Ngày sinh của một người đánh dấu một lịch sử độc đáo xuất hiện. Khổ một nỗi, người ấy chẳng thể lường được lịch sử của mình sẽ như thế nào. Có ai biết trước mình sẽ là gì mai sau không? Thật là đúng, vì ai ai cũng phải tập đi. Ai nấy đều phải chập chững bước đi. Và những nẻo đi chẳng thể nào vẽ ra được. Thực tế là đời người gồm những lúc mạnh, lúc yếu, những sa ngã, trỗi dậy, những khúc ngoặt. Dẫu sao, gom tất cả lại sẽ làm thành một hành trình, một hành trình luôn thấy chân trời vừa xa vừa gần. Thật lạ!
Cuộc đời của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô là một trong những điển hình cho điều chúng ta vừa nói. Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires thuộc đất nước Ac-hen-ti-na, con của ông Mario Giuseppe Bergoglio Vasallo và bà Regina Maria Sivori Gogna. Cha của ngài là cư dân miền Piedmonte,nước Ý, đã di cư đến Ac-hen-ti-na; còn người mẹ của ngài lại sinh tại Buenos Aires, nhưng cũng là con gái của một người Ý di cư từ Piedmonte.
Là một trong năm người con của một gia đình có dòng máu Ý, Jorge Bergoglio lớn lên và được giáo dục tại đất nước Ac-hen-ti-na, Nam Mỹ. Nơi đây, cậu sống nếp sống của những người bình dân, nghèo khổ, nhưng lại có những mối tương giao chân tình với nhau.
Jorge có một thiên hướng học hành. Cậu ham mê văn chương và có trí thông minh sắc sảo. Cậu nhận được nền giáo dục gia đình tốt đẹp đặt nền trên tình yêu thương và sự ngay thẳng Tuổi thiếu niên, cậu hoà mình với các bạn trong những bài ca, điệu múa… nhưng cũng rất miệt mài trong việc học hành. Cậu cũng có một bạn gái rất thân tên là Amalia. Giữa bạn bè, cậu thường có những nét khôi hài, luôn nở những nụ cười trên môi mang tính lân lan tạo nên bầu khí thân thiện. Ngài đúng là con dân của Ac-hen-ti-na.
Sau khi tốt nghiệp trung học, cậu vào đại học Buenos Aires, và đạt được bằng thạc sĩ về hoá học. Giữa những thành công như báo hiệu một tương lai hứa hẹn, cậu bỗng lắng nghe được một tiếng gọi khác. Thế là Jorge bỏ cái tương lai hứa hẹn đó để bắt đầu một bước ngoặt mới của cuộc đời: Cậu đi theo một tiếng thì thầm lặng lẽ nhưng mạnh mẽ hơn cả bão táp. Đúng hơn, cậu tự trao đổi để mở ra một tương lai hứa hẹn dưới một góc cạnh khác: PHỤC VỤ NHIỀU NGƯỜI HƠN VỚI MỘT TRÁI TIM QUẢNG ĐẠI VÌ CHÚA GIÊSU.
Thế là cậu tìm hiểu, lắng nghe và phân định để rồi quyết định trở thành tu sĩ Dòng Tên. Sau khi tuyên khấn, Jorge tiếp tục học thần học với một mục tiêu duy nhất: ĐI TÌM NGƯỜI ĐÁNG YÊU NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI. Ngày 13 tháng 12 năm 1969, thày tư giáo Jorge được thụ phong linh mục. Nhưng cuộc tìm kiếm NGƯỜI YÊU vẫn chưa kết thúc. Hành trình vẫn tiếp tục. Ngày 21 tháng Tư năm 1973, cậu tuyên khấn dứt khoát trong Dòng Tên. Hết chưa? Chưa. Không thể hết được, vì vẫn còn đang trên đường mà! Mục tiêu đã rõ, Jorge tiếp tục thăng tiến, không phải trong những chức vụ cho bằng ĐỜI SỐNG TRONG THÁNH THẦN.
Ước muốn hoàn toàn thuần thục trước sự dẫn dắt vô hình của Chúa Thánh Thần chính là lối sống mà Jorge chọn theo. Thật tuyệt! Từ vai trò Giám tỉnh, rồi Giám mục phụ tá, đến Tổng Giám mục của Buenos Aires. Rồi ba năm sau, năm 2001, ngài được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II chọn làm Hồng y. MỘT HÀNH TRÌNH HOÀN TOÀN ĐỂ CHO THẦN KHÍ HƯỚNG DẪN MÀ KHÔNG BIẾT ĐẾN ĐÂU. Không thể lường trước! Sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm, ngày 28 tháng hai năm 2013, Jorge Bergoglio được các Hồng Y chọn để bắt đầu triều Giáo hoàng vào ngày 13 tháng ba năm 2013. Dẫu thế, hành trình vẫn chưa kết thúc. Vẫn luôn cần để được dẫn dắt bước đi! Vẫn luôn chập chững những bước chân trên đường đời. Vinh dự của đời người là đây: LUÔN CHẬP CHỮNG LÊN ĐƯỜNG. LUÔN LÊN ĐƯỜNG!!!
Vậy đó, bạn ạ! Chức vụ không đủ làm cho một người mang tên Jorge Bregoglio thành vĩ đại đâu. Trong các chức vụ, Jorge chập chững sống như một Phan-xi-cô At-xi-di. Nơi ngài, một điều cứ từ từ sáng tỏ: NỖ LỰC SỐNG NHƯ THÁNH PHAN-XI-CÔ KHÓ KHĂN GIỮA NHỮNG BIẾN ĐỔI. Tiêu chuẩn đánh giá sự vĩ đại hệ ở sự khiêm tốn, can đảm phục vụ cho công bằng và người nghèo; nhất thiết phải bước đi trong sự đơn giản. Dẫu là giám mục, Jorge vẫn thường cùng dân nghèo di chuyển trên những chiếc xe buýt công cộng. Dẫu là Giáo hoàng, Jorge vẫn chọn để sống như người không có một ngôi nhà vĩnh viễn, vẫn sống như trong quán trọ. Dẫu là Giáo hoàng, Jorge vẫn đến ăn với những kẻ vô gia cư và bị lao tù. Chọn từ bỏ mọi dấu ưu đãi và uy thế bề ngoài làm cuộc đời thêm tươi mới. Ngài hấp dẫn thế giới bằng một sự liên đới với người nghèo, với dân lao động. Phong thái sống giản đơn của ngài khiến cho những người ở bên lề xã hội đều có thể gọi ngài là BẠN CỦA MÌNH.
Vậy nhé, bạn cùng tôi hãy tiếp tục những bước chập chững của một đời giản đơn và phục vụ.
Văn Am, SDB