Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Truyền Giáo Ở Pháp

Tác giả: Minh Chiến, SDB

Vào cuối năm 3 triết học, tôi viết đơn xin đi truyền giáo Ad Gentes và đã được sai đến Tỉnh dòng Pháp ngày 10.10.2007 cùng với 3 anh em Sa-lê-diêng Việt nam khác. Sau 9 tháng học ngôn ngữ, rồi 2 năm tập vụ trong một trường học, 4 năm thần học ở đại học “Catholique de Lyon”, nay tôi đang phục vụ một giáo xứ Sa-lê-diêng ở Paris, với tư cách là Phó tế và ngày 27 tháng 06.2015 sắp tới, tôi sẽ được lãnh nhận Thừa tác vụ Linh mục. Ngoài ra, tôi cũng đang làm việc trong Ban Truyền thông của Tỉnh dòng.

Sử dụng người đời trong các công cuộc Sa-lê-diêng

Hiện nay Tỉnh dòng Pháp có 24 cộng đoàn với khoảng 210 hội viên, trong đó có 7 hội viên đang trong giai đoạn đào luyện. Công cuộc chính của Tỉnh dòng hiện nay là trường học, 23 trường với khoảng 32.000 học sinh. Ngoài ra còn có rất nhiều những công cuộc khác, như Giáo xứ, Nguyện xá, Trung tâm đào tạo, Trung tâm vui chơi giải trí…

Tỉnh dòng có rất nhiều công cuộc và phần lớn do người đời điều hành, vì hầu hết hội viên Sa-lê-diêng đã đến tuổi nghỉ hưu. Câu hỏi đặt ra là: khi không còn sự hiện diện của người Sa-lê-diêng, thì những công cuộc đó có còn là những công cuộc Sa-lê-diêng nữa không? Câu trả lời của Tỉnh dòng là “có”. Lý do là đã từ rất lâu, đứng trước sự thiếu hụt về ơn gọi, sau cuộc Cách mạng Văn hóa Pháp vào tháng 5 năm 1968, Tỉnh dòng đã mở ra các trung tâm đào tạo về Linh đạo Sa-lê-diêng cho người đời. Vì được chuẩn bị trước, nên các giám đốc người đời dần dần thay thế các giám đốc Sa-lê-diêng trong các trường học, cũng như trong các công cuộc khác. Chính nhờ sự cộng tác này, sứ mệnh Sa-lê-diêng vẫn tiếp tục phát triển. Người Sa-lê-diêng dần dần không còn là người lãnh đạo trực tiếp, nhưng là người đồng hành, là nhà đào luyện và truyền đạt tinh thần Sa-lê-diêng cho những ai kế nhiệm.

Những sân chơi mới dành cho Giới trẻ Sa-lê-diêng.

Trẻ em là thành phần quý giá của xã hội, nên chính quyền đã đưa ra rất nhiều đạo luật bảo vệ trẻ em. Vì thế, những người tham gia sinh hoạt cho giới trẻ phải trải qua một quá trình đào luyện nghiêm ngặt để có được những bằng cấp hoặc chứng chỉ do chính phủ Pháp cấp. Ngoài ra, Tỉnh dòng Sa-lê-diêng hiện cũng đang tổ chức những khóa huấn luyện dành cho những sinh động viên (animateur) và cấp văn bằng ở mức độ quốc gia. Với bằng cấp này, người sinh động viên được phép làm việc trong các tổ chức dành cho trẻ em. Anh em truyền giáo Sa-lê-diêng Việt Nam cũng đã trải qua quá trình đào luyện này, để biết cách hội nhập và sinh hoạt với giới trẻ Pháp.

Một trong những nhu cầu lớn của giới trẻ Pháp, đó là nhu cầu vui chơi giải trí, nhất là trong các dịp nghỉ lễ. Có 4 kỳ nghỉ trong một năm, trong đó lớn nhất là kỳ nghỉ hè: từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 9. Để đáp ứng nhu cầu này, rất nhiều trung tâm vui chơi, trung tâm nghỉ dưỡng và các trại hè đã được thành lập. Hiện nay, Tỉnh dòng có 4 trung tâm nghỉ dưỡng dành cho những gia đình không có nhiều điều kiện kinh tế và 3 trại hè dành cho các bạn trẻ.

Campo-Bosco, một trong những trại hè lớn, được thành lập cách đây 10 năm. Trại hè này là nơi quy tụ, nơi cộng tác và làm việc chung của các thành phần trong Gia đình Sa-lê-diêng: SDB, FMA, VDB, Cộng Tác Viên, Phong Trào Giới trẻ Sa-lê-diêng (MSJ) và các Tình nguyện viên. Campo-Bosco được tổ chức vào cuối tháng 8 hàng năm, kéo dài suốt 5 ngày với rất nhiều sinh hoạt như: trò chơi lớn, thể thao, sinh hoạt văn nghệ vào buổi tối, thảo luận nhóm, thánh lễ, cầu nguyện và người trẻ có thể tham gia rất nhiều những sinh hoạt năng khiếu khác. Hè năm nay dự tính có khoảng 1.000 bạn trẻ tham gia, để kỷ niệm 200 năm Sinh nhật Don Bosco. Ạnh em truyền giáo Việt nam đã tham gia tích cực trại hè này và cả những trại hè khác nữa. Địa chỉ tham khảo: https://campobosco.fr/

Festi Clip là một sân chơi khác, khá bổ ích dành cho các bạn trẻ yêu thích điện ảnh. Lễ hội này là cơ hội dành cho các bạn trẻ thuộc các trường Sa-lê-diêng có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và tranh tài về khả năng làm phim của mình. Mỗi nhóm bạn trẻ ( 14-18 tuổi) đem đến hội thi một “Clip”, thời gian khoảng 7 phút, với nội dung truyền đạt một thông điệp giáo dục. Các Clip sẽ được trình chiếu và ban giám khảo sẽ bình chọn. Những Clip đoạt giải sẽ được ban Truyền thông của Tỉnh dòng (6 hội viên Pháp và 1 hội viên Việt nam) dàn dựng lại với những kỹ thuật chuyên nghiệp. Sau đó, Clip này sẽ được đưa lên mạng internet, để các bạn trẻ tham khảo. Các nhà giáo dục có thể sử dụng nó như một phương tiện để trao đổi với các bạn trẻ về những vấn đề như phá thai, ma túy, rượu bia, facebook, tự tử, phân biệt chủng tộc… Địa chỉ tham khảo: http://www.donboscomedia.com/FestiClip_15/introfesticlip20.html

Lời kết

Nước Pháp là một xã hội tiên tiến, được tổ chức rất bài bản, chặt chẽ và nhu cầu đòi hỏi khá cao. Trước sự thay đổi và tiến bộ vượt bậc của xã hội, là những người anh đi trước, các Sa-lê-diêng Pháp đã biết cách chuẩn bị và cộng tác với người đời để các công cuộc Sa-lê-diêng không bị mai một theo thời gian. Ngoài ra, các anh em Sa-lê-diêng cũng cộng tác và làm việc rất tốt với các Chị FMA. Có lẽ do hoàn cảnh thiếu ơn gọi, nên họ cần đến nhau, như câu nói: “ Sự nghèo khó liên kết chúng ta. Sự giàu có chia rẽ chúng ta”!

Sau gần 7 năm hội nhập, học hỏi trong khiêm tốn và kiên trì, giờ đây anh em Sa-lê-diêng Truyền giáo Việt nam dần dần được trao phó trách nhiệm trong các sinh hoạt của Tỉnh dòng Pháp và từng bước khẳng định chỗ đứng của chính mình. Chặng đường phía trước còn dài, nhưng “trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”, mọi sự đều có thể.

Paris, ngày 30 tháng 4 năm 2015

NB. Cuộc cách mạng năm 1789 là cuộc Cách mạng về chính trị; còn cuộc cánh mạng tháng 5 năm 1968 được gọi là cuộc Cách mạng Văn hóa Pháp. Cuộc cách mạng này do những sinh viên trong các trường Đại học khởi xướng. Họ đứng lên chống lại cách thức giảng dạy trong các đại học, lý do là vì thiếu sự đối thoại giữa các sinh viên và giáo sư theo lối giảng dạy truyền thống cổ xưa. Họ muốn thay đổi cơ cấu giáo dục và cơ cấu xã hội.

Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng này, các chủng sinh trong các Học viện Công giáo cũng đứng lên chống lại lối giảng dạy cũ. Vì thiếu sự chuẩn bị và thiếu sự đối thoại, nên rất nhiều chủng sinh đã bỏ ơn gọi và rút lui khỏi chủng viện. Hậu quả là rất nhiều học viện công giáo đã phải đóng cửa hoặc phải bán đi, trong đó có Học viện Thần học và Triết học Sa-lê-diêng ở Lyon.

Kể từ đó, trong suốt khoảng 20 năm, tình trạng ơn gọi Sa-lê-diêng của Tỉnh dòng Pháp bị sa sút và rất nhiều hội viên Sa-lê-diêng đã rời bỏ ơn gọi, hoặc vẫn là Sa-lê-diêng nhưng sống ngoài cộng thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles