Sunday, December 22, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Bước Theo Dấu Thập Giá – Một Ngày Tại Auschwitz – Birkenau

(Hồi Ký Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016)

Tác giả: Bart. Phan Trần Thái, SDB

Giã từ miền quê Pajeczno thanh bình trong bịn rịn và nước mắt của những gia đình đã đón tiếp chúng tôi những ngày trước khi vào tuần Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, chúng tôi thẳng tiến đến trại tập trung Đức Quốc Xã Auschiwitz-Birkenau, như một chặng đàng thánh giá. Sáng kiến này được thực hiện trước khi bước vào những ngày đại hội chính thức, để suy gẫm về nỗi khổ đau của 1.300.000 con người từng bị giam giữ và thảm sát nơi đây, như chia sẻ nỗi đau khổ của chính Chúa Giê-su vẫn đang tiếp diễn trong lịch sử và thời đại.

Ánh nắng ban mai xuyên qua những tàn liễu rũ, in bóng đoàn người hành hương bước đi lặng im giữa những khu nhà gạch mốc lạnh, tối tăm và ẩm thấp… sắp dài cách vuông vức theo những con đường đất có hàng cây xơ xác. Nơi đây đã từng giam giữ và hành hạ hàng triệu con người bất hạnh bằng sự lạnh lùng, súng đạn và những phòng hơi ngạt. Những bức tường cũ kỹ đầy rêu lạnh, đã từng chứng kiến hàng chục ngàn tù nhân đứng úp mặt chịu bắn. Chiếc giá treo cổ vươn dài sừng sững bên vệ đường như nhắc lại nỗi đau thương của một khu trại tập trung, được bao quanh bởi những lớp hàng rào kẽm gai sâu hun hút. Một đường ray xe lửa chạy xuyên qua giữa khu trại, đen đủi, dài tăm tắp, như một mũi tên sắt khổng lồ đang xuyên vào lòng người. Đứng trước cảnh này, khách hành hương khó cầm được nước mắt khi nghĩ đến những chuyến tàu định mệnh năm nào, chở đầy những toán tù nhân với vẻ mặt ngơ ngác và đầy kinh hãi, chậm rãi tiến vào một nơi không thể biết ngày trở về.

Đoàn giới trẻ hành hương đông hàng vạn mà vẫn bước đi trong thinh lặng như đang bị chất vấn cách thâm sâu về phận người. Một bầu khí thinh lặng đến nao lòng. Thỉnh thoảng có ai đó khe khẽ cất lên một đoạn Kinh Thánh hay một bài suy niệm, lập tức năm bảy người xung quanh dừng lại để cùng trầm ngâm lắng nghe, rồi lại thinh lặng tiếp tục rảo bước, ai nấy với bao điều gẫm suy của riêng mình. Ở đây kia, có người tự phát xướng lên một bài thánh ca, mọi người lập tức khe khẽ hát theo. Tiếng ca văng vẳng trong nắng ban trưa, du dương theo những cảm xúc đang chơi vơi trong tâm tư về khổ đau, tình thương và đức tin.

Con đường khổ giá của Chúa Giê-su chưa hề kết thúc. Ngài còn vác thập giá bước qua dòng lịch sử và chịu đau khổ từng ngày, khi con người vẫn đang tâm làm khổ nhau. Tôi chợt giật mình tự hỏi, con người ta thanh cao là thế vậy mà cũng có lúc bất nhân và tàn ác đến thế sao? Phải chăng những lúc vô tâm làm khổ những người sống chung quanh mình, là chính lúc chúng ta đang vô tình đặt bút viết tiếp những trang đen tối của lịch sử nhân loại? Chặng đàng thánh giá của Chúa Giê-su trong cuộc sống hàng ngày vẫn còn tiếp diễn?

Nhưng tình thương được đức tin nuôi dưỡng thì luôn sống mãi. Ở cái nơi đầy vẻ lạnh lùng và tàn ác này, chính thánh Maximilian Kolbe đã anh dũng và thanh thản tình nguyện chết thay cho một người bạn tù vì anh ta còn có vợ con, để thực hiện lời cầu nguyện của Thánh Phan-xi-cô At-xi-di: “đem yêu thương vào nơi oán thù”. Nơi đây cũng đã được tưới gội bằng máu tử đạo của Thánh Tê-rê-xa Bê-nê-đic Thánh Giá (Édith Stein), một nữ tu và là triết gia công giáo vĩ đại, gốc Do Thái. Trong oán thù và đau khổ, đức tin vào Đức Ki-tô vẫn sống mãi như một sức mạnh vô biên, có khả năng nhen nhúm lại yêu thương, ở chính cái nơi mà không ai dám tin rằng yêu thương còn có thể được nói tới. Chứng tá của hai vị thánh như hai đoá sen vươn lên giữa đầm lầy bê bết oán hờn và thương tổn.

Sự thông minh và kiến thức uyên bác thiếu đạo đức của các nhà khoa học Đức Quốc Xã vẫn để lại dấu ấn rõ nét nơi mảnh đất lịch sử này, qua những kỹ thuật giam giữ, tra tấn, hành hạ và sát hại tù nhân đầy nhẫn tâm và có ứng dụng tối đa khoa học. Thế mới hay khoa học thiếu tình người và thiếu đức tin là thứ khoa học có thể trở thành thảm hoạ cho nhân loại.

Trước sự kiện thăm trại tập trung, tôi tự hỏi: Phải chăng, hàng ngày chúng ta vẫn tự xây nên những khu trại tập trung để nhốt chính mình trong những lo toan thái quá của việc sản sinh thêm tiền bạc và giam hãm người khác bằng sự vô cảm do những toan tính lợi lộc vật chất cho riêng mình sinh ra? Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô thật có lý do để nói với giới trẻ trong những ngày đại hội sau đó rằng: có một thứ thuốc phiện nguy hiểm của ngày hôm nay, đó là sự gây nghiện trong việc đi tìm lợi lộc và an nhàn cho một mình bản thân mình. Chúng ta đang chạy đua từng giờ để cập nhật cho mình thông tin khoa học, tin học và kỹ thuật kinh doanh, chúng ta sẽ dành thời gian nào cho đức tin và tình người, để chính mình và xã hội tránh khỏi sự què quặt ngày một trầm trọng, đến độ ngày nào đó chính mình có thể trở thành một thảm hoạ cho anh em?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles