Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Đi Tìm Một Giải Pháp

Tác giả: Gs. Võ Phá

Trước ngày 30/4/1975, các trường trung học ở miền Nam gồm đến 7 cấp lớp, từ lớp 6 đến lớp 12. Học sinh cùng học trong trường có độ tuổi chênh lệch nhau nhiều, nên việc giáo dục khá phức tạp. Công tác quản lý và giữ gìn nề nếp trong trường được giao cho 2 phòng đảm nhiệm:

1/ Phòng học vụ, đứng đầu là giám học với 1 hay 2 thư ký,

2/ Phòng học sinh vụ, đứng đầu là tổng giám thị với vài giám thị.

Năm tôi được bổ về làm giám học thì nhà trường vừa trải qua một sư xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến ý thức kỷ luật của học sinh. Cũng may, tôi và anh tổng giám thị là hai người bạn thân và đều sốt sắng trong nhiệm vụ, nên nề nếp nhà trường được sớm ổn định, học sinh có kỷ luật, chuyên cần học tập làm cho các thầy cô đều phấn khởi.

Tuy nhiên, nhà giáo, đặc biệt là những người làm công tác quản lý giáo dục không bao giờ được thảnh thơi lâu dài, Thực vậy, một chuyện rắc rối khá nghiêm trọng đã xảy ra. Đó là, ở lớp Tám, vào một ngày cuối tháng 2, quyển sổ điểm của lớp bị xé và thủ tiêu hơn nửa trang làm mất nhiều cột điểm của một số môn. Nguy lắm rồi! Theo quy chế, tháng nào giáo viên cũng phải có điểm cho tất cả các học sinh trong lớp, ít nhất từ một đến ba cột điểm cho mỗi môn, tùy theo giờ dạy ít nhiều trong tuần. Đến gần cuối tháng, phòng học sinh vụ kiểm tra thấy sổ điểm nào chưa đầy đủ thì báo ngay để giám học nhắc nhở giáo viên. Một số giáo viên cho điểm học sinh vào sổ riêng của mình và đến cuối tháng chép vào sổ điểm của lớp. Tuy nhiên, đa số thầy cô không có sổ riêng nên cho điểm thẳng vào sổ cái của lớp. Trong trường hợp nầy, nếu sổ cái bị thủ tiêu hay bị hủy hoại thì quả là một điều rắc rối nghiêm trọng.

Trong suốt năm học, sổ điểm được giữ tại phòng học sinh vụ. Đầu mỗi buổi học, trưởng lớp đến ký nhận sổ và cuối buổi đem trả. Ở lớp Tám nói trên, có lẽ sổ bị xé vào giờ ra chơi. Phòng học sinh vụ phải điều tra cho ra thủ phạm, còn phòng học vụ thì có bổn phận lo cho có đủ điểm để giám thị cộng vào cuối tháng. Tôi mời một số thầy cô dạy lớp đến và năn nỉ họ cho học sinh làm lại bài kiểm tra cấp tốc. Anh tổng giám thị thì lo lắng ra mặt. Anh lần lượt gọi trưởng lớp và một vài học sinh khác lên văn phòng để điều tra nhưng không có kết quả. Cuối cùng, anh tổng giám thị nói với tôi :

– Theo lời đề nghị của vài giám thị thì chúng ta phải tổ chức một mạng lưới bí mật trong các lớp. Mạng lưới này sẽ giúp chúng ta tìm được thủ phạm hôm nay và về sau này nữa. Phải bắt được thủ phạm để trừng phạt đích đáng thì mới giữ được kỷ luật học đường.

Tôi ngạc nhiên về đề nghị nầy của anh tổng giám thị nên hỏi lại:

– Có phải cái mạng lưới bí mật mà anh muốn tổ chức đó gồm một số học sinh làm “ăng-ten” hay làm mật thám cho phòng học sinh vụ của anh phải không? Chúng ta có nên đưa vào môi trường giáo dục một biện pháp có tính phi nhân như thế hay không?

Anh tổng giám thị cố chống chế:

– Nhưng cái điều rất cần thiết bây giờ là phải chấm dứt ngay hành động có tính phá hoại, nếu không, học sinh sẽ cười cho sự bất lực của nhà trường và sẽ có những hành động phá hoại khác nữa thì việc giáo dục của nhà trường sẽ hỏng mất. Dĩ nhiên, anh và tôi là những người phải gánh trách nhiệm trước tiên.

Nghe anh nói, tôi vẫn không bằng lòng biện pháp tổ chức “ăng ten” trong lớp học, nhưng thấy vẻ mặt ưu tư và căng thẳng của anh, tôi không nỡ tiếp tục phản đối. Vả lại trong thâm tâm, tôi cũng muốn bắt được thủ phạm, chấm dứt tình trạng rắc rối hiện nay để việc giáo dục các em được suông sẻ hơn. Tôi nói với anh tổng giám thị:

– Thôi được rồi, anh giữ ý định đó đi nhưng khoan thi hành. Vài hôm nữa là đến kỳ họp hội đồng giáo viên, anh cứ trình bày ý kiến để hội đồng quyết định có nên áp dụng hay không. Như thế mình khỏi sợ ai phê bình hay trách móc.

Anh gật đầu đồng ý. Mấy ngày sau, Thày hiệu trưởng triệu tập hội đồng giáo viên mở rộng, nghĩa là gồm luôn tất cả giám thị. Trong buổi họp, anh tổng giám thị, với lời lẽ khá mạch lạc và tha thiết, trình bày hậu quả trầm trọng do hành động xé sổ điểm và xin phép chọn trong mỗi lớp ít nhất một chỉ điểm viên để tìm cho được thủ phạm.

Sau lời trình bày của anh tổng giám thị, lập tức có nhiều tiếng phản đối của thầy cô. Một giáo viên đứng lên gay gắt lên án đề nghị của anh tổng giám thị là vô đạo đức! Anh bảo rằngTổng giám thị có thiện chí muốn chấn chỉnh kỷ luật học đường, nhưng không thể vì mục đích tốt đó mà được quyền tổ chức mật vụ trong hàng ngũ học sinh để biến một số em thành kẻ rình mò, mà nguy hơn nữa, là kẻ thù của một số em khác. Nên nhớ, trong nhà trường, không thể lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện.

Cả hội đồng đều tỏ ý tán thành và biện pháp do anh tổng giám thị đề nghị bị dẹp bỏ

Đêm đó, tôi mất ngủ vì suy nghĩ. Tôi cảm phục phản ứng rất đáng nể của hội đồng giáo viên trong cuộc họp sáng nay. Ở đâu đó trong xã hội, người ta vẫn lấy cứu cánh, tức là mục đích sau cùng mà mình cho là đúng để biện minh cho phương tiện hoặc hành động của mình. Tuy nhiên, trong giáo dục, điều này tuyệt đối không chấp nhận được. Cứu cánh, phương tiện hay gì gì khác nữa, mỗi thứ đều có giá trị đạo đức riêng của nó. Môi trường giáo dục dứt khoát loại bỏ bất cứ sự kiện nào, dù rất nhỏ nhặt, vi phạm đạo đức con người. Tuy nhiên không thể bỏ qua chuyện này vì theo lời anh tổng giám thị, nếu chúng ta chịu thua thì có thể xảy ra những việc khác trầm trọng hơn. Cuối cùng tôi cũng tìm ra được giải pháp và yên tâm ngủ.

Hôm sau đến trường, tôi vừa ngồi xuống ghế thì anh tổng giám thị bước vào. Mặt anh cũng có vẻ hốc hác vì mất ngủ. Anh nhìn tôi, lên tiếng:

– Anh giám học nghĩ thế nào về việc hôm qua?

– Tôi đã quyết định biện pháp rồi.

– Biện pháp thế nào?

– Tôi dành nguyên buổi sáng hôm nay, đến tất cả các lớp Tám và giải thích cho các em rõ sự xấu xa của những hành động vô kỷ luật, nhất là việc xé sổ vừa rồi.

Anh tổng giám thị nghe và có vẻ ngạc nhiên:

– Thế rồi không có biện pháp nào tìm ra thủ phạm để trừng phạt sao?

– Không cần thiết. Nếu mình tìm ra được thủ phạm thì sổ cũng bị xé mất rồi. Ở ngoài đời, luật pháp dùng sự trừng phạt để đối phó với hành vi phạm tội. Thủ phạm chùn tay vì sợ hãi thì nhiều còn vì hối hận thì rất ít. Vì vậy, về sau, khi gặp dịp thì họ lại phạm tội nếu đã tìm được cách tránh qua kẽ hở của pháp luật. Trong học đường, chúng ta không giáo dục học sinh bằng sự trừng phạt mà nên dùng sự giải thích cùng đức khoan dung để cảm hóa các em. Đó là sự khác nhau cơ bản về cải huấn trong xã hội và trong học đường.

Anh Tổng giám thị có vẻ bằng lòng biện pháp của tôi nhưng anh cũng ráng nói thêm:

– Thôi được rồi, anh cứ làm như thế đi và tôi sẽ chờ đến cuối năm học để xem biện pháp đạo đức của anh có kết quả hay không.

Nói xong anh bắt tay tôi và về phòng mình. Còn tôi, theo kế hoạch đã định, đi xuống tất cả cá lớp Tám để giải thích. Rất may, trong suốt thời gian sau đó, không có chuyện rắc rối xảy ra và sự việc trên đây trở thành một kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời dạy học của tôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles