(Bài viết: Bart. Phan Trần Thái, SDB)
“Đi bộ với nhau vẫn là giây phút hào hứng nhất”. Rất nhiều bạn trẻ của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 đã nhận định như thế. Quãng đường 17 km là chiều dài chúng tôi phải đi bộ từ trung tâm thành phố Krakow đến cánh đồng Campus Misericordiae cho đêm canh thức cuối cùng. Nắng sớm xuyên qua những tàn cây mọc hoang tàn trên con đương quê ngoằn nghèo sáng nay như thêm sắc cho những tốp giới trẻ đủ các loại màu áo đồng phục, với ba lô xanh, vàng, đỏ… trên vai, lỉnh kỉnh túi ngủ, bạt trại, băng rôn… đang cùng hồ hởi tiến về một hướng. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng hát của một nhóm nào đó đang thổi lửa tinh thần cho nhau, tiếng thở nặng nhọc của ai đó dừng lại bên đường quệt mồ hoi trán rồi tu nước ừng ực…, tất cả tạo nên một bầu khí hào hứng trên con đường dài hun hút dẫn tới cánh đồng canh thức.
Tôi thật không may mắn khi bị bong gân chân đúng vào lúc tuần Đại Hội đang đi vào cao trào với hai ngày hành hương cuối cùng. Cũng ba lô và túi ngủ trên vai, tôi trang bị thêm cho mình chiếc dù làm gậy và khập khiễng từng bước, chậm rãi lê một chân sưng tấy trên con đường dài, hoà mình với giới trẻ. Biết mình chỉ có thể đi rất chậm, tôi đã ra hiệu cho các bạn trẻ trong nhóm cứ tự nhiên đi trước. Một anh lớn trong nhóm nhiệt tình vác gium tôi phần thức ăn cho hai ngày khá nặng. Chẳng mấy chốc mà các bạn ấy chỉ còn là những chấm nhỏ xa xa phía chân trời trước mặt.
Bầu khí ngày đại hội thân thiện đến lạ. Từng tốp bạn trẻ lần lượt vượt qua tôi với những cái vẫy tay và những câu chào đủ các thứ tiếng. Cứ mỗi lần gặp một nhóm đi qua, lại có vài bạn trẻ dừng lại, tỏ vẻ cảm thương và thân thiện xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Câu trả lời của tôi thì vẫn lại như cũ: “Tôi chẳng cần giúp gì cả, nhưng nếu có thể được thì đi chậm lại với tôi cho vui, vì đường còn dài đến 4-5 tiếng đồng hồ”. Tôi nói chân thành thế thôi, nhưng tôi biết, đối với một người khoẻ mạnh, phải đi chậm từng bước như tôi là một điều thật chán ngắt và kinh khủng. Vài bạn trẻ cũng đi một mình. Thấy tôi, họ tỏ ra quan tâm, đi chậm lại để hỏi han làm quen 2-3 phút rồi lại lên đường với tốc độ của một người bình thường, để tôi rơi lại phía sau với cây dù và cái chân tê nhức.
Tôi cảm thấy trân quý những món quà đặc biệt là 2-3 phút đi chung mà họ quảng đại đi chậm lại cùng tôi. Dù rất mong có ai đó đi với mình lâu hơn thế nữa, đi hết 17 km càng tốt, nhưng tôi không dám mong mỏi thêm. Thật là chán ngán khi phải đi chậm bởi quãng đường sẽ trở nên dài lê thê. Tôi chợt khám phá ra một điều thú vị: Khi cho ai cái gì thì vẫn dễ hơn là phải làm người đồng hành, phải cùng chia sẻ cái bất tiện và hoàn cảnh khó khăn của người khác, bởi nó đòi hỏi lòng quảng đại và sự kiên nhẫn lớn hơn rất nhiều.
Kinh nghiệm đau điếng trong mỗi bước đi đang khi thầm ước có một người bạn đồng hành, tôi nghĩ đến và cảm phục những vị truyền giáo đã bỏ mọi sự để đến chia sẻ cuộc sống với một dân tộc khác, để học hỏi lại từ đầu mọi thứ, học cách sống và sống như người dân bản địa, học cách yêu mến cuộc sống của họ. Nếu cuộc sống là một hành trình, họ là những người có thể đi với tốc độ sở trường của mình ngay trên nền văn hoá của mình. Nhưng họ đã chọn sẻ chia với dân tộc mình được sai đến và bắt mình đi chung bước với nhịp sống và văn hoá của một đất nước khác lạ. Câu nói của thánh Phao-lô nghe đơn giản nhưng đòi hỏi trái tim lớn: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Nó là sự cho đi lớn lao nhất, vì nó làm người nhận hạnh phúc và ấm áp nhất. Hàng trăm, hàng ngàn người đi qua và sẵn lòng đề nghị làm gì đó giúp một người không may như tôi, nhưng chỉ có ít người làm được cái điều mà tôi cần nhất; và mỗi người chỉ cho tôi 2-3 phút đi chung đã là quá nhiều.
Rảnh đường, tôi miên man nghĩ đến biết bao những công việc từ thiện mà người Công giáo, người giầu vẫn đang làm cho người nghèo. Thật tốt, vì hẳn người nghèo rất cần đến những hỗ trợ tức thời trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nếu nói đem lại cho người nghèo hạnh phúc thì tôi có thể nói là chưa. Người nghèo về tinh thần hay vật chất đều cần một người đi chậm với mình, chia sẻ và cảm nếm thực sự cuộc sống với họ, để giúp họ tự hào và tin tưởng vào từng bước tiến dù nhỏ bé của mình. Việc bác ái thực sự là dám bận tâm điều người khác hằng bận tâm cách chính đáng, không phải bằng việc dừng lại ở bố thí, mà bằng sự nâng niu và đồng hành với những bước tiến lên của họ, để họ dám tự hào về bản thân mình vì có tôi vẫn đang trân trọng và tự hào về bản thân họ; tôi dám bước đi với họ theo tốc độ mà họ có thể tự đi trên đôi chân của mình.
Tôi đau lòng nghĩ đến những gia đình không hề nghèo tiền bạc, nhưng mỗi người ai nấy tự đi riêng với nẻo đường và tốc độ sở trường của mình, không có một sẻ chia và đồng cảm cho nhau. Những người đi đường hôm ấy có thể để lại cho tôi một chai nước, một cái mũ hay thậm chí đổi cho tôi đôi giày tốt hơn, rồi mạnh ai nấy đi với tốc độ riêng của mình. Nhưng chỉ những ai đi cùng, họ mới biết sự hiện diện của họ cho tôi sức mạnh để đi hết con đường bằng đôi chân của mình như thế nào. Vì tôi sẽ hết thấy đau mỗi khi có người để tôi nói rằng tôi đang đau; tôi sẽ hết thấy mệt khi có người để tôi nói rằng tôi đang mệt, đang khát; tôi sẽ thấy quãng đường ngắn lại khi có thể cùng họ nói rằng: “Cố lên, chúng ta đã đi với nhau được ¼ quãng đường”. Sẻ chia những bất tiện, đồng cảm với những lo lắng và hy vọng cho nhau mới là việc bác ái lớn lao, đôi khi cần kíp hơn cả vật chất.
Tôi lại muốn quỳ gối để lặng câm trước mầu nhiệm nhập thể làm người của Con Chúa. Chúa có thể đi nhanh hơn nhân loại rất nhiều. Chúa cũng chẳng cần gặp nhân loại mà vẫn là Chúa tự vô biên. Nhưng Chúa đã chọn đi cham với con người, làm hẳn khiếp người, bước đi trong trần gian thị phi, bằng bước chân của một kiếp người mà Ngài không nhất thiết phải mang lấy. Sự hạ mình và sẻ chia của Chúa là tuyệt đối vì nó là hành vi của một ngươi vốn là Tình Yêu Thương Tuyệt Đối. Tôi không dám tự hào và bảo lương tâm mình hãy an tâm ngủ yên khi đã có thể giúp đỡ vật chất cho ai đó rồi. Vì việc bác ái thật sự là “Vui với người vui, khóc với người khóc”, là se chia, thấu cảm và nâng niu từng bước đi, từng hy vọng và sợ hãi của anh em. Vậy mà với những người sống dưới cùng một mái nhà, tôi có làm được chưa?