Tác giả: Trung Tín, SDB
Mông Cổ là một quốc gia thuộc lục địa châu Á, có diện tích rộng gần gấp 5 lần Việt Nam, phía bắc giáp Liên bang Nga, còn phía nam, phía đông và phía tây giáp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy với một diện tích lớn như thế, nhưng số dân chỉ là một nhóm nhỏ với các quốc gia khác trên thế giới: 2,839 triệu theo thống kê năm 2013. Đây là một vùng đất với khí hậu lạnh thật khắc nghiệt, âm 40 độ C.
Với Giáo hội Công giáo, đây là một vùng đất truyền giáo. Sau những nỗ lực hiện diện truyền giáo trong hơn 20 năm qua, Giáo hội Mông cổ tại đây đã có số tín hữu Công giáo khoảng 800 người. Hội dòng Sa-lê-diêng Don Bosco cũng đã tích cực dấn thân vào sứ mệnh truyền giáo tại miền đất băng giá này.
Công cuộc Truyền giáo Sa-lê-diêng tại miền đất băng giá
Công cuộc truyền giáo Sa-lê-diêng trên đất nước Mông cổ được bắt đầu từ Năm thánh 2000. Thưở ban đầu, các anh em Sa-lê-diêng truyền giáo tại Mông cổ đến từ Phi luật Tân, Hàn quốc, Slovenia, và Việt nam. Họ đã đến để khởi sự công cuộc truyền giáo nơi mảnh đất hoang vu lạnh lẽo và mới mẻ này, một mảnh đất với nhiều truyền thống, phong tục, tôn giáo và lịch sử oai hùng của Thành Cát Tư Hãn mà ai nghe biết cũng đều thán phục về tài năng lãnh đạo kiệt xuất của ông. Trên lưng ngựa, với tay kiếm tay cung, ông đã chinh phục được hầu hết các châu lục. Sự oai hùng của một đế quốc Nguyên Mông như thế giờ đây cũng đã đi vào dĩ vãng. Mông cổ ngày nay chỉ vỏn vẹn ba triệu dân (thông kê 2015), sống rải rác trên 1,56 triệu cây số vuông và gần 45% dân số tập trung tại thủ đô Ulaanbaatar.
Những trải nghiệm. Chợt nhớ lại những ngày đầu tiên mới đặt chân tới, đến nay đã thấm thoát hơn 15 năm: Ôi! thời gian sao trôi qua mau thế! Dấn thân vào xứ truyền giáo, mọi sự đều lạ lẫm, từ ngôn ngữ giao tiếp với dân chúng đến những công việc mục vụ, dạy học… tất cả đều mới lạ mà chẳng được chuẩn bị trước. May mắn thay, điều mà tôi học được từ các nhà truyền giáo là việc quyết tâm sử dụng cái đầu và đôi tay của mình, “nhẩn nha” sắp đặt công việc, rồi mọi sự cũng sẽ đâu vào đó! Với một tinh thần sẵn sàng như thế, tôi bắt đầu học ngôn ngữ địa phương, văn hóa và phong tục… Thấm thoát đã 15 năm rời xa quê hương, đất nước này dần trở nên quen thuộc với tôi, quen thuộc trong lối suy nghĩ, cách sống, con người và văn hóa của địa phương. Tuy nói như thế, nhưng mọi sự cũng chẳng phải dễ dàng đâu.
Các công cuộc. Tại miền đất này, chúng tôi bắt đầu xây dựng và điều hành một trường kỹ thuật mang tên Don Bosco ngay tại thủ đô Ulaanbaatar. Trường phát triển dần trong những năm qua và hiện nay có 50 nhân viên làm việc với khoảng 250 học sinh học nghề. Ngoài ra, cộng đoàn chúng tôi còn xây dựng một trung tâm dành cho các trẻ mồ côi và hè phố với sức tiếp nhận khoảng 20 em và đặt dưới sự chăm sóc của 7 nhân viên. Sau khoảng 5 năm làm việc, chúng tôi lại bắt đầu xây dựng một cộng đoàn mới tại Darkhan, thành phố lớn thứ nhì sau thủ đô, cách thủ đô 220km về phía bắc. Khi đặt chân đến thành phố này, ngoài chúng tôi ra, tại đây chưa có một người ki-tô hữu nào cả. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc hoạt động truyền giáo với những công tác xã hội và dần xây dựng được một giáo xứ. Ngày 24.05.2015 kỷ niệm 10 năm thành lập, giáo xứ đã có hơn 200 giáo dân, một nhóm giáo lý viên và một nhóm Cộng tác viên Sa-lê-diêng. Ngoài ra, cộng đoàn còn gầy dựng một trung tâm trẻ, dạy kèm Anh ngữ, máy tính và nghệ thuật. Mặc dù tại đây chỉ có 2 anh em Sa-lê-diêng làm việc, nhưng cũng có một phòng in nhỏ, vừa dịch sách ra tiếng địa phương, vừa in ấn để phát hành. Tuy chưa có giấy phép in ấn, nhưng các sách in ra đã phát hành khắp các trường học và miền quê cách xa đó hàng trăm cây số.
Kinh nghiệm chia sẻ. Sau 15 năm làm việc tại Mông Cổ, tôi tạm chia lịch sử truyền giáo Sa-lê-diêng tại Mông cổ thành 3 giai đoạn: 5 năm đầu tiên là những bước chân dò dẫm, học ngôn ngữ và làm quen môi trường; 5 năm kế tiếp là giai đoạn mở công cuộc mới, bắt tay vào công việc: gặp gỡ dân chúng, giới trẻ, thành lập cộng đoàn Darkhan. Đây là những năm phải đương đầu với những khó khăn lớn; 5 năm còn lại vừa qua là thời gian của những thách đố trong trách nhiệm và bổn phận mới. Tất nhiên trong những năm này, vui buồn lẫn lộn, có cả những thành công và thất bại. Tuy mọi sự đều giới hạn, nhưng tôi ngày càng cảm nghiệm được tình yêu thương huynh đệ giữa các anh em, sự đồng cảm và khích lệ từ những nhân viên làm việc, sự ngây thơ và niềm vui của các học sinh, các bạn trẻ… Tất cả đã thêu dệt nên một cuộc sống cụ thể với đầy màu sắc thi vị và dĩ nhiên không thiếu những khó khăn và thách đố. Trong chính cuộc đời truyền giáo tại đây, Thiên Chúa đã chuẩn bị tất cả, điều quan trọng là chúng tôi biết thành tâm lắng nghe và đón nhận.
Truyền giáo vẫn mãi mãi là lời mời gọi của Thiên Chúa kèm theo cả những thách đố. Đức tin của Ki-tô giáo đã đến với dân tộc này tính ra đã 23 năm rồi (1992-2015), nhưng Giáo hội mới chỉ xây dựng được 6 giáo xứ với khoảng hơn 800 giáo dân mà thôi. Hai mươi ba năm có là bao! Tám trăm giáo dân cũng chẳng là nhiều! Nhưng khi nhìn thấy đức tin mạnh mẽ của giáo dân, sự sốt sắng, siêng năng và dạt dào tâm tình yêu mến Chúa, tôi phải thầm cảm tạ Chúa và khâm phục họ. Cũng chính điều đó lại kiện cường đức tin của bản thân tôi, thúc đẩy tôi tiếp tục dấn thân trong việc rao truyền Tin mừng.
Có thể nói nhờ cuộc sống ở đây, tôi đã nhận được nhiều hơn cả những gì có thể trao ban, cuộc sống cũng như ơn gọi truyền giáo của tôi mỗi ngày mỗi được phong phú hơn. Quả đúng “khi biết cho đi, là khi lãnh nhận” Tôi luôn tin tưởng và hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn nữa: các bạn trẻ tại đây nhận được nền giáo dục tốt hơn, cả trên bình diện đức tin và nhân bản. Và tôi cũng mong mảnh đất truyền giáo này sẽ được tiếp tục gieo trồng bằng những bàn tay và con tim của những nhà truyền giáo trẻ đến từ khắp năm châu lục của thế giới, những người trẻ ấp ủ khát vọng mang Chúa đến cho tha nhân.