(Hà Hiến, Chuyển ngữ từ Random Acts of Kindness)
Một người mẹ Do thái thuộc gia đình Weinberg sống tại Baltimore tên là Chana Weinberg, vừa mới qua đời vào tháng Một năm năm 2012. Lễ an táng của bà được tổ chức kéo dài suốt 7 ngày theo tập tục của người Do Thái. Hàng trăm người đã đến chia buồn với gia đình.
Bà Chana là một người phụ nữ phi thường, ngoài ra bà còn là vợ của Rabbi Yaakov Weinberg, ông là Trưởng khoa tại trường Cao đẳng Ner Israel Rabbinical Baltimore – một trường Trung học và Cao đẳng Do Thái nổi tiếng với hơn 950 học sinh.
Trong lúc thăm viếng, một cặp đôi trạc tuổi sáu mươi bước vào và ngồi xuống cùng nhau trước những người thăm viếng khác. Người chồng là người được biết đến nhiều trong cộng đồng đã kể lại câu chuyện sau, liên quan đến người quá cố.
“Cha của tôi là người sống sót sau nạn diệt chủng Do Thái. Ông làm nhân viên bảo trì tại một trường nữ tại Baltimore. Ông vốn tính gắt gỏng và cay nghiệt, luôn tìm ra những điểm xấu của người khác và trong mọi tình huống. Ông sẽ thường tuôn ra những lời mắng nhiếc. Học sinh và các nhân viên nhà trường đều hiểu rằng sự biểu hiện của ông là do ảnh hưởng của quá khứ đau buồn, giống như những người Do Thái khác trong các trại tập trung thời ấy, nên hiếm khi họ để tâm đến những lời lăng mạ của ông. Họ hiểu rằng điều ấy sẽ rất khó để thay đổi.
Ngày nọ, cha tôi đem tôi đến trường và nhờ tôi làm vài việc vặt cho ông, nhưng lúc ấy tôi mới chỉ mới bốn tuổi. Thấy tôi chẳng giúp gì được, cha tôi liền lên tiếng cằn nhằn và ông gọi tôi là thằng bè khờ khạo. Lúc ấy, bà Weinberg chợt đi ngang qua và nghe được những lời chỉ trích ấy. Bà đi tới và hỏi cha tôi rằng bà có thể mượn tôi để giúp bà một số việc trong phòng học được không.
- Tôi chả biết tại sao cô lại cần một thằng dốt như nó. Nhưng nếu cô cần nó thì cứ việc đem nó theo – Ông trả lời.
Bà Weinberg cầm tay tôi và dẫn đi. Chúng tôi đi ngang qua dãy phòng vệ sinh nữ và bà đưa tôi vào trong. Bà bế tôi lên bệ rửa tay và chúng tôi đứng cạnh nhau hướng về gương.
- Cháu thấy gì? – Bà Weinberg hỏi.
- Cháu thấy mình đang đứng cạnh cô – Tôi trả lời.
- Nhìn lại đi, cháu thấy gì? – Bà lại hỏi, vẻ nhân hậu.
- Cháu thấy một thằng bé – Tôi rụt rè nói.
- Cháu thấy một cậu bé như thế nào? – Bà tiếp tục hỏi.
- Cháu thấy một thằng bé ngu ngốc, thằng bé hậu đậu, thằng bé hư hỏng – Tôi buồn bã trả lời.
- Ồ, thật là thú vị. Nhưng cô đâu có thấy như thế nhỉ. Này xem, cô Weinberg thấy ai? Cô thấy một cậu bé khôi ngô tuấn tú, một cậu bé ngoan và dễ thương – Bà Weinberg nói với giọng sôi nổi và chân thành.
Tự nhiên, khuôn mặt tôi trở nên tươi rói, hạnh phúc ngay trong khoảnh khắc ấy.
- Cô thấy một cậu bé rất thông minh. Và hơn hết, cô thấy một chàng trai tốt – Bà nói tiếp.
Sau đó, bà Weinberg lấy trong túi ra một chiếc gương gập nhỏ – loại gương trang điểm, một tờ giấy và cây viết. Bà ghi vào tờ giấy và kẹp vào gương, trên giấy có dòng chữ: “Cô Weinberg thấy điều gì?”.
Kể đến đây, người đàn ông trịnh trọng nói: “Vâng thưa quý vị, đó là câu chuyện đã xảy ra với tôi ngày trước, liên quan đến bà Weinberg. Với tôi, bà Weinberg thật ý nghĩa. Tôi đã đem theo chiếc gương của bà Weinberg trong mọi lúc mọi nơi. Và mỗi lần mà tôi nghe phải những lời nói xúc phạm hay làm chạnh lòng, thì tôi liền lấy chiếc gương ra, đọc lại dòng chữ mà bà Weinberg đã viết cho, rồi nhìn vào gương. Tôi chẳng thể bị lay động vì tôi tự tin rằng tôi là một người chân thật; một chàng trai tốt. Tôi đã không bao giờ cáu giận nữa”.
Người đàn ông kết thúc câu chuyện, luồn tay vào túi và lấy ra một chiếc gương trang điểm nhỏ. Ông mở nó ra. Bên trong là một mảnh giấy. Nếu nhìn kỹ, bạn có thể nhìn thấy dòng chữ mờ mờ: “Cô Weinberg thấy điều gì?”
Avi Steinfeld