Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Mong Ước Một Gia Đình

Tác giả: Hải Văn, SDB

Angry man leaving family after conflict. Woman and man quarreling, father leaves thinking of divorce, child suffering, wife crying.

“Thầy ơi! Sao con có nhà mà không được ở trong nhà vậy thầy?”

Câu hỏi của Minh khiến tôi giật mình vì ngạc nhiên. Chợt mấy em nhỏ đang chơi bắn bi cạnh đó nhao nhao giành nhau nói: “Thằng Minh nó có bố mẹ đó thầy”, “Nó còn có em nữa cơ”…

Những câu nói của các em khiến tôi không hoang mang. Bởi hầu như các em trong làng đều mồ côi, hoặc một vài em mồ côi cha, hoặc mẹ. Tôi ngồi xuống bên Minh, ngạc nhiên trước thổ lộ của Minh, bởi mỗi chiều thứ 7, anh em Sa-lê-diêng chúng tôi đến để dạy cho các em môn vẽ, đàn nhạc, chơi bóng bàn, cầu lông… và trò chuyện với các em, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe về trường hợp này trong một làng trẻ mồ côi.

Minh ngồi đó, vân vê viên bi trong tay và im lặng như thể đang thả hồn về một phương trời nào đó. Tôi hỏi em: “Vậy là em có một mái nhà phải không Minh?”. “Dạ, con còn có đủ ba mẹ nữa đó thầy” –  Minh đáp vẻ chán nản. Một đứa nhỏ góp chuyện: “Nó có cả bố lẫn mẹ đó thầy. Thỉnh thoảng bố nó đến thăm vào ngày Chủ nhật. Thế còn hơn chúng con. Chẳng đời nào có ai đến thăm!”. Hình như với các em nơi đây, có bố mẹ là một niềm vui, niềm hãnh diện so với những bạn khác. Tôi lại thắc mắc: “Vậy sao em lại vào ở trong này. Em vào ở đây đã được lâu chưa?”. Với vẻ chậm rãi và nhẹ nhàng, em bắt đầu kể về cuộc đời mình.   

Cách đây khoảng 2 năm, Minh đã từng được sống trong một mái ấm tràn ngập niềm vui và tình thương yêu của ba mẹ. Cuộc sống của cậu bé 10 tuổi tràn ngập nụ cười và hạnh phúc, êm đềm như trong câu chuyện cổ tích, thế nhưng, một tối nọ, em được ba mẹ gọi vào phòng khách cùng với cậu em 5 tuổi. Chính tại chỗ này, em lần đầu được nghe về hai chữ “ly dị”. Em cũng lần đầu nếm được vị đắng của cuộc đời, vị lạnh của một đời sống không gia đình.

Mẹ bỏ đi, em khóc lóc xin bố đừng đuổi mẹ đi, nhưng làm sao được: Bố mẹ em đã ly hôn. Rồi “Ông tòa án” lạnh lùng chia cắt gia đình em: Mẹ sống ở một nơi khác, còn hai anh em ở lại với bố.

Rồi thời gian cũng cứ thế trôi đi cho đến một ngày bố lấy người vợ mới. Từ ngày ấy, Minh bắt đầu thay đổi. Em lầm lì hơn, trốn học thường xuyên, và quán game trở thành “ngôi nhà mới”. Hậu quả đến không lâu sau đó: Kết quả học tập giảm sút, em chẳng còn thiết tha học hành gì nữa, và game là nơi trú ẩn của em. Để có tiền chơi game, em phải nói dối bố, khi túng quá em cũng trổ ngón “đạo chích”.

Sống trong một ngôi nhà không được quan tâm, yêu thương của gia đình, em dần trở nên người xa lạ và lẻ loi. Người thân duy nhất lúc này của em là đứa em trai. Em đã trải nghiệm về sự nghiệt ngã của cuộc đời, nỗi đau sống trong một gia đình tan vỡ. Hạnh phúc mà em và em trai đáng được sống lại bị “đánh cắp” ngay từ lúc thơ bé bởi chính những người thân yêu, những người đáng lẽ phải sống vì hạnh phúc của các em. Giọng em nghẹn lại: “Nếu vẫn còn có mẹ ở với ba như lúc trước, con đã không như thế. Lúc trước con là học sinh giỏi đó thầy, rồi sau đó chán chường và giờ trở thành học kém và vô gia đình”.

Khi cô giáo mời bố em lên gặp mặt, mọi chuyện về em mới vỡ lỡ, bởi bấy lâu bố em chẳng quan tâm xem em đang làm gì và sống thế nào. Bố chẳng cần biết đến sự nổi loạn của tuổi mới lớn là thế nào. Trước mắt bố, em chỉ là một đứa lêu lổng, phá phách. Không thuyết phục nổi đứa con hư hỏng này, bố chẳng cần kiên nhẫn: Gửi vào làng trẻ mồ côi. Thế đấy, em nghiễm nhiên trở thành mồ côi khi vẫn còn đủ cha mẹ và một mái nhà!!!

Em bỏ ngôi nhà của mình, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, khát mong có một mái ấm vẫn cứ nung nấu.

Thời gian đầu vào ngôi làng mồ côi này em vẫn nỗi loạn, và đôi khi tìm cách trốn ra ngoài. May mắn là ở đây có những bàn tay chăm sóc em, có những tấm lòng quan tâm đến em, và nhất là trái tim yêu thương em: Đó là một phụ nữ được gọi là “mẹ”, trách nhiệm săn sóc một nhóm trong mái ấm, khoảng chừng 15 thiếu niên. Những người mẹ này không lập gia đình, họ chăm sóc các em như con cái thực sự của bản thân họ. Còn các em, dù không nói ra nhưng đều thao thức một mái ấm, cũng cố gắng sống với nhau trong tình yêu chan hòa như anh em trong một nhà. Với những chia sẻ thực tế của ngày sống, em dần khám phá ra được tình người của những tâm hồn bơ vơ, những cõi lòng khát mong hạnh phúc… Tất cả đã nhóm lên ngọn lửa yêu thương, và giúp em biết tìm ra ý nghĩa sống.

Tại đây, Minh hiểu hơn giá trị của tình người và dần yêu hơn mái ấm của mình. Tuy vậy, vẫn khắc khoải trong thâm tâm của Minh một khát vọng được sống với chính gia đình của mình. Mỗi dịp gặp lại bố hay mẹ trong cuộc viếng thăm hàng tháng, hoặc được gặp lại em trai đều để lại trong em nỗi mong nhớ khôn nguôi. Trong mơ, em vẫn mơ về mái nhà xưa với tiếng cười tràn ngập của thuở ban đầu, với cha mẹ là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời Minh và là tổ ấm để hai anh em được lớn lên thành người và tung cánh vào đời.

Cuộc gặp gỡ với Minh để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ về “Ai là người lạ, ai là người thân?”. Tôi cũng tự chất vấn mình về gia đình của mình, về cộng đoàn nơi tôi đang hiện diện, và tôi có thể làm gì để đóng góp vào việc xây dựng một mái ấm đúng nghĩa: Cho tôi và cho các bạn trẻ mà tôi đang phục vụ? Bởi tôi biết, trong tận thâm sâu, ai cũng mong ước mình có một gia đình đúng nghĩa, được cư ngụ trong một mái ấm, và nhất là ước mong con tim mình trở thành mái ấm cho người khác nương tựa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles