Wednesday, October 23, 2024
spot_img

Bài Nổi Bật

spot_img

Bài Viết Mới

Lớn Lên Những Mầm Xanh Ơi!!!

Tác giả: Văn Am, SDB

Cuộc đời luôn tăng trưởng. Thể xác lớn lên như thổi. Vào cái tuổi ăn không biết no, các bậc cha mẹ gặp nhau thường kháo láo về con mình rằng “Mới may cho nó cái quần cái áo hôm qua mà rồi lại thấy chật rồi!”.

Tuổi trẻ như những mầm xanh lớn lên. Sự lớn lên ấy càng phải được thể hiện trong phần tâm linh, bởi con người là hồn là xác. Nếu thể xác con người có một lúc chựng lại, hết lớn, thì tinh thần vẫn phải luôn lớn mãi, không được ngừng. Một kỹ sư, bác sĩ mà tự cho là đủ với những kiến thức mình tìm tòi được, thì chẳng mấy chốc sẽ bị lỗi thời. Càng đúng hơn thế nữa cho đời sống thiêng liêng. Đời sống nội tâm mà ngừng lại thì chỉ mang lại buồn tẻ, thất vọng.

Nhưng câu hỏi có lẽ quan trọng không kém chính là làm thế nào để lớn lên xanh tươi mãi. Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dẫn cho chúng ta ba điều quan trọng và nằm trong tầm với của chúng ta.

NHỚ LẠI – HOÀI NIỆM

Những lúc mệt nhọc, ta thường nhớ lại những giây phút tuyệt vời của thời thơ ấu: Được cha mẹ nâng niu, ấp ủ. Nhiều khi một tấm ảnh cũ của gia đình, của cha mẹ cũng đủ gợi lên tình cảm, sự thán phục, có sức khôi phục độ nồng cháy trong tâm hồn mệt mỏi. Bức hình đó không phải là một thứ thời trang chóng qua. Nó ôm ấp cả một lịch sử của gia tộc, những hào hùng của một cội nguồn. Đánh mất lịch sử của mình thì chỉ trở nên vong thân mà thôi.

Dân Israel nhiều lần lãng quên Thiên Chúa. Họ bị khiển trách vì không nhớ lại những việc Chúa làm. Đang khi đó, người môn đệ đích thực thì luôn nhớ mãi buổi gặp gỡ với Đức Giêsu; người tín hữu chân thật luôn ghi nhớ những sự việc ấy trong lòng. “Tín hữu thiết yếu là người ghi nhớ” [mọi sự trong lòng].

Thật vậy, “Đức tin được nuôi dưỡng bằng cách nhớ lại: Nhớ lại giao ước, nhớ lại lời hứa… Thiên Chúa không phải là Đấng bất chợt, Thiên Chúa không phải là Đấng của giờ chót, không có lịch sử gia đình, Thiên Chúa không phá huỷ những thứ có trước, coi chúng cổ lỗ sĩ”. Tâm linh của chúng ta được lớn lên khi trở về lại với những ân sủng nền tảng, tìm lại kho tàng và kinh nghiệm giúp hiểu sâu xa hiện tại hơn. Đức Thánh Cha viết: “Đây thực sự là một điều “cách mạng”: Sự trở về gốc rễ của chúng ta. Hoài niệm của chúng ta về quá khứ càng rõ ràng, thì tương lai xuất hiện cho chúng ta cũng càng rõ ràng; bằng cách này chúng ta có thể thấy con đường thực sự là mới mẻ và phân biệt nó với  những con đường mà chúng ta đã từng đi, song chẳng dẫn chúng ta đến đâu cả”. Vì thế mà Thánh Thể, trung tâm đời sống chúng ta, là CUỘC TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ, CÁI CHẾT VÀ PHỤC SINH CỦA CHÚA. Thật thế, “Thánh lễ là cuộc đời tôi và đời tôi là một Thánh Lễ liên tục” (Albert Hurtado).

HY VỌNG

Nhưng đức tin lớn mạnh trong đức cậy. Không thể sống mà không hy vọng. Chúng ta tin Thiên Chúa đã gieo vào trong ta những ước mơ vĩ đại. Để có thể lớn lên luôn mãi, chúng ta đừng để ai đánh cắp ước mơ của chúng ta. Đức Thánh Cha viết: “Đức cậy vẫn được thả neo trong Đức Kitô… làm cho ánh nhìn về phía sau của đức tin nên cường tráng, khiến chúng ta khám phá ra những điều mới mẻ trong quá khứ”.

Hơn nữa, hy vọng trải rộng tới những biên cương xa xôi nhất, trong tất cả sự trải rộng và chiều sâu của cái tức thời và hiện tại hằng ngày; đức cậy nhìn thấy những khả thể mới trong người xung quanh và trong điều được thực hiện ở đây và lúc này. Hy vọng là biết cách nhìn – nơi khuôn mặt của người nghèo mà ta gặp mỗi ngày – cùng một Đức Chúa sẽ lại đến để phán xét chúng ta theo tiêu chuẩn chúng ta đã đọc trong Tin mừng Mát-thêu 25: “Khi anh em làm một điều cho anh chị em nhỏ nhất của ta, là anh em đang làm cho chính ta”. 

Như thế, rất hiện sinh, đức tin tiến bộ bằng việc tin vào “sự thúc đẩy” siêu việt vốn làm chuyển động – tích cực và linh hoạt – hướng tới tương lai, song cũng hướng tới quá khứ trong tất cả chiều rộng của thời khắc hiện tại. Đây là cách thức chúng ta giải thích đoạn thư Ga-lat khi nói đến điều thực sự đáng kể là “đức tin hoạt động bằng đức ái”: Được chuyển động bởi hoài niệm, đức ái đó với ca ngợi và vui tươi tuyên xưng rằng nó đã nhận được tình yêu; khi nhìn lên cao, đức ái đó tuyên xưng nó ước ao rộng mở tâm hồn mình cho sự thiện sung mãn vĩ đại nhất; hai lời tuyên xưng này của một đức tin giàu có trong niềm tri ân và hy vọng chuyển thành hành động trong hiện tại: Đức tin tuyên xưng chính mình trong thực tiễn, bằng cách đi ra khỏi chính mình, bằng cách siêu việt chính mình trong thờ lạy và phục vụ.

PHÂN ĐỊNH

Trên đường có lúc chúng ta phải đi chậm lại, quan sát một chút, rồi lấy đà nhún tới. Nhất là tại những giao lộ của hành trình. Văn hoá Việt Nam đã lại chẳng nói: Lùi một bước để tiến hai bước đó sao? Chúng ta luôn bị cám dỗ thực hiện ngay “thúc đẩy đầu tiên”, giải quyết ngay vấn đề. Và như thế ta dễ bị lừa đảo. Lãnh vực tâm linh cũng thế. Đức tin còn phải được nối kết với sự phân định.

Rất thường ta bị phơi trần cho chủ nghĩa chủ bại, vốn làm thui chột ý chí, sự bạo dạn và nhiệt tình. Rất nhiều khi ta đã bị thua trận trước khi lao vào cuộc chiến đấu! Đức Thánh Cha viết: “Không ai có thể đi ra chiến trận trừ phi họ hoàn toàn thâm tín về chiến thắng trước. Nếu ta bắt đầu không chút tự tin, chúng ta đã mất nửa cuộc chiến và chôn vùi tài năng của mình. Đang khi rất ý thức về những mỏng dòn, chúng ta phải tiến bước không chút đầu hàng, ghi nhớ lời Chúa nói cho thánh Phaolô: “ Ơn thày đủ cho anh; quyền năng của thày nên hoàn hảo trong yếu đuối” (2 Cr 12, 9)… Tinh thần chủ bại xấu xa … muốn tách lúa ra khỏi cỏ lùng ngay tức khắc; nó là trái đắng của sự thiếu tin tưởng, lo âu và tập trung vào chính mình… Đôi khi điều này trở thành một thập giá nặng nề, nhưng chính từ thập giá, từ cạnh sườn bị đâm thâm mà Chúa ban chính mình cho chúng ta những nguồn nước hằng sống. Ma quỷ, kẻ lừa dối, tấn công những điểm yếu của ta để lấy khỏi ta những gì hắn muốn. Hắn tìm cách ăn cắp niềm vui của chúng ta – như thể hắn muốn ăn cắp chúng ta thời khắc hiện tại – và hy vọng – đi ra và tiến bước”… Khi mất điều này, chúng ta sẽ thành những kẻ bi quan càu nhàu và thất vọng, “những kẻ bẳn gắt”.”

Phân định luôn cần liều lĩnh: “Một tâm hồn truyền giáo ý thức rằng mình phải tăng trưởng trong sự hiểu biết về Tin Mừng và phân định những nẻo đường của Thần khí… Sự phân định này kéo theo một hành vi đức tin mặc nhiên vào Đức Kitô đang hiện diện trong những người nghèo nhất, những con chiên bị lạc. Đức Kitô hiện diện nơi những người đến gặp chúng ta như Giakêu, người phụ nữ tội lỗi trong nhà Simon Biệt phái… Đức Kitô hiện diện nơi những người chúng ta chạy tới gặp gỡ, cảm thương họ đang nằm bên vệ đường. Tin rằng Đức Kitô đang ở đó, phân định cách tốt nhất để làm một bước nhỏ đến với Ngài vì sự thiện của người đó: Đây là cách thức đức tin tăng trưởng. Giống như ca ngợi Ngài là tiến tới trong đức tin và liên lỷ khao khát Ngài hơn, đó là tiến bước trong đức tin vậy.

KẾT LUẬN: NỀN ĐẤT VỮNG CHẮC CỦA THẬP GIÁ

Tôi muốn kết luận bằng một hình ảnh cụ thể được Đức Thánh Cha sử dụng. Ta nhìn vào cầu thủ bóng rổ. Anh ta đảo người nhanh nhẹn, bảo vệ quả banh, hy vọng ném vào rổ, kiếm một ai đó để chuyền banh… Tất cả điều ấy có được là vì nhờ đặt đôi chân trên đất bằng. Đối với chúng ta, chân trụ phải đặt vững nền vững chắc là thập giá Đức Kitô. “Thập giá được trồng vững vàng đang khi thế giới xoay chuyển”. Hãy đặt nền vững trên thập giá. Thư Do thái nói rõ: “Nhìn vào Đức Giêsu vị tiên phong và hoàn hảo đức tin của chúng ta”, chúng ta sống và chuyển động bằng cách nắm giữ vững các hoài niệm của chúng ta – nhớ đến “đám mây chứng nhân vĩ đại – đang khi chúng ta kiên trì chạy cuộc đua được đặt trước chúng ta”, phân định những cám dỗ chống lại đức tin, “hầu anh em không mệt mỏi hay nản lòng” (x. Thư Dt 12,1-3). Như thế, MẦM XANH SẼ VƯƠN LÊN MÃI!!!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Popular Articles