Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Ngày Không Nhà

Tác giả: Huy Khiêm, SDB

Teenager with smartphone and copy space

Nằm ườn trên chiếc trường kỷ, hai chân gác cả lên thành ghế, Di không rời mắt khỏi cái Iphone. Dù cổ nó đã mỏi nhừ, nhưng mấy ngón tay cứ lia lịa nhấn quẹt vào cái màn hình. Chỉ mới vài tháng, Di đã dễ quên đi những chuyện xảy ra xung quanh, để chăm chú vào thế giới vô tận của cái máy thần kỳ kia.

Bà Tư – mẹ Di – cứ lâu lâu lại gọi với lên: “Di ơi! Má nhờ!” Di thừa biết má muốn nhờ cái gì, nên nó chỉ đáp lại vài tiếng lừng khừng: “Dạ, con biết rồi!” Thế là nó quên ngay và tiếp tục nhấn nhấn, quẹt quẹt.

Những ngày trước đây, ngôi nhà này chưa bao giờ xảy ra những cảnh như thế. Sáng nào Di cũng quét nhà, dọn dẹp, phụ má chuẩn bị bữa sáng. Hai mẹ con trò chuyện rôm rả, cười đùa và có lúc còn hát với nhau nữa… Giọng bà Tư réo lên:

Má dọn xong rồi! Ăn lẹ còn đi học.

Không một tiếng đáp lại. Tỏ vẻ không vừa lòng, bà Tư bước nhanh lên nhà, bà không chịu nổi cái cảnh trước mặt.

– Nằm như thế à! Mày có còn là con gái không hả? Có mau xuống ăn…

Di vẫn không nhúc nhíc, nó để tia mắt trôi theo những chuyển động của màn hình, cho đến lúc giọng bà Tư gắt lên:

Tao đập ra bây giờ!

Di chồm dậy, gạt mớ tóc loã xoã che hết khuôn mặt, nó gằn giọng:

Ôi giời!!!… khó tính, khó nết!

– Tao khó tính cũng đẻ ra mày! Có xuống ăn ngay đi không? Kỳ này khó dạy lắm rồi!

Như có trực giác, Bà Tư nhận ra những khó khăn phải đối diện. Nhìn Di vừa đi vừa vùng vằng giận dỗi, bà Tư lo quá. Mà đúng thật, chưa ngồi vào bàn Di đã lẩm bẩm:

– Lại bún mắm, lúc nào cũng chỉ bún mắm khô! Con không ăn. Má thích thì ăn hết đi.

– Ơ hay con này, mày vừa học được thói hỗn láo ở cái điện thoại đó hả? Không ăn thì cút! Đồ mất dậy!

Thế là bà Tư chẳng còn giữ được bình tĩnh, những lời xưa nay bà chưa từng nói, giờ đây cứ chảy tuột ra, nó tựa những tiếng sấm xoáy vào tai. Còn Di, tự ái nổi dậy, chạy vù ra ngồi trước hiên nhà mà khóc rưng rức. Nó giận má quá! “Sao má lại nặng lời với nó như thế chứ? Chắc tại má không còn thương nó nữa!” Xen lẫn sự căm phẫn, trăm câu hỏi cứ thế ùn ùn xuất hiện trong trí nó, rồi nó nhận ra: “Má hà tiện, má cổ hủ, má khó tính, má ghét nó, má đuổi nó cút, đã thế nó cút luôn cho mà biết.” Nghĩ vậy, nó nhổm dậy, đập nát con heo đất, vơ vội mấy bộ quần áo…, nhồi tất cả vào cái ba-lô ngày ngày vẫn dùng để đi học. Nó cút. Cút thật. Cút để khỏi phải nghe những lời má nói. Mấy đứa bạn của nó vẫn thường “xử” như thế đấy. Chẳng có gì mà sợ.

***

… Chiều ngả bóng, người ta đi làm về, xóm trọ trở nên ồn ào. Di vẫn nhốt mình trong căn phòng nhỏ. Nó đắc ý về nơi ở mới. Từ lúc ra khỏi nhà, Di thấy những phiền toái đến từ má đều được trút bỏ. Một buổi sáng và một buổi trưa thật tuyệt vời. Không có ai giục giã nó học…, thật là dễ chịu. Khỏi phải nghe má càm ràm, lảm nhảm… thật là dễ chịu, thích ăn gì thì chỉ cần đưa tiền cho người ta là có ngay, mà ăn xong lại khỏi phải dọn rửa… thật là dễ chịu.

Nhưng đằng sau cảm giác dễ chịu ấy, có điều gì đó không rõ ràng mà Di chưa thể nhận ra. Dường như nó đang cố tạo cho mình sự thoả mãn, vì nó không thể đuổi khỏi mình những hình ảnh về má nó. Nó nghĩ thầm: “Giờ này chắc má cũng đang khốn khổ, chắc má đang cuống cuồng, hoang mang, kiệt sức vì cả ngày hôm nay lo lắng tìm nó.” Nhưng rồi nó vung tay thở mạnh thành tiếng: “Vớ vẩn!” Nó quăng cái điện thoại, đứng dậy, đóng sầm cửa và đi thẳng ra cái quán nhỏ ngay cạnh xóm trọ, định sẽ gọi một tô phở nhưng lại buột miệng kêu:

– Cho cháu bún mắm nhé!

Chính nó cũng không hiểu tại sao lại kêu bún mắm. Thực ra thì nó thích bún mắm, thích từ nhỏ. Đó là lý do bà Tư thường xuyên nấu món này, chứ ngán bún mắm thì bà Tư đã ngán từ lâu rồi… Tô bún cuối cùng cũng được đem ra, lõng bõng nước, hai miếng đậu khuôn bằng ngón tay, loe ngoe mấy lát thịt mỏng như tờ giấy nổi bồng bềnh.

– Em vui lòng trả tiền luôn đi ạ!

– Vâng, bao nhiêu vậy chị?

– 45 nghìn.

Di định nói gì đó, nhưng lại thôi. Nó moi tất cả số tiền còn lại. May quá đủ tiền! Giờ nó mới cảm thấy may! Nhìn tô bún nóng hổi, bốc khói lạnh lùng, Di nhận ra ngay những khác biệt: “Không giống bún má nấu, sao bà chủ hàng hà tiện vậy? Sao bún gì mắc vậy?…” Tâm trí nó ngổn ngang những so sánh: Ở nhà và ở đây, má nó và bà chủ hàng, mắc và rẻ… những điều đó choán hết cả con người, nó không còn chỗ để nhận ra vị mắm mặn chát của tô bún nó đang cố nuốt vì tiếc tiền. Mai nó sẽ ăn gì? Mà lấy tiền đâu để mua. Bao nhiêu cảm giác dễ chịu hồi sáng bỗng quay phắt lại phản bội nó.

Di lang thang trên vỉa hè, nó cố tình đi chậm, mà thực ra nó chẳng thể đi nhanh hơn, do cái cảm giác chẳng hề dễ chịu đang xâm chiếm nó. Di nhận ra sự ngu dại. Nó mất nhiều quá! Một ngày không nhà mà chiều về cuộc đời nó bỗng trở nên kinh hãi. Nó đã thoát khỏi má để đi tìm sự thoải mái, tự do. Nhưng bây giờ xa má, không nhà nó thấy chẳng dễ chịu chút nào. Nó chợt thấy có lỗi với má, nó không ghét má nữa, nó ghét chính mình, ghét cái nông nổi ích kỷ của mình. Nó hối hận.

Đêm xuống, giờ phút cuối cùng của cái ngày hằn sâu một kỷ niệm: Ngày không nhà. Đêm là lúc người ta trở về bên cạnh người thân, thế mà Di vẫn lang thang. Có tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi, một đám người vây quanh chiếc xe. Tiếng khóc nấc của một phụ nữ, có lẽ là mẹ của người bị nạn, khiến Di thảng hồn. Hai mắt nó cay xè, nước mắt lúc này mới đủ sức trào ra, nó cắm đầu chạy thật nhanh về cái phòng thuê tạm. Nó chụp lấy cái Iphone, cái Iphone từng là nguyên nhân làm nó quên hẳn nỗi lo lắng, tình yêu và sự vất vả của má. Nó đã chẳng còn hứng thú với cái Iphone từ hồi chiều. Cái Iphone thần kỳ giờ đối với nó chỉ còn một tác dụng duy nhất.

Đêm đó, có người trong xóm trọ thấy một cô bé nghe điện thoại, vừa chạy vừa ghẹn ngào trong nước mắt, những lời thốt ra không đủ hơi: “Má!… Con xin lỗi, con đang về! Má để cửa cho con.”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles