Thursday, November 21, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Những Trẻ Gíp-si Tại Nguyện Xá Sa-lê-diêng Ở Hung-ga-ri

Tác giả: Minh Nhật, SDB

  • Chào anh, anh làm gì ở đây thế?
  • Chào con, cha là linh mục, con phải chào là ”Ngợi khen Đức Kitô” chứ!
  • Vậy hả, con đâu biết đâu, thế cha là người Trung Hoa hả?
  • Không, cha là người Việt Nam.
  • Việt Nam ở đâu vậy? Sao cha lại đến đây?
  • Việt Nam ở xa đây lắm, ở bên Châu Á, cách đây 14 tiếng bay. Cha đến truyền giáo ở đây.
  • Truyền giáo là gì?

Một cuộc đối thoại nhỏ giữa cha Giám đốc Phan-xi-cô Trần Sĩ Nghị và một em bé người Gíp-si, em mới chuyển đến thủ đô nên vẫn còn lạ lẫm, chưa biết nhiều về sự hiện diện của các Sa-lê-diêng truyền giáo đến từ nhiều quốc gia: Ấn Độ, Nigeria, Balan và Việt Nam.

Người Sa-lê-diêng & Người Gíp-si ở Hung-ga-ri

Ở Hung-ga-ri-ga-ri có hai tộc người chính: Người Hung-ga-ri chiếm đa số, và người Gíp-si. Bên cạnh những người Hung-ga-ri hiền hòa, hiếu khách và cầu tiến là những người Gíp-si với nét văn hóa du canh du cư, họ nghèo hơn, ở một mức văn minh thấp hơn, vì một phần họ thường không thích làm việc, không thích học, con cái nheo nhóc với nhiều vấn nạn gia đình. Theo tinh thần của thánh tổ phụ, việc phục vụ chính của anh em Sa-lê-diêng là hướng tới những em nghèo gốc Gíp-si khó dạy này. Ngoài một ngôi trường trung học và dạy nghề cho phần lớn các em Gíp-si, thì hầu như tất cả các cộng đoàn đều có nguyện xá là nơi các em Gíp-si thường đến chơi vào các buổi chiều sau giờ tan trường.

Hoạt động nguyện xá ở thủ đô Bu-đa-pét tương đối đơn giản, các em đến vào mỗi buổi chiều trong tuần, các huynh trưởng và những người giúp thiện nguyện, có thể là cộng tác viên, sẽ giúp các em ôn lại bài, làm bài tập, rồi sau đó chơi với các em. Các Sa-lê-diêng hiện diện cách sinh động trong lớp học, trong nhà cơm và trên sân chơi, đặc biệt khi các em chơi, vì hầu như chỉ cần hai, ba em Gíp-si cũng đủ làm thành một chiến trường nếu không có sự hiện diện của các Sa-lê-diêng. Vào cuối ngày các em được một buổi ăn nhẹ, và một gói đồ ăn mang về, vì hầu như ở nhà các em thường không được quan tâm đủ, phần lớn các gia đình Gíp-si nghèo, ăn uống khá thiếu thốn và cha mẹ cũng chẳng quan tâm, nên công việc của các Sa-lê-diêng vừa cho cần câu, vừa cho luôn cả con cá nhỏ…

Khó khăn lớn nhất đó là giáo dục về tôn giáo và giáo dục cho các em lòng biết ơn, giáo dục cho các em trở thành những người có ích cho xã hội, vì hình như các em không có cảm thức linh thánh nên từ bao đời, cái lối sống lười biếng, ăn cắp và ăn bám dường như đã ăn vào tận xương tủy của họ. Thật khó để bảo các em cầu nguyện, hoặc dạy các em lối sống phục vụ, yêu thương, đặc biệt trong việc giáo dục giới tính, vì văn hóa của họ rất thoáng về tính dục…

Thêm vào đó, việc giáo dục các em tương đối khó, vì các em chỉ sống ở một nơi vài ba năm, rồi lại chuyển đi nơi khác, nên chủ yếu các tu sĩ Sa-lê-diêng hiện diện bên cạnh các em để gieo vào lòng các em những bài giáo lý nho nhỏ, những bài đạo đức, phép lịch sự xã giao, giáo dục các em đọc kinh cầu nguyện, và nhắc nhở các em bớt nói tục chửi thề, cũng như giúp các em ý thức tự lập, sống cho người khác…

Ngoài ra, cũng rất khó để có hòa nhập các em người Hung-ga-ri với các em Gíp-si vì hai lối sống, hai nền văn hóa khác hẳn nhau.

Mô hình Nguyện Xá Sa-lê-diêng

Nguyện xá cho người Hung-ga-ri gắn liền với giáo xứ và trường học. Các em chỉ đến vào một ngày thứ sáu hay các ngày nghỉ trong tuần, và được tổ chức bài bản với các chương trình trò chơi, các giờ sinh hoạt nhóm, cầu nguyện, khéo tay, theo từng chủ đề. Ngoài ra các ngày khác các em đến rải rác, và thánh lễ Chúa Nhật dành cho các em như là một ”nguyện xá” đặc biệt.

Một năm có những dịp tĩnh tâm. Những dịp đi picnic hay các chương trình đặc biệt theo từng mùa.

Nguyện xá hoạt động chủ yếu vào mùa hè, các Sa-lê-diêng, huynh trưởng và cộng tác viên cùng tổ chức những tuần trại hè quy mô, theo từng chủ đề đi sát với Hoa thiêng và tinh thần của nhà Dòng, nhưng cũng chủ yếu là cho các em người Hung-ga-ri. Cha Phaolo Trần Đình Biệt đã tổ chức riêng trại hè cho các em người Gíp-si và khá thành công, nhưng khi cha đi đến cộng đoàn khác, thì thầy phụ trách nguyện xá không thể tiếp tục được công việc khó khăn này.

Các em thích tự do thoải mái, nên trong những chương trình trại hè thường không chú trọng thi đua, chỉ là những khoảng thời gian chơi, thoải mái, thư giãn, thể thao, picnic, đi bơi… Tạ ơn Chúa, người trẻ vẫn đang đến với Sa-lê-diêng, vẫn đang đến với nguyện xá, và ở đây, người trẻ hấp thụ tinh thần lạc quan vui tươi, đón nhận đường lối giáo dục Sa-lê-diêng một cách tích cực.

Ngoài ra mỗi trường học của nhà Dòng đều có một nguyện xá hoạt động song song với chương trình của nhà trường vào các ngày cuối tuần, các ngày nghỉ và mùa hè như là sân chơi nối dài sau giờ học.

Ưu tư trong Viễn cảnh

Khi nói đến tỉnh Dòng, chắc hẳn ai cũng nghĩ ngay đến số hội viên hùng hậu, hệ thống đào luyện bài bản, các công cuộc hoạt động trơn tru, nhưng ngược lại, Tỉnh dòng Hung-ga-ri hiện đang trong quá trình tái khởi động. Sở dĩ thế vì trong một thời gian dài, đất nước Hung-ga-ri không có được sự thuận lợi trong việc tìm kiếm và nuôi dưỡng ơn gọi tu trì, trong khi số tu sĩ lớn tuổi lại lần lượt ra đi.

Tỉnh Dòng hiện đang hoạt động với 3 trường trung học – dạy nghề, 3 trường trung học, 1 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo, 3 giáo xứ lớn với 10 giáo họ, 1 nhà in, 7 cộng đoàn mà mỗi cộng đoàn đều có nguyện xá… nhưng số hội viên đang làm việc trong Tỉnh dòng thì chưa đầy 30 anh em, trong đó hơn một phần ba là anh em truyền giáo từ các nước đến.

Tạ ơn Chúa, tỉnh Dòng vẫn đang có một hai ơn gọi mỗi năm, và vì khó khăn về nhân sự nên sự cộng tác của các cộng tác viên, của người đời luôn là chìa khóa để duy trì và hướng đến thành công trong tương lai.

Sau hơn mười năm hiện diện truyền giáo của những anh em truyền giáo Ấn Độ, Ba Lan và Việt Nam đầu tiên trong kế hoạch châu Âu, có thể thấy được những đóng góp tích cực, các anh em truyền giáo mang lại một làn gió mới, với nhiều sắc thái văn hóa, nhiều sắc thái Sa-lê-diêng từ nhiều vùng khác nhau để đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Dòng. Sau thời gian được đào luyện tiếp tục ở đây, họ đã bắt đầu nhận những trách vụ. Họ không chỉ đứng sau cánh gà, sau hậu trường, họ mang những tinh hoa của tỉnh Dòng mẹ để hội nhập văn hóa, phục vụ tỉnh Dòng truyền giáo. Có thể thấy rõ điều này qua việc đón nhận anh em truyền giáo của người bản xứ. Phần lớn là yêu mến, kiên nhẫn, chấp nhận và biết ơn, vì họ biết, nếu không có sự hiện diện của anh em, có lẽ đã không còn là một tỉnh Dòng độc lập. Hơn nữa, mô hình ở Hung-ga-ri cũng đã trở thành mô hình cho một số tỉnh dòng lân cận trong việc đón nhận hội viên nước ngoài dựa theo ”Kế hoạch Châu Âu” của Tu Hội.

(Hiện nay, cha Phan-xi-cô Trần Sĩ Nghị đang là giám đốc của một cộng đoàn kiêm cha phụ trách một giáo sở tại thủ đô Bu-đa-pét. Cha Phao-lô Trần Đình Biệt sau thời gian làm quản lý ở cộng đoàn đào luyện, năm nay ngài đến phụ trách nguyện xá ở một cộng đoàn khác, là nơi mà công cuộc nguyện xá đã ”chết” từ lâu. Cha Savio Phạm Quốc Thái Hùng sau thời gian làm việc tại lưu xá của trường dạy nghề Don Bosco dành cho các trẻ em Gíp-si, hiện đang phụ trách nguyện xá tại một cộng đoàn ở miền Tây nước Hung-ga-ri. Cha Gia-cô-bê Nguyễn Hải Ly sau thời gian phụ trách nguyện xá, hiện đang làm quản lý một cộng đoàn tại Bu-đa-pét)

Hoạt động với cộng đoàn Việt Nam

Cha Phan-xi-cô Nghị cũng đang sinh động một cộng đoàn những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hung-ga-ri. Cộng đoàn được khai sinh do nỗ lực của một linh mục dòng Ngôi Lời sống tại Đức, sau đó được trao lại chính thức cho cha Phan-xi-cô Nghị và anh em Sa-lê-diêng từ ngày có bốn anh em Việt Nam đến Hung-ga-ri. Sau hơn 10 năm hoạt động, cộng đoàn công giáo Việt Nam đã hoạt động rất tốt và có ảnh hưởng tích cực đến người dân và hội viên bản xứ. Không chỉ là nơi nuôi dưỡng đức tin cho bà con Việt kiều mà còn được công nhận như một thành phần chính thức trong một giáo sở tại thủ đô Bu-đa-pét.

Xin tiếp tục đồng hành với tỉnh Dòng nhỏ bé của chúng con bằng lời cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cho Tỉnh Dòng nhỏ bé của chúng con có thêm nhiều ơn gọi, cầu nguyện cho anh em truyền giáo chúng con luôn can đản và vững bước, để chúng con nhiệt tâm phục vụ và phục vụ ngày một đắc lực hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles