Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Có Một Bà Mẹ…

(Bài viết: Speranza)

Có một ngôi nhà rộng lớn hơn ngôi nhà của mỗi người, lớn hơn mỗi ngôi làng, và lớn hơn cả một quốc gia. Đó chính là ngôi nhà thế giới. Hành tinh xanh này là ngôi nhà lớn, với người mẹ được mang tên Mẹ Đất.


Sáng Thế Ký kể về việc Tạo dựng. Trong 6 ngày, Thiên Chúa đã tạo nên toàn thể vũ trụ sống động và đẹp đẽ, đến nỗi sau mỗi ngày tạo dựng, Ngài đều phán: “Thật là tốt đẹp!”. Thiên Chúa đã nói với con người: “Tất cả vũ trụ này thuộc về con. Hãy làm cho mọi sự được sinh sôi nảy nở đầy mặt đất”.


“Làm cho mọi sự được sinh sôi nảy nở” như một bài toán khó mà Thiên Chúa trao phó cho con người. Bởi nhiệm vụ này là bài toán khó nên con người phải mày mò tìm cách giải. Có những lúc đáp án bị sai trật khiến cho các tạo vật chẳng sinh sôi nảy nở, mà ngược lại, hoang tàn và khô héo. Cũng có lúc, con người tìm ra cách giải hay, nhưng lại manh mún khiến cho giải quyết được điều này lại làm phát sinh ra một vấn đề khác nguy trọng hơn. Nhưng cũng phải công nhận rằng có rất nhiều những sáng kiến độc đáo và đầy xây dựng của biết bao con người yêu đời và yêu người, đã làm cho trái đất xinh tươi hơn.


Gốc rễ của những sai lầm trong khi chăm sóc tạo thành của con người nằm ở chỗ “Ham chạy theo lợi nhuận!”. Sự ích kỷ, lười nhác, não trạng tận dụng và thiếu tôn trọng thiên nhiên, muốn trục lợi tất cả đã dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái: Nguồn nước bị ô nhiễm, rau cỏ trở thành thức ăn nguy hiểm vì nồng độ độc hại của các loại thuốc sâu, khí trời trở nên nóng bức vào mùa nóng và lụt lội vào mùa mưa vì cảnh tàn phá rừng.


tội lỗi là chính việc làm ngược với ý muốn của Thiên Chúa, dẫu nó mang dáng vẻ của sự thiện với những lý do biện minh, tức là thay vì làm theo ý Thiên Chúa là xây dựng và làm cho thế giới nên tốt hơn, trở thành một nơi đáng sống hơn, con người lại biến thế giới trở thành môi trường độc hại, tàn phá thiên nhiên và sự sống của muôn loài, trong đó có cả con người.


Laudato sí, Xin chúc tụng Thiên Chúa
Sống trong cảnh thiên nhiên nên thơ với những cánh đồng hoa bát ngát, núi đồi rộng thoáng, không khí trong lành, chim ríu rít hót ca của vùng đất Umbria, nước Ý đã làm nảy sinh trong chàng trai Phanxico thành Assisi “những vần thơ” cảm kích. Chàng thanh niên mơ mộng Phanxico đã hát lên những lời đẹp:


“Lạy Thiên Chúa tối cao, toàn năng và tốt lành, mọi vinh quang và danh dự, lời chúc tụng và ngợi khen, đều thuộc về Ngài…,”
Phanxico ca tụng Chúa vì các tạo vật Ngài tạo dựng như những người anh chị em thân thiết: Anh Mặt Trời, chị Trăng và muôn Sao, anh Gió, không khí và Mây trời, chị Nước, anh Lửa. Trong bài ca Tạo vật, ngay cả cái chết cũng trở thành người chị thân thương: Chị Chết; và trong bài ca này, tạo vật duy nhất được gọi với vai trò khác huynh đệ, là Mẹ Đất.


Vì sao lại gọi là Mẹ Đất?
Kể từ năm 2009, ngày 22 tháng 4 hàng năm được chọn là “Ngày Quốc Tế Mẹ Đất”. Một trong những đoạn viết về giải pháp bảo vệ Mẹ Trái Đất đã tuyên bố: “Chúng ta nhận biết rằng Trái đất và hệ sinh thái trên trái đất là nơi cư ngụ của chúng ta. Và trong niềm xác tín rằng để có được sự quân bình giữa nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của thế hệ hiện tại và tương lai, thì cần thiết phải thăng tiến sự hài hoà giữa tự nhiên và Trái đất”. Trước đây, cũng nên biết rằng ngày Trái đất đã được công nhận vào năm 1970. Trong ngày Trái đất, mọi người tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường, kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ mội trường, tổ chức trồng cây xanh, gom rác, xây dượng môi trường xanh sạch đẹp.


Trong bài ca tạo dựng, Thánh Phanxico đã tiết lộ lý do gọi Mẹ Đất: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì người chị chúng tôi là Mẹ Đất, Mẹ nâng đỡ, Mẹ dìu dắt. Mẹ sinh ra bao thứ trái, hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại”.


Bản chất của người mẹ là sản sinh sự sống, là sự phong nhiêu, là sự cần mẫn và kiến tạo cái đẹp, sự ấm áp. Nhà có mẹ, là có mọi sự, là sự an hoà như dân gian có câu: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Một khi người mẹ này ốm, cả nhà đều xốn xang, xáo trộn.
Hiện nay, Bà Mẹ Trái đất của chúng ta đang “bị ốm”. Biết bao thiên tai xảy ra với mức độ dày đặc, rác rến ngập ngụa trên mặt đất, nước thải tràn lan ngoài biển… tất cả tựa như những cơn bạo bệnh khiến cho Bà Mẹ Đất không có chỗ thở, không tạo ra được hoa thơm cỏ lạ, không sinh ra được những trái trăng ngon ngọt, lành mạnh. Biết bao những hậu quả sinh ra với sự biến đổi khí hậu. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phanxico đã viết một tài liệu khởi đầu với lời của Thánh Phanxico Assisi: “Laudato sí, mi Signore”.


Trong tài liệu này, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng hành tinh xanh – ngôi nhà chung này cũng là người chị, cùng chia sẻ với chúng ta về sự sống còn, là người mẹ ôm ấy chúng ta bằng những sản vật mà mẹ sinh ra trong cung lòng của mình. Người chị này đang phản đối chúng ta về sự xấu mà chúng ta gây ra trên chị khi sử dụng cách vô trách nhiệm và lạm dụng những của cải mà Thiên Chúa đặt để nơi chị. Chúng ta lớn lên và nghĩ rằng chị là của riêng để mình sử dụng và thống trị. Sự hung tợn có trong lòng con người – hậu quả của tội lỗi – đã biểu lộ trong lối ứng xử thô bạo của chúng ta đối với đất đai, trong nước, trong không khí và trong các sinh vật.
Một vài lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha trong “Laudato sí”


Chúng ta cần có lòng biết ơn đối với quà tặng của thiên nhiên: Đại dương mênh mông, cảnh đẹp, hoa thơm, cỏ lạ, không khí trong lành và đồ ăn thức uống hàng ngày, ta kín múc từ Mẹ Đất.

Cần phải thay đổi về cách suy nghĩ và thói quen tiêu thụ: Từ sáng sớm đến chiều tối chúng ta tiêu thụ điện, nước, chất tẩy rửa, đồ ăn, thuốc men… Rất nhiều lần chúng ta sử dụng cách phung phí, làm hư hoại, dùng những sản phẩm hoá chất cách vô tội vạ mà không cần biết đến hệ quả gây ra với thiên nhiên, động vật, chim trời cá nước, công viên, đường xá.


Cần tự đào tạo để có sự hiểu biết về hệ sinh thái. Trước tiên, cần hiểu biết về những hạn từ nói về vấn đề, về môi trường trong đó chúng ta sống và làm việc; thứ đến thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ đời sống và môi trường.


Học biết chiêm ngắm thiên nhiên. Xã hội chúng ta đang sống bị thách đố bởi những công việc dồn dập, những cuộc vui chóng qua đầy sôi động. Chúng ta như những con kiến lầm lũi làm việc mà không có thời gian ngước nhìn lên để chiêm ngắm những nét kỳ vĩ của thiên nhiên, và tính linh thánh ẩn chứa trong các sự kiện. Con người đã không còn nhận ra rằng “trời xanh đang tường thuật vinh quang Thiên Chúa!”.


Chúng ta làm gì để hát lời “Xin Chúc tụng Đức Chúa?”
Tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ người ta kể câu chuyện truyền thuyết về con Cừu. Một con cừu uống nước tại con suối nhỏ trong sa mạc, và nó đã đánh rơi một hạt giống. Khi cơn gió thổi đến, nó cuốn theo hạt giống. Ít lâu sau, cạnh con suối đã mọc lên một rừng cây.
Một câu chuyện có thật khác tại Ấn Độ, về người trồng cây tên Yadav Molai Payeng sống tại Kokilamukh. Lúc lên 16 tuổi, Yadav Molai không có nhà cũng chẳng có đất bởi một con sóng thần đã cuốn đi tất cả: Nhà cửa và tất cả người thân của anh. Từ đó, anh quyết định gieo trồng trên mảnh đất hoang khô cằn những hạt giống cây tre. Những hạt giống ấy nảy mầm và lớn lên nhờ đôi bàn tay trần trụi, thô ráp của anh. Ngày nay, tại Kokilamukh có một rừng tre rộng một ngàn bốn trăm hecta mang tên: MOLAI.


Ngôi nhà mỗi người chúng ta có thể trở thành một vườn hoa đơn sơ, đẹp đẽ. Thật tuyệt vời nếu mỗi gia đình chăm sóc một cây xanh, một thảm cỏ, một cây hoa.

Một trẻ em cũng có thể được trao một bình hoa, và em có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây trồng: Em tưới nước, đem cây ra nắng, quây cho cây không bị gió làm ngã rạp. Em có thể trang trí bình hoa đẹp hơn với hình vẽ hay giấy trang trí.


Thật thú vị nếu như mỗi thành viên trong gia đình có sáng kiến để trồng và chăm sóc những cây xanh. Chúng ta cứ tưởng tượng điều tuyệt vời xảy ra khi cả gia đình, cả làng, cả thành phố, cả đất nước chúng ta đều ý thức về sức sống của Mẹ Đất, và cùng nhau sáng tạo để hát bài ca tạo vật Laudato sí, Xin chúc tụng Thiên Chúa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles