Tác giả: Thanh Huyền
- Thu này, năm nay Khoa không đi học nữa. Cậu đi học một mình nhé!
Nhìn khuôn mặt đầy quả quyết của Khoa, kèm cả một hành trình đấu tranh dài với người cha của cậu, Thu không nghĩ cậu bạn thân đang đùa giỡn.
- Sao thế? Cậu không biết đây là năm cuối rồi sao? Năm năm mà cậu cứ xem như chuyện đùa!
- Ừ, năm năm còn hơn là mất cả đời!
Khoa nhìn xa xăm, một tay tiếp tục vân vê hòn đá vừa lượm được ở thảm cỏ gần đó. Bất chợt, cậu giơ tay ném, hòn đá văng ngang, rơi tõm xuống mặt nước tạo nên những vòng tròn lan rộng rồi tắt hẳn. Hòn đá chìm hẳn như điềm báo cho ước mơ khép lại.
************
Thu và Khoa học chung với nhau từ cấp ba. Cả hai học khá tốt. Trong khi Khoa nổi hơn về các môn tự nhiên thì Thu lại chắc về lý thuyết Sinh học và các môn xã hội khác. Có lẽ vì sự khác biệt đó mà đôi bạn thân nhau, rồi kèm nhau học để cùng vào Đại học.
Thu thích học y khoa do ba mất sớm vì căn bệnh ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn cuối. Từ đó cô nuôi ước mơ trở thành bác sĩ, để có thể tự chăm sóc sức khỏe cho người thân. Còn Khoa, con nhà nòi bác sĩ nhưng lại muốn trở thành kiến trúc sư. Khoa có năng khiếu vẽ, cậu vẽ rất đẹp. Mười ngón có vân hoa tay tròn xoe đã vẽ nên nhiều tác phẩm khiến ai cũng trầm trồ. Nhưng cuộc sống không luôn êm trôi.
Ba của Khoa là một bác sĩ nổi tiếng. Ông đã từng du học chuyên ngành nên có một chỗ làm vững chắc: trưởng khoa Tim mạch của bệnh viện tuyến trung ương trong thành phố. Mẹ Khoa làm nội trợ trong gia đình. Khoa là con trai một nên hầu như ba Khoa gieo mọi ước mơ vào cậu. Ba bắt Khoa phải đăng kí vào trường Đại học Y dược Tp.HCM. Ông nói đó là con đường tốt nhất vì Khoa học giỏi, lại có ba đỡ đầu nên con đường tiến thân rất thuận tiện. Biết không thể cãi lại lời ba, Khoa im lặng nghe theo. Nhưng song song, cậu vẫn nộp hồ sơ vào trường Kiến trúc. Trớ trêu thay, ngày ấy Khối B và Khối V thi chung ngày, nghĩa là thí sinh dự thi chỉ được quyền lựa chọn một trong hai trường. Rồi cũng chẳng biết từ đâu mà ba của Khoa biết cậu ghi danh thi Kiến trúc, ông vào phòng Khoa, bẻ hết mọi bút vẽ, đập nát những hộp màu và bảng vẽ của cậu. Ngày thi, đích thân ông chở Khoa đến điểm dự thi khối B, rồi ngồi đợi cho đến khi cậu bước chân ra khỏi cổng để đón về.
Khoa đậu vào trường y với số điểm khá cao. Thu cũng đậu đại học. Ai cũng mặt mày hớn hở, tươi rói vì bước chân vào ngôi trường mơ ước. Chỉ có Khoa mặt dàu dàu như đưa đám. Câu nói cửa môi của cậu luôn là “Chán!”.
Thời gian cứ êm trôi, Khoa vẫn thi đậu, vẫn lên lớp như bao sinh viên khác. Tuy nhiên, cậu chẳng có gì là hứng khởi, lúc nào cũng như kẻ “thất chí”. Không có gì để phấn đấu, bảng điểm của Khoa chỉ ở mức trung bình, đôi khi có môn thấp lè tè. Khoa muốn chứng minh với ba rằng cậu không phù hợp với nghề y. Tuy nhiên khi cậu đưa ba xem bảng điểm, ông chỉ nhìn rồi điềm nhiên nói: “Miễn sao có cái bằng ra trường là được, không quan trọng điểm số, đằng nào ba cũng có cách lo!”.
***********
Đã 2 tuần kể từ ngày nhập học, Khoa vẫn không đến lớp. Nhìn cái ghế trống trải bên cạnh, Thu bỗng thấy buồn. Gọi điện thoại hoài mà không liên lạc được, cô bắt đầu lo lắng. Chiều tan học, Thu chạy qua nhà Khoa.
Ngôi nhà kiên cố, im lìm, tách biệt với không gian bên ngoài bởi cánh cổng màu xanh đậm. Sau hai hồi chuông, mẹ Khoa ra mở cổng, mắt sưng húp. Thấy Thu, mắt bà ánh lên niềm vui. Kéo tay Thu vào phòng khách, bà thủ thỉ về câu chuyện của hai người đàn ông.
- Thằng Khoa nhất định không đi học nữa con ơi. Nó với ba nó gây gổ với nhau suốt hai tuần nay. Nó đòi thi vào ngành kiến trúc và học lại từ đầu. Con thấy có được không, 5 năm đổ sông đổ biển. Chỉ còn một năm nó cũng không chịu cố, thật là dở người. Bao nhiêu người mơ ước như nó mà không được. Còn ông bố thì tối nào về tới nhà cũng ầm ầm với nó. Rồi bây giờ cả hai lại bắt đầu chiến tranh lạnh. Bác đau quá con ơi… Mà cũng tại ông ấy, cứ ép người quá đáng mới nên nông nỗi này!
Thu chạnh lòng, nắm đôi tay của bà khẽ nói: “Dạ, để con lên phòng xem Khoa sao hen bác!” Nói rồi, Thu bước lên cầu thang.
- Cậu sao rồi? – Thu nhìn khuôn mặt phờ phạc thiếu ngủ của Khoa. Chắc là cậu ấy đã trầm mình trong game như thói quen mỗi lần bị stress.
- Ổn! – Khoa cộc cằn trả lời.
Thu nhìn thẳng mặt bạn, vừa thương vừa giận: “Ổn sao?”, Thu cầm cái gương để trước mặt Khoa nói: “Xem này, ai đang hủy hoại đời mình kìa?”. Nhìn thẳng vào mặt Thu, Khoa gằn giọng: “Thà mình chết. Chứ khám bệnh mà không thích, không có cái tâm thì có khác gì đi giết người! Nghĩ đến cảnh gặp bệnh nhân, khám, cho thuốc… thật, Khoa chỉ muốn tự tử cho rồi. Thu thích nó, Thu hứng thú với nó, còn với Khoa nó chẳng khác gì địa ngục. Sống như thế thật là đáng sợ, vô nghĩa!”.
Thu chẳng biết làm gì, hai đứa ngồi im lặng nhìn ra cửa sổ, ánh chiều tà bắt đầu tắt dần. Đứng dậy, thu buông thõng một câu: “Tớ về đây, hy vọng cậu biết tự lo cho mình”. Ra khỏi phòng, cô bắt gặp ba Khoa, khuôn mặt ông mệt mỏi kèm những nếp nhăn trên trán. Thu cúi đầu chào ông, ông gật đầu nhẹ rồi bước vào phòng của mình. Rầm, tiếng sập cửa vang lên, chẳng biết từ phòng ai giữa hai người đàn ông, nhưng dẫu sao cũng tốt vì ít nhất nó cũng là tiếng nói gióng lên giữa trận chiến tranh lạnh. Chạy xe trên đường mà lòng Thu nặng trĩu, bộn bề những nghĩ suy…
Một tuần sau, Thu nhận được cuộc điện thoại từ Khoa. Đầu dây không còn là tiếng thở thườn thượt, nhưng thay vào đó là giọng nói ríu rít, rộn niềm vui: “Nghe này, tin mới. Thắng rồi!”. “Cậu lại sinh tật cá độ à?”, Thu bực mình hỏi. “Ê, có tin không, Khoa sẽ thi vào Kiến trúc!”, Khoa hớn hở nói. Mặc dù đã tin nhưng Thu vẫn trêu: “Không tin! Đừng mong quá hóa cuồng”. Nhưng đúng là thế. Lần đầu tiên Khoa trở lại là mình sau 5 năm vong thân.
Ước mơ thật không bao giờ chết! Cuối cùng thì ba của Khoa đã hiểu ra. Sự nhường bước của ông trở thành bài học lớn cho Khoa về tình yêu chân thật. Và Khoa tuy mất 5 năm nhưng học chắc chắn con đường cậu đi giờ đây sẽ chín chắn, đầy thông cảm và kiên trì. Thời gian là thày kiểm tra tốt nhất xác định đâu là ước mơ thật, đâu là ước mơ giả. Vâng, ước mơ thật không bao giờ chết!