một dòng sông ân sủng lênh láng mà ta không thể thấy bến bờ.
Nghĩa là sao? Đức Gioan Phaolô II cho ta một trực giác thiêng liêng nhưng hiện sinh: biến cố-mầu nhiệm này ghi dấu sự khởi đầu mới của lịch sử. Hôm nay “Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng tôi” (Ga 1:14). Hôm nay, tối nay, thời gian đã mở tới vĩnh cửu bởi vì lạy Đức Kitô, ngài từ trên cao mà đến đã sinh ra giữa chúng tôi. Ngài đã sinh ra từ lòng của một người Phụ nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ, ngài là “Con của Đấng Tối Cao”. Một lần mà vĩnh viễn, sự thánh thiện của ngài làm cho tất cả thời gian nên thánh thiện: từng ngày sống, các thế hệ, các kỷ nguyên. Nhờ ngài sinh ra, ngài đã biến thời gian thành “ngày hôm nay” của ơn cứu độ.” (1999). Tôi cảm động trước chân lý này. Bạn có nhận ra điều gì sau đó không? Kìa, những đơn điệu hằng ngày mà con người những buồn nôn không còn nữa. Trái lại, chúng thành những bậc thang đưa tới thiên đàng, đưa tới Thiên Chúa. Chiếc thang bắc tới trời lại chống chân trên mặt đất (x. Ga 1:51; St 28:13-19). Bổn phận dẫn tới thánh thiện. Đơn điệu thành ý nghĩa của sự tín trung. Vậy, “mầu nhiệm Bêlêm, mầu nhiệm của một đêm khôn sánh, theo một nghĩa, ở trong thời gian và vượt qua thời gian. Từ lòng Đức Nữ Trinh một Hài nhi sinh ra, một máng cỏ trở thành chiếc nôi của Sự Sống vĩnh cửu.” (1999).
Nếu vậy, này bạn, sao bạn còn ngần ngại đến với Đức Giêsu là cửa vào duy nhất để gặp được hạnh phúc tròn đầy; bạn không thể gặp được sự sống sung mãn, ân sủng không bao giờ cạn, tình yêu không hề tàn tạ ở một ai khác đâu. Trong chuyện này, thế gian và sự kiêu ngạo của con người luôn đánh lừa bạn đó. Quả vậy, Ngài chính là “cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát.” (GS 45). Bạn hãy tin tôi đi: con người sẽ chỉ tạo nên hỏa ngục nếu đã không có Ngài; con người sẽ như lang sói với nhau nếu chối bỏ Ngài. Ngược lại, hôm nay bạn hãy tiến vào nhà thờ với một ý nghĩa thâm sâu. Đó là hành vi bạn cùng dân Chúa “tiến vào qua Cửa này, vốn biểu thị chính Đức Kitô. Thật thế, chỉ mình ngài là Đấng Cứu Độ, được Chúa Cha sai đến; ngài có thể làm chúng ta bước từ tội lỗi tới ân sủng, mang chúng ta tới sự hiệp thông tròn đầy vốn kết hiệp Ngài với Chúa Cha trong Thánh Thần.” (1999). Vậy, Bêlem không còn phải là nghèo nữa, nhưng rất giầu ánh sáng và bình an, vì nơi đây thú vật không còn làm hại nhau, các dân tộc tìm nhau gặp gỡ, và mục đồng và hiền sĩ cùng quì gối tôn thờ Thiên Chúa. Tôi mong bạn hãy nguyện cầu: “Lạy Chúa Giêsu chúng con chiêm ngắm ngài trong sự nghèo nàn của Bêlem, xin làm cho chúng con nên những chứng nhân cho tình yêu của ngài vốn khiến ngài lột bỏ khỏi mình chính vinh quang thần linh, hầu được sinh ra giữa chúng con và chết vì chúng con.” (1999). Chỉ từ ân sủng này chúng ta mới có sự bình an. Chỉ có sự bình an của ân sủng mới vĩnh cửu. Không có nền tảng này mọi sự bình an chỉ là giả tạo.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles