Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Vấn Đề Bắt Nạt Trên Mạng

CHUYÊN ĐỀ DON BOSCO SỐ 85

Trong thời đại 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số đã làm cho Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của rất nhiều gia đình và cách riêng các bạn trẻ. Tôi nhớ đến những lần nói chuyện cùng với các em học sinh của mình, có nhiều em chia sẻ, điều các em quý nhất và không thể rời xa là chiếc điện thoại. Các em có thể “lướt” cả ngày lẫn đêm mà không thấy chán. Thế đấy, phải thừa nhận rằng sự phát triển của công nghệ có những hỗ trợ rất lớn trong đời sống nhưng đi kèm với nó cũng có những vấn đề nghiêm trọng rất đáng quan tâm và lưu ý. Một trong những vấn đề nổi trội hôm nay là bắt nạt trên mạng.

Bắt nạt trên mạng là gì?

Có người gọi đó là bắt nạt trực tuyến, bắt nạt qua mạng, trên mạng. Trong tiếng Anh và tiếng Ý thì nó là cyberbullying – cyberbullismo. Theo nghiên cứu của Cyberbullying Research Center thì “bắt nạt trên mạng là khi ai đó lặp đi lặp lại và có chủ đích quấy rối, ngược đãi hoặc chế nhạo một người khác trên mạng hoặc khi sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác.” Ngang qua các ứng dụng và các trạng mạng xã hội như Instagram, Facebook, Tik Tok, SMS… nạn nhân có thể bị người khác sử dụng hình ảnh của mình, đe dọa, công kích, nói sai sự thật, thêm thắt điều tiêu cực…

Một vấn đề nghiêm trọng và đáng lo ngại?

Bắt nạt trên mạng thực sự là một vấn đề nghiêm trọng, đáng lo ngại và xảy ra ngày càng phổ biến với học sinh. Nó ảnh hưởng không chỉ đến tâm trí mà còn đến cả đời sống tinh thần của các học sinh. Cũng theo nghiên cứu của Cyberbullying Research Center được thực hiện tại Mỹ vào năm 2023, trong  5.005 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trong độ tuổi từ 13 đến 17,  thì có 55% học sinh nói rằng họ đã từng bị bắt nạt trên mạng.

Chúng ta làm một so sánh nhỏ giữa thế hệ chúng ta khoảng 20-30 năm trước và hôm nay. Việc học sinh bị bắt nạt của thế hệ trước đã có nhưng nó được gọi là bắt nạt học đường. Phạm vi và thời gian xảy ra là trong lớp, trong trường hoặc trên đường về nhà. Đối tượng bắt nạt là các bạn trong lớp trong trường và nạn nhân thường là các em “yếu thế” hay bị coi là “cái gai” trong mắt của một hay nhiều em khác.

Bắt nạt trên mạng xảy ra trên không gian mạng. Đối tượng tham gia không giới hạn, trong đó có cả các bạn trong lớp, trong trường, người lạ, người quen, người lớn, người nhỏ và vượt ra khỏi môi trường quốc gia. Thậm chí có những người được gọi là “ẩn danh”, “ném đá giấu tay” mà nạn nhân bị bắt nạt không thể biết được đó là ai. Quan trọng hơn cả là tốc độ lan truyền “nhanh như chớp” chỉ trong tích tắc với hình ảnh, video, audio.. Thời gian xảy ra thì khỏi bàn, cả ngày lẫn đêm. Như vậy, chúng ta có thể thấy mức độ ảnh hưởng và hậu quả  rất lớn lên chính đời sống của học sinh.

Vai trò đồng hành của các nhà giáo dục

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất đối với vai trò của các nhà giáo dục là sự tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ. Bằng cách tạo ra một không gian mà các học sinh cảm thấy tự tin và thoải mái để chia sẻ về những trải nghiệm của họ. Ngang qua việc lắng nghe các em, nhà giáo dục có thể đồng hành, hướng dẫn để các em có thể tránh rơi vào tình trạng bắt nạt trên mạng. Với những em đã từng là nạn nhân, các nhà giáo dục có thể giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và tự ti mà các em thường phải đối mặt  qua những phương pháp hỗ trợ tâm lý hiệu quả nhất. Đây cũng chính là thách đố không nhỏ đối với các nhà giáo dục. Don Bosco, nhà giáo dục đại tài được mệnh danh là Cha -Thầy – Bạn của người trẻ, bên cạnh ngài, trẻ luôn cảm thấy mình là người được yêu thương nhiều nhất. Môi trường mà ngài kiến tạo đó chính là tình gia đình. Nguyện xá Valdocco của Don Bosco vào những năm 800 không chỉ là một sân chơi, môi trường học tập nhưng là NGÔI NHÀ của người trẻ.

Bên cạnh đó, các nhà giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục về an toàn trực tuyến và kiểm soát đám đông. Bằng cách cung cấp thông tin và giáo dục về cách duy trì an toàn trực tuyến, cũng như cách kiểm soát đám đông và tránh việc tham gia vào hành vi bắt nạt. Ngoài ra đó còn là phát triển kế hoạch ứng phó khi các trường hợp bắt nạn xảy ra, giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và giảm bớt những hậu quả tiêu cực. Đây được gọi là chiến lược dự phòng. Nó không phải là một điều gì mới, chính Don Bosco đã thực hiện điều này với các học sinh của ngài và để lại cho chúng ta một phương pháp giáo dục là Hệ Thống Giáo Dục Dự Phòng.

Sau cùng, chúng ta có thể áp dụng một điểm trong phương pháo giáo dục của Don Bosco là thiết lập mạng lưới giáo dục theo phong cách hợp tác và hỗ trợ. Với bối cảnh xã hội hiện nay đòi hỏi chúng ta mở ra và lôi kéo mọi người cùng tham gia cộng tác vào việc giáo dục trên cấp độ liên quốc gia, liên văn hóa và liên ngành. Như chúng ta đã nói ở điểm trên, mức độ ảnh hưởng của bắt nạt trên mạng không bị giới hạn ở một không gian hay thời gian nhất định. Khởi đi từ môi trường lớp học, trường học, địa phương, bằng cách liên kết với phụ huynh, các chuyên gia tâm lý -xã hội và cộng đồng địa phương, chúng ta có thể cung cấp thông tin và tư vấn cho phụ huynh trong việc chung tay giáo dục nhận thức khi con em tham gia vào các trang mạng xã hội. Ví dụ như việc chọn lựa và đăng tải hình ảnh, việc tham gia vào các bình luận trực tuyến với sự nhận thức và óc phê phán để không bị lôi kéo vào việc bắt nạt trên mạng cũng như là nạn nhân của vấn đề này. Ngoài ra, thông qua mạng lưới này, chúng ta cũng có thể hỗ trợ các phụ huynh khi con cái của họ khi họ gặp vấn đề về bắt nạt trên mạng.

Tóm lại, là những nhà giáo dục chúng ta, chúng ta không thể phớt lờ hoặc tránh né khỏi vấn nạn bắt nạt trên mạng và các vấn đề tương tự đang ảnh hưởng đến các em học sinh của mình. Chúng ta không thể không thao thức, cưu mang và tìm cách hỗ trợ cho các em học sinh. Chỉ khi chúng ta chủ động và chia sẻ trách nhiệm trong việc đối phó với các vấn đề này, chúng ta mới có thể giúp đỡ các em học sinh vượt qua khó khăn và xây dựng một tương lai tích cực cho họ.

Tác giả: Viết Ân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles