Sunday, December 22, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Bắt Đầu Lại

Tác giả: Nhật Tâm

“Ai nên khôn không khốn một lần?”, đang khi bản thân đang ngã quỵ và tìm cách vươn lên, tôi bắt gặp trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu một sự đồng cảm. Thì ra, chẳng phải chỉ mình tôi, chẳng phải chỉ có những người trẻ gặp những cơn dập dụi của cuộc sống, mà dường như đó chính là số phận của con người!
Không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm, tôi được khích lệ “Dậy mà đi!”. Trong bài thơ, lời mời gọi “Dậy mà đi!” thôi thúc người ta chỗi dậy, đứng lên, làm lại từ đầu. Còn trong tâm lý, người ta bàn đến khả năng đàn hồi, phục hồi, hay đơn giản, khả năng bắt đầu lại. Đây là một khả năng hết sức kỳ diệu nơi con người và thiên nhiên, mà trong chiều sâu hơn, người ta bắt gặp cái động cơ thúc đẩy: Lòng yêu sự sống.
Tuy động cơ này tồn tại nơi mỗi con người, nhưng nó cần được khơi dậy, được đào xới lên, được luyện tập… nhờ sự đồng hành của người lớn, những người có kinh nghiệm trong cuộc sống. Nếu theo dõi tin tức hàng ngày, chúng ta gặp không ít người trẻ dễ dàng để mình “rơi tự do” trong những thất bại. Và các em hành xử thế nào trước khó khăn hay thất bại? Thường thì các em có khuynh hướng tìm cách giải quyết những thất bại bằng các trò tiêu khiển, bằng rượu bia, ma túy, sống ảo với mạng thông tin, nhậu nhẹt… Không thiếu những câu chuyện thương tâm về một thiếu niên nào đó đã chọn tự kết thúc cuộc sống của mình mà nguyên nhân chỉ là do không vượt qua được một vài thất bại liên quan đến tình yêu đầu đời, đến vấn đề học tập hay sự nghiệp…
Đứng trước tình trạng này, những nhà giáo dục chúng ta không nên chỉ dừng lại ở nhận định: “Tội nghiệp những người trẻ này. Chúng không có kỹ năng sống nên đã có những quyết định dại dột…”, mà quan trọng hơn, cần bắt tay ngay vào việc giúp các em biết cách giải quyết tích cực, hay cụ thể hơn, là huấn luyện cho các em khả năng tự phục hồi, biết bắt đầu lại sau mỗi lần thất bại hay vấp ngã.


Chuyện từ cuộc sống


Cách đây tròn 10 năm, tôi có cơ hội làm việc trong một mái ấm dành cho các em nữ từ 7 đến 15 tuổi. Ở đây tôi đã gặp H., một cô bé 12 tuổi. Em đã từng đi bán vé số và ngủ trên ghế đá của công viên nhiều đêm. Em rất nhanh nhẹn, hoạt bát, và tất nhiên cuộc sống trên hè phố cũng làm cho tính tình em trở nên cứng cỏi đôi khi rất cục cằn. Việc học viết đối với H. là cả một cực hình. Em cảm thấy rất khó khăn vất vả để uốn những ngón tay theo những nét chữ. Nhiều lần vì bất nhẫn, H. bẻ bút, quăng tập vở và khóc ròng. Những lúc như thế, tôi hiểu trong lòng em lúc này đang diễn ra một cuộc chiến nội tâm.
Gặp em, tôi chỉ nói một tư tưởng duy nhất: “Con có thể bắt đầu lại”. Ngày tháng qua đi, lời này dần cho em một chọn lựa sống: Khi gặp bất cứ chuyện gì khó, em tìm đến tôi hoặc ai đó để tâm sự, tìm hiểu sự việc rồi tìm cách điều chỉnh, làm lại với sự nỗ lực hiếm thấy. Một hôm, trong khi tham dự thánh lễ dành cho thiếu nhi, cha phó hỏi tất cả: “Khi gặp thất bại, chúng con sẽ làm gì?”. Có nhiều ý kiến, nhiều câu trả lời nhưng cha phó vẫn còn đang chờ đợi một ý tưởng khác. Tôi ngỡ ngàng khi thấy H. giơ tay phát biểu. Với giọng nói chắc chắn và từng trải em nói: “Thưa cha, con sẽ bắt đầu lại”. Một tràng pháo tay thật lớn từ cha phó và từ tất cả mọi người dành cho em.
Đã 10 năm trôi qua, câu trả lời của bé H. luôn như một giai điệu quen thuộc vang vọng trong tôi. Mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại, tôi thường tự nhủ: Tôi sẽ bắt đầu lại. Vâng, tôi đã luôn bắt đầu lại với nguồn nội năng tiềm ẩn ở trong tôi. Và kinh nghiệm sống cho tôi thấy: Sau đêm tối là một ngày mới, và “Ngày mai mọi sự sẽ đổi mới”, chính xác tín này làm cho tôi luôn hy vọng vào mình và vào người khác.


Khả năng đàn hồi – bắt đầu lại là gì?

Khả năng bắt đầu lại còn được gọi là khả năng tự hồi phục bản thân trong những hoàn cảnh khó khăn hay thất bại. Khả năng này mỗi ngày một gia tăng nhờ được đồng hành hướng dẫn của người lớn, và nhờ sự kiên trì vượt lên trên chính mình của mỗi cá nhân. Một yếu tố rất quan trọng làm nên khả năng này đó chính là sự tin tưởng vào nguồn năng lực có trong chính bản thân. Để phát triển khả năng này chúng ta cũng rất cần đến người khác, những người có khả năng cổ vũ cách đúng đắn sự vươn lên của chúng ta trong những lúc cần, những người không tỏ ra suy sụp và thất vọng với những thất bại của chúng ta khi chúng ta vẫn còn trong cuộc chiến đấu để về đến đích.
Nếu nhà giáo dục muốn giúp người trẻ, nhất là tuổi Teen phát triển khả năng này, xin lưu ý vài đề xuất sau đây:


Xây dựng niềm tin vào cuộc sống


Thông thường, khi gặp khó khăn hay thất bại thì cảm xúc buồn chán, bế tắc thường phong tỏa tâm trí chúng ta. Lúc này, khả năng nhìn nhận vấn đề không còn sáng suốt, đặc biệt người ta khó nhận ra những nguồn lực có thể hỗ trợ mình cả bên trong cũng như bên ngoài. Trước mặt họ chẳng có gì ngoài sự chán chường, xuống tinh thần, và dễ dàng kết luận: “Thế là hết!”.
Để giúp người trẻ xây dựng niềm tin vào cuộc sống, nhà giáo dục phải từng ngày đồng hành và chỉ cho em những điều “kỳ diệu nhỏ bé” em có thể làm, những thành công của em trong thái độ sống đẹp với những người chung quanh. Việc chỉ ra cho các em những “ân huệ” nhận được cũng rất quan trọng để em nhận ra “đâu chỉ có mình em”, rằng em luôn có biết bao “Thiên thần” âm thầm bên cạnh để giúp đỡ. Luôn biết đặt niềm tin vào cuộc sống, luôn nói với chính mình là tôi có thể bắt đầu lại cũng là một yếu tố rất quan trọng để vượt qua giây phút khó khăn và gia tăng khả năng thành công hơn.


Nâng cao khả năng tự phục hồi


Nhà giáo dục có thể nâng cao khả năng tự phục hồi cho con trẻ bằng cách giúp các em biết đợi chờ. Khi các em không làm được cái gì, chúng ta không nên ngay lập tức nhảy vào để đỡ đần, làm thay thế. Hãy cho em có những cơ hội để làm lại, tự chính mình.
Nhiều khi, những nhà giáo dục chúng ta cũng phải dám chấp nhận để con cái hay học sinh của mình chỉ đạt được một kết quả tương đối, nhưng các em sẽ có cơ hội được sử dụng chính nguồn năng lực của mình. Vì vậy, cha mẹ và các nhà giáo dục không nên chỉ hài lòng với những kết quả hoàn hảo nhưng hãy đánh giá những gì các em đạt được bằng sự cố gắng của mình.

Giúp con trẻ có cái nhìn tích cực.

Thông thường, người ta dễ nhìn thấy những mặt tối và những điều không hài lòng. Chỉ những người có kinh nghiệm đẹp về cuộc sống, hạnh phúc, cảm thấy mình thực sự được yêu thương mới dễ có ánh nhìn tích cực và thiện cảm vào cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ hay nhà giáo dục hãy đừng ngại vun trồng “Hạt hy vọng” trong từng lối suy nghĩ, lối hành xử và lời nói của các em. Don Bosco nói: Một trái táo dù hư hỏng, vẫn có những hạt tốt, và chính từ những hạt tốt này hứa hẹn cho chúng ta một vườn táo trĩu nặng.
Lối nhìn tích cực “trong cái rủi luôn luôn có cái may” sẽ giúp cho trẻ luôn sống trong tâm trạng lạc quan. Thay vì đặt nặng trên những cái gì sắp hết thì hãy nhìn những cái gì vẫn còn. Chính cái nhìn tích cực và lạc quan là những đồng xu hy vọng cuối cùng có thể làm đổi thay tâm trạng và giúp cho người khác biết vươn lên trong những lúc khó khăn và thử thách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles