Tác giả: Văn Am, SDB
Mở đầu cho trang Giáo hội lần này, mời các bạn hãy lưu tâm tới một kinh nghiệm nhỏ: Nhiều cây tuy cùng một loại, nhưng không có rễ cây nào đâm ngang, đâm dọc, giống hệt như nhau. Rõ ràng một cây càng tôn vinh Thiên Chúa khi nó “chẳng” giống bất kỳ cây nào. Từ đây ta có thể rút lấy một bài học rất thiêng liêng: mỗi người chúng ta sẽ tôn vinh Thiên Chúa cách tuyệt vời khi mỗi người trở nên chính mình. Ta chẳng thể bắt chước ai như thể một phiên bản của cái máy tính hay máy tính bảng nào đó.
Cũng từ đây, ta nhận ra một thói xấu của con người. Ta thường phê bình gay gắt người khác về điểm mà chính mình cũng lỗi phạm, nhiều khi còn nặng nề hơn người bị phê bình nữa. Đức Giêsu tố giác thói xấu này khi nói rằng chúng ta thường thấy cái rác trong mắt người khác, còn cái đà trong mắt mình lại không nhận ra. Cũng ngạc nhiên thay nếu chúng ta để ý thêm chút nữa, ngài thốt lên: HỠI KẺ GIẢ HÌNH. Chà! Ngài vạch rõ điểm quan trọng này: Hãy chân thật với chính mình, hãy trong suốt với chính mình. Đúng là Chúa bắt ta tại trận vậy. Một phương diện nào đó, suốt đời Chúa Giêsu dường như chỉ muốn lật tẩy bộ mặt giả tạo của con người. Bao lâu không thật với chính mình, Thiên Chúa dường như chẳng thể làm gì được để cứu chúng ta. Vì lẽ ấy, ta hiểu tại sao Chúa kết luận ở cuối dụ ngôn về người thu thuế và người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện: người biệt phái ra về mà không được công chính hóa, còn người thu thuế thì được, bởi lẽ người thu thuế chân thật với mình, còn người biệt phái thì không.
Tiếp nối sứ điệp căn bản đó, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô muốn làm nổi bật điều này: các Ki-tô hữu hôm nay được mời gọi hãy chân thật với chính mình. Đức Giáo hoàng làm điều đó qua chính con người và cuộc sống của ngài. Ngài hấp dẫn nhiều con người ngày nay bằng chính sự chân thành. Hẳn bạn còn nhớ vào ngay tối hôm được tuyển chọn và ra mắt dân chúng, ngài đã cho thấy một diện mạo chủ chăn rất đơn thành, rất tự nhiên và an bình. Ngài ngỏ lời với dân chúng như sau: “Nay cha muốn ban phép lành cho tất cả anh chị em. Tuy nhiên, trước tiên cha xin anh chị em cho cha một ơn huệ trước đã: đó là trước khi vị Giám Mục ban phúc lành cho dân ngài, cha xin anh chị em cầu nguyện cùng Chúa để Người chúc lành cho cha: Dân Chúa cầu xin phép lành cho vị Giám mục của mình. Chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện cho cha nhé.” Chà! Lạ thế nhỉ! Một điều gì rất mới đang xảy ra. Một vị Giáo hoàng xin cộng đoàn chúc lành cho mình. Tất cả đều sững sờ. Sự chân thật luôn làm rúng động tâm hồn con người.
Con đường ấy, ngài dõi theo trong hành trình dẫn dắt dân Chúa. Ngài mạnh dạn dạy dỗ:
“Dấu chỉ chúng ta đang xa lìa Thiên Chúa chính là sự giả hình. Người giả hình không cần Chúa, họ tự cứu mình, vì thế, họ ngụy trang mình là vị thánh… họ cho mình là công chính hơn kẻ khác nhưng thực sự họ khinh dể người khác.” Thiên Chúa không đón nhận một ai mà không phải là chính họ. Một vị thánh nguỵ trang thì đúng là một tâm hồn ung thối tận gốc rồi! Hiện thực hơn, ngài nói đúng vào tâm lý của kẻ tự hào trước vẻ hào nhoáng giả tạo của họ như “tôi biết giám mục này, hồng y nọ, linh mục kia; gia đình tôi đã từng giúp chỗ này chỗ kia… Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là đánh bóng chính mình mà thôi. Không được! Ai trong chúng ta đều cần được công chính hóa. Và chỉ có một Đấng Công chính hóa chúng ta mà thôi: Đức Giêsu Kitô.”
Tục ngữ Anh nhận xét rất chí lý rằng không phải mọi thứ óng ánh đều là vàng cả đâu. Như thế, khi vẻ bề ngoài tan biến sẽ chỉ còn lại thực tại mà thôi. Lúc đó tục ngữ Việt nam ghi nhận rõ: cháy nhà mới ra mặt chuột! Còn Đức Giáo hoàng áp dụng điều ấy vào đời sống Ki-tô hữu của chúng ta: “Khi vẻ bề ngoài biến mất, ai ai cũng thấy rõ một thực tại rằng chúng ta không phải là Ki-tô hữu”. Theo ngài, để sống chân thực, hãy luôn sống trước nhan Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta. “Ngay cả khi miệng con chưa thốt nên lời, Ngài đã am tường hết!”. Có gì ẩn khuất được Ngài đâu!
Chính vì thế sự phân định chân chính cần biết bao. Nó không đến từ việc gắng sức “biện hộ” cho mình, song đến từ “tinh thần đức ái, hiệp nhất, vâng phục, kiên nhẫn, tính đơn sơ của Tin mừng, tình bạn chân thật với Thiên Chúa. Còn mọi sự khác chỉ là tính trần tục.” (ngỏ lời cho các tu sĩ Dòng Tên). Thật vậy, “sự bình lặng bề ngoài chẳng bao giờ làm tâm hồn mãn nguyện, song là sự bình an chân thật. Bình an đó là tặng phẩm từ Thiên Chúa. Ta đừng bao giờ tìm kiếm “sự thỏa hiệp” dễ dãi hay thực thi “sự hòa hiệp” dễ dãi. Chỉ sự phân định mới cứu chúng ta khỏi việc bật rễ thực sự, khỏi “sự dồn nén” chân thật của cõi lòng mà đó chính là sự ích kỷ, tính trần tục và đánh mất chân trời của mình”. (ngỏ lời với các tu sĩ Dòng Tên).
Để kết luận, các bạn đừng ngại đọc những lời sau đây của Giáo hoàng Phan-xi-cô. Hãy đọc và các bạn sẽ được thấm nhuần tấm lòng yêu thương cũng như những chỉ dẫn rất thực tế của ngài. Ngài mong các bạn được hạnh phúc đích thực bằng cách ngày càng trở nên chính mình hơn trong kế hoạch của Thiên Chúa. Hãy là chính mình như chính Thiên Chúa muốn nơi các bạn.
“Về điều này, Tin mừng cống hiến cho ta một cách tiến tới thật thanh thản: sử dụng ba ngôn ngữ là tâm trí, cõi lòng và đôi tay – và hãy sử dụng chúng thật hài hòa. Điều các con nghĩ, các con phải cảm nhận và làm nên hiệu quả. Thông tin các con chạy xuống trái tim và các con thực hành nó. Thật hài hòa nhé. Điều các con nghĩ, các con cảm nhận và hành động. Hãy cảm nhận điều các con nghĩ và cảm nhận điều các con làm. Hãy làm điều các con nghĩ và điều các con cảm nhận. Ba ngôn ngữ… “ (nói chuyện tại UST cho giới trẻ tại Phi Luật Tân)
Đúng là một ngôn ngữ hiện đại của thánh Âu-tinh: HÃY TIN ĐIỀU CON ĐỌC, HÃY DẠY ĐIỀU CÁC CON TIN VÀ HÃY THỰC HÀNH ĐIỀU CÁC CON DẠY.