Tác giả: Đức Thành, SDB
Đếm thời gian trên tháng năm…
Đã là năm thứ 4 trên đất khách. “Đất khách” hai từ nghe như xa lạ, nhưng mảnh đất Uruguay này giờ đây đã làm tôi nhung nhớ, xốn xang. Bốn năm ngắn ngủi không đủ để cảm mọi thứ, nhưng đủ để tôi khó lòng rời xa nơi đây.
Tôi quen dần rồi những con đường lầy lội mỗi khi vào các ngôi làng, quen với cái lạnh có khi đến âm độ, hay bớt đau với việc ngã ngựa trên thảo nguyên mỗi khi chăn gia súc. Tôi cũng không còn lạ lẫm với những chuyến đi rừng cùng những đứa trẻ. Cuộc sống tại Thủ Đô thì sung túc, nhưng vùng truyền giáo mới là cuộc sống của tôi, thiếu thốn tất cả ngoại trừ cảm nhận được Đấng Yêu Thương mỗi ngày.
Tôi ngồi viết những dòng này bên ánh lửa lập lòe, giữa tiếng nổ tí tách của các thớ gỗ bung ra khi gặp lửa, mọi người đã yên giấc, sương mù phủ khắp cánh rừng.
Đêm nay tĩnh mịch lắm, tiếng gió đưa nhẹ xào xạc. Ngọn đèn chầu vẫn sáng trong cái lều tạm tôi dựng, nó yếu ớt, nhỏ nhoi… nhưng lại là tất cả sinh lực của cuộc sống tôi. Tôi viết lại những điều nhỏ bé này mỗi ngày để nhắc nhớ mình rằng “tôi vẫn còn những ngày… những tháng… những năm để tiếp tục yêu thương”.
Mùa Thu, tôi viết suy tư về ơn gọi, về đam mê tuổi trẻ. Mùa Đông, tôi viết về những khắc khoải đem tình yêu đến với những mái đầu trẻ. Mùa Xuân là hy vọng và tín thác cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa. Và Mùa Hạ là những khó khăn thất bại, Để rồi qua “những mùa” yêu thương đó tôi củng cố mình hàng ngày trưởng thành hơn, hoàn thiện mình hơn.
- Mùa Thu 2013
Câu Chuyện một cảm xúc…
Trên gò đất cao, tôi ngồi trên thảm hoa me đất vàng trong lúc đợi học sinh nghỉ trưa. Tôi miên man nghĩ đến buổi cầu nguyện tối nay tại thị trấn cùng với cha Giám Đốc. Chúng tôi đến để cầu cho các linh hồn, cho ơn gọi, cho các bạn trẻ, và người thân, đồng thời nhận sự trợ giúp của những nhà hảo tâm. Tôi vốn sợ ánh nhìn dè bỉu, khinh thường, sợ phải chìa tay xin sự bố thí, tôi chưa từng bao giờ làm những kinh nghiệm như thế, nhưng trên cánh đồng truyền giáo này, tôi đã phải làm những trải nghiệm ấy!
“Con đói lắm!”, “Cha ơi, nhà mình có gì ăn không?”… Những câu nói ấy như dao cắt vào lòng tôi, nó đẩy tôi thắng vượt sự tự ái, tính nhút nhát để đưa tay ra cầu xin sự giúp đỡ. Tôi chẳng còn có thể cao ngạo khi 70 đứa trẻ mồ côi với làn da ngăm đen như co dúm lại trước cái đói cái rét, đang run rẩy.
Tôi xấu hổ vì sự nhát đảm của mình! Tôi về nhà, lòng thầm nhủ: “Tôi phải trở nên mạnh mẽ hơn mỗi ngày. Tôi phải dấn thân hơn và vững chãi hơn, để thực sự trở thành chỗ dựa cho hơn 70 mái đầu bơ vơ; để trở thành một góc nhà nhỏ cho chúng nương náu, và cho những mảnh đời này chút hy vọng. Xin Chúa cho con sức để mong gánh vác đến cùng.
2. Mùa Đông 2014
Băng Qua miền đất mưa…
Tôi lái chiếc xe thồ cũ kỹ lên thị trấn. Người dân đã quen dần ông thầy ngoại quốc cuối tuần đi chợ, họ vẫn hay cân thừa hoặc dúi thêm chút đồ mỗi khi gặp; chắc là thương cảm bọn trẻ rồi thương luôn ông thầy nghèo. Tôi lái xe đi lang thang, chưa muốn về vội, hai con mắt cay xè, vài trẻ nội trú đã đánh cắp đồ đạc trong nhà rồi đem bán. Nhà trống thêm, lòng buồn vì vài đứa đã phụ tình, chắc là chúng vẫn chưa cảm được hết tình yêu các cha các thày dành cho chúng.
Con đường về lầy lội, tôi băng qua giữa làn mưa; chiếc áo khoác đẫm nước nặng chịch, gió lộc thốc từng hồi lạnh buốt. “Hành trình phía trước còn dài quá”, cái lạnh thấm vào hồn nhưng chắc không phải do mưa. “Chuyến đi sao vất vả”… thầm dặn lòng: “Cần thêm thời gian để bọn trẻ hiểu hơn lòng của những người Sa-lê-diêng là dành cho chúng”.
3. Mùa Xuân 2015
Miền đất của tín thác và hy vọng…
Tôi nằm trong ngôi nhà thờ mục nát, bị bỏ hoang từ lâu, mảng tường loang lổ, những mảng vôi vữa lâu lâu lại rơi xuống, tiếng gió rít, mùi ẩm mốc, cây thánh giá bị gãy một bên tay… đó là chỗ tôi ở trong những ngày đầu tiên truyền giáo.
Hàng ngày tôi đi vào các ngôi làng, quy tụ những đứa trẻ lại, chơi với chúng, kể cho chúng nghe những câu chuyện, cho chúng ăn, rồi ngồi để nghe chúng nói, cười và đùa giỡn… Tôi lấy những sợi dây rừng đan thành từng chuỗi tràng hạt rồi cùng với những đứa trẻ đọc kinh Kính Mừng. Những đứa trẻ thấy lạ lắm, cứ xoe tròn đôi mắt nhìn, lâu lâu lại ré lên cười vì những tiếng Tây Ban Nha trọ trẹ của tôi. Chẳng biết chúng có hiểu tôi đang đọc kinh!
Hôm nay có vài bà cụ đem cho chúng tôi một chút thức ăn, tôi mời họ ngồi lại cùng cầu nguyện, nhưng phải mất lâu giờ họ mới nhớ lại được những câu kinh bị quên lãng khá lâu… Thỉnh thoảng tôi thăm các gia đình giúp họ sửa lại căn bếp, đóng lại cái bàn… Vậy mà không phải ai cũng đón nhận… có người khi thấy tôi thì đóng sập cửa lại như không muốn có người lạ vào nhà. Tôi chỉ có những đứa trẻ là bạn thực sự.
4. Mùa Hạ 2016
Có con chim kiệt sức…
Vì là người truyền giáo cho thổ dân, nên tôi chấp nhận làm người lưu động. Lần này, tôi neo mình lại nơi có con sông lớn là biên giới, một ngôi làng nhỏ ven sông nằm ẩn mình trong những tán cây. Con sông tưởng chừng hiền hòa, vậy mà đã âm thầm cuốn trôi bao đứa trẻ.
Ở đây, người ta không biết đến Thiên Chúa, không biết Đức Mẹ là ai! Ước mơ lớn của họ là vượt được con sông, qua bên kia biên giới, rồi quên đi những tháng ngày cùng cực. Tôi dừng lại, dựng tượng Đức Mẹ bên mỏm đất ven sông, rồi cắm lên vài cây thánh giá, vừa để đánh dấu sự hiện diện của Chúa, vừa để cầu cho những vong hồn đang nương mình dưới lòng sông thăm thẳm… Vài đứa trẻ mình trần, dong mình trên những chiếc xe đạp cũ, làm bụi đất mịt mù, chúng dừng lại rồi nhìn tôi… một người lạ!
Khi bé, ngắm nhìn những con chim mổ nhau, những chiếc lông rơi tơi tả trên cỏ… làm lòng tôi đau nhói. Lần này, tôi thấy mình như con chim kiệt sức, năm thoi thóp. Ngày mai, tôi phải rời xa nơi đây; lần này, tôi… thất bại rồi. Tôi đếm thời gian trên tháng năm, đếm và cảm ơn những mùa của bốn năm trôi qua đã giúp tôi nhận ra biết bao giá trị quý giá trong cuộc sống, đếm để trân trọng từng phút giây của tuổi trẻ. Đếm những thất bại, sự cô đơn hay niềm vui của bản thân cùng sự bình an với thiên nhiên cây cỏ. Cuộc sống là vậy đó! Như 4 mùa của một năm. Thu qua cho Đông đến, Xuân về rồi nhường chỗ cho mùa Hạ. Chắc chắn ai cũng phải trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, để rồi nhờ những thăng trầm đó tô thêm những sắc màu cho cuộc đời của mỗi người. Về phần tôi, tôi trân trọng thân phận làm người đầy những trăn trở và nhắn nhủ mình hằng ngày cố gắng hơn, vẫn còn những ngày, những tháng, những năm để tiếp tục yêu thương.