Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Sống Và Chết

Sống Và Chết

CHUYÊN ĐỀ 50: HƯỚNG VỀ CHÂN TRỜI XA

(Bài viết: Tùy Phong)
Hồi bà của bạn tôi mất, tôi an ủi nó rằng ai rồi cũng già cũng mất, đau buồn quá làm gì. Tôi còn trưng ra các bằng chứng cho thấy nhiều người còn xem “cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Bạn tôi nói khi chứng kiến sự ra đi của người thân thì chẳng ai có đủ dũng cảm để thi vị hoá cái chết đâu. Tôi im lặng.


Lúc ấy tôi học lớp 9. Đến năm đầu đại học, các sự kiên liên tiếp xảy ra làm tôi suy nghĩ lại về những câu an ủi hoa mỹ của mình năm nào.


Lên Sài Gòn được vài tháng, tôi được tin chị họ mình vừa mất. Tôi phải hỏi lại đến lần thứ tư thì mới tin được rằng người chị mà mình vừa nói chuyện qua điện thoại cách đây 2 tiếng đồng hồ đã không còn “sống”. Chị mới 20 tuổi, còn đang học năm ba, hai chị em suốt ngày chia sẻ với nhau từng cuốn truyện tranh có được, cùng hứa hẹn đủ điều sẽ làm cùng nhau khi học xong. Trước đó, tôi luôn thơ ngây nghĩ rằng người ta già rồi mới chết, đến lúc này thì tôi mới nhận ra rằng cái chết chẳng chừa một ai, tử thần có mặt ở khắp nơi và trong mọi quãng đời của con người. An táng chị xong, tôi quay về trường học mà lòng nặng trĩu. Có oán trách người lái xe đã cướp đi mạng sống của chị thế nào đi nữa thì cũng chẳng ích gì.


Nỗi buồn về chị chưa nguôi, tôi lại đón tiếp một tin khủng khiếp. Sáng hôm trước, thầy dạy bộ môn quay phim của tôi không đến lớp, cứ nghĩ rằng thầy còn bệnh nên tôi cũng không gọi, nhủ rằng thôi cứ để thầy nghỉ ngơi, thư thả hôm nào rồi gọi. Hôm đó là thứ 4, tôi lên xe buýt đi học, đến trường thì có điện thoại từ cháu thầy, báo vỏn vẹn một câu “Thầy P. mất rồi em ơi”. Tôi hoảng hốt, chạy ngay vào phòng đào tạo để hỏi. Các thầy cô trong trường còn chưa kịp biết tin. Thế là, một mình, tôi lặn lội xuống nhà thầy, nhìn di ảnh thầy, lúc ấy, tôi mới tin đó là sự thật. Thầy mới dạy tôi được ba buổi, thầy còn đưa tài liệu cho tôi photo ra để hôm sau thầy lên dạy. Thầy còn vui vẻ đi ăn ốc với cả lớp tuần rồi. Thế đấy, tôi đã thực sự tin rằng tử thần chẳng buông tha ai cả.


Chị tôi đã mất. Thầy tôi cũng không còn. Những khoảng trống cứ còn đó. Nhưng trong câu chuyện thường ngày, chúng tôi vẫn hay nhắc “Bộ truyện này kết thúc rồi nè, mà chị T. chưa đọc hết”, “Hoa này tụi mình lấy tên chị T. đặt cho nó nè”, “Thầy P. hôm bữa có cho tụi em xem con máy betacam rồi thầy ơi, cả con Z7 nữa”, “Thầy P. có đưa tài liệu cho lớp rồi ạ”, “Thầy P. nói xem phim này sẽ học được rất nhiều thứ về ánh sáng”…. Cứ như thế, ngay cả những năm tháng sau này, cũng gần 10 năm trôi qua, nhưng mỗi khi gặp nhau, chúng tôi vẫn hay nhắc về những – người – không – còn – tồn – tại nữa. Thay vào đó, họ luôn nằm trong một phần ký ức mà mãi mãi, chúng tôi chẳng bao giờ quên.


Tôi dần nhận ra rằng, đúng, khi những người thân yêu, gần gũi với mình mất đi, dù có lạc quan đến thế nào đi chăng nữa cũng chẳng thể mỉm cười hay không đau buồn cho được. Nỗi buồn vẫn còn âm ỉ và dai dẳng ở đó thôi. Và còn tồn tại nhiều cái giá như nữa chứ. “Giá như tôi dành thời gian để về nhà với chị thay vì ở lại Sài Gòn”, “Giá như tôi gọi điện cho thầy ngay hôm ấy”. Những dằn vặt nho nhỏ, ít nhiều vẫn còn tồn tại trong một khoảng thời gian dài, thực sự chẳng dễ dàng gì, rồi đến khi thoả hiệp được với nỗi đau, lúc đó tôi mới tạm nguôi ngoai và chấp nhận sự thật rằng mình chẳng bao giờ được thấy chị hay thầy hiện hữu để mà chơi đùa hay học hỏi. Tất cả đều nằm trong ký ức cả rồi. Hằng năm có giỗ chạp, mọi người cũng chỉ có thể nói chuyện quá khứ, khoảng thời gian người đó còn tồn tại chứ chẳng thể nào nói chuyện hiện tại hoặc tương lai.


Tôi thích bộ phim “Big Hero 6”. Có lẽ cũng nhiều người thích điều này. Mọi chuyện thực sự bắt đầu khi Hiro mất đi Tadashi – người anh trai yêu quý, người đã khơi dậy niềm đam mê, yêu thích trường học nơi cậu. Tưởng như thế giới sụp đổ, nhưng khi vô tình kích hoạt lại con robot Baymax mà Tadashi đã chế tạo ra, Hiro dường như “sống” lại, bắt tay vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Baymax không chỉ đơn giản là một con robot chăm sóc cho Hiro về mặt thể xác, mà còn về tinh thần. Khi Hiro đau buồn cầm cái nón của Tadashi lên và nói rằng Tadashi đã không còn nữa, Baymax đã chỉ vào ngực trái của Hiro và nói “Tadashi vẫn còn, ở ngay đây”. Lúc đó, Hiro hiểu ra rằng, đúng, Tadashi đã mất, nhưng anh vẫn còn đó, trong trái tim mình, thông qua hình ảnh Baymax mà anh đã dày công chế tạo. Gần kết phim, để bảo vệ cho Hiro, Baymax đã hy sinh thân mình. Với một cậu nhóc còn đang lớn, quả là những cú sốc thực sự. Những người mà Hiro yêu thương cứ thế ra đi. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, Hiro quay lại trường học, nhập hội với nhóm bạn của anh mình, và rồi, Hiro tìm thấy con chíp chứa dữ liệu của Baymax trong cánh tay mà Baymax đã dùng để cứu Hiro. Một cái kết mở. Và tôi luôn mong nó có phần 2, một bộ phim quá đẹp về tình người, có thể xoa dịu vết thương cho những trái tim đang đau buồn vì mất mát.
Hôm rồi tham dự buổi ra mắt phim “Wind river”, tôi lại sốc trước những cái chết của những cô gái. Vùng đất đó quá khắc nghiệt với phụ nữ, một nơi mà mọi luật pháp được thay bằng luật rừng, một nơi mà những ông bố bà mẹ có con gái không bao giờ dám ngơi mắt khỏi con, vì, chỉ cần chớp mắt một cái, tính mạng con gái họ có thể bị đe doạ ngay lập tức. Tôi nhớ hoài cái cảnh gần cuối phim, hai ông bố đều có con gái đã bị giết, ngồi cạnh nhau, cùng nhìn ra phía đường lộ chỉ lác đác một vài chiếc xe đi lại “Anh ngồi với tôi thêm một lát được không. Tôi có cảm tưởng rằng nếu ngồi đây, tôi có thể thấy con bé và nhớ về nó”. Hai người đàn ông, hai người bố, hai trụ cột trong gia đình luôn đau đáu vì đã thất bại trong nhiệm bả vệ những đứa con gái của mình. Họ chỉ còn có thể nói với nhau về những sự kiện của “ngày hôm đó”: “Nếu ngày hôm đó tôi không gọi vợ tôi lên với tôi…”, “Nếu ngày hôm đó tôi gọi cho con bé…”. Nhưng, tất cả cũng chỉ là của “ngày hôm đó” mà thôi, thực tại thì cả hai người đã vĩnh viễn không còn được thấy những cô con gái của họ quây quần trong những bữa cơm tối hay những hoạt động cuối tuần.


Chúng ta, dù có rút kinh nghiệm đến lần thứ bao nhiêu đi chăng nữa, thì vẫn cứ bị vướng mắc một lỗi gì đó cho những ngày sống tiếp theo. Chúng ta hay “giá như…” mình đã làm những điều này điều kia lúc người thân, bạn bè của mình còn sống, chúng ta hay “ước rằng…” họ ở với ta lâu hơn chút nữa, nhưng nếu thật sự họ được tử thần cho thêm vài ngày sống, chúng ta có chắc chắn rằng sẽ làm những việc mà mình đã ước sau khi họ đã không còn? Hay chúng ta vẫn cứ bình thản, rồi khi những gì thân thuộc, quý giá tuột khỏi tầm với, chúng ta mới “giá như…” và “ước gì…”, chúng ta cứ xoay vòng trong cái mớ hỗn độn của tiếc nuối và hối hận, rồi quay sang oán trách thời gian, sau đó mới rút ra được bài học rằng thời gian chẳng có lỗi gì trong tất cả quãng đời của chúng ta cả, vị thần thời gian đã làm hết sức công việc của mình, còn chúng ta thì chỉ biết trách cứ mà thôi.


Ai rồi cũng mất đi, ai rồi cũng trải qua những khoảng trống vô tận trong cuộc đời mình vì những đau thương mất mát. Hầu như ai cũng biết điều đó, nhưng chẳng mấy ai ý thức được rằng mình sẽ phải làm gì để không ân hận sau khi mình hoặc những người thân thương của mình không còn ở trên dương thế này. Tôi quen một anh đạo diễn trẻ, anh nói với tôi rằng “Mình còn làm được và có cơ hội thì mình làm thôi em ơi, chờ đợi làm gì, thời gian có chờ ai không, ai có công việc của người đó chứ. Chờ mãi rồi khi già em không làm được thì lại nuối tiếc sao hồi đó có cơ hội mà không làm, hoặc có người đến lúc lìa đời vẫn còn tiếc rằng mình chưa làm được một bộ phim tử tế”. Một người bạn tôi quen thì lúc nào cũng sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng mình còn sống trên cõi đời này, lúc nào cũng nhiệt huyết, cũng lạc quan, chẳng hờn chẳng oán trách ai bao giờ “thời gian mình suy nghĩ trách móc người ta mình làm được khối việc ích lợi hơn rồi”. Tôi không cho đó là điên, là bi quan. Tôi cho đó là một những người ý thức được cuộc sống hữu hạn của đời người, nên họ có kế hoạch, họ có cách sống, họ chọn lối sống để cuộc đời họ hạn chế thấp nhất tần số của hai chữ “giá như…”
Madame de Stael nói”Chúng ta lần đầu tiên hiểu cái chết khi nó chạm tay lên người chúng ta yêu thương” .


Tôi chợt, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát nó, bằng cách quan tâm đến thực tại, sống ở thực tại một cách không hối tiếc thì dù những mất mát đau thương đó xảy ra, chúng ta vẫn yên lòng rằng chúng ta đã có những giây phút trọn vẹn bên người mà chúng ta yêu quý, chẳng có gì để mà hối tiếc. Quả thực là không dễ dàng, nhưng nếu cố hết sức, thì chẳng có gì là không được, đúng không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles