Câu chuyện Sư phạm số 49
Ban Truyền Thông
Ngày kia có một gia đình sinh sống trong một căn nhà cách Trung tâm Thương mại vài cây số. Đó là một trung tâm lớn, bán tất cả mọi sự thượng vàng hạ cám.
Trong gia đình ấy có 4 người: Người cha làm việc trong một văn phòng của thành phố, người mẹ giúp việc vào buổi sáng sớm tại một công ty vệ sinh, và hai đứa trẻ tên Gian-bi 9 tuổi, Gian-ni 7 tuổi. Tất cả họ đều thương mến nhau, lẽ dĩ nhiên trong cuộc sống làm sao tránh được chữ “nhưng”… nào đó.
“Mua cho con cái này, mua cho con cái kia”
“Ba đừng quên mua bộ đồ người nhện Kinder cho con, ba nhớ đó!”, Gian-bi gào lên khi thấy ba chuẩn bị đi làm. “Con muốn một bộ đồ mới cho con búp bê. Mẹ nhớ đó!”, Gian-ni thường hay giật gấu áo của ba mè nheo, nài nỉ.
Nếu như người mẹ có việc ra ngoài, thì ngay lập tức “bản nhạc” ấy lại được tấu lên: “Mẹ mua cho con Chuột Mickey nhé!”, “Con muốn mua đồ chơi điện tử, mẹ nhớ đấy”, “Đôi giầy trượt pa-tanh nhất định phải có trong tuần này đó mẹ!”. Cứ thế, bản nhạc này được ca lên kể cả trong ngày Chúa Nhật.
Và khi ba mẹ trở về nhà, hai đứa trẻ luôn tàn nhẫn hỏi: “Ba có mua cho con cái này không?”, “Mẹ có đem cho con cái kia về không?”. Chúng chẳng cần biết đến phản ứng hay tâm trạng của cha mẹ. Nhưng nếu có điều gì đó không hài lòng, ngay lập tức chúng ngồi bệt xuống đất, khóc lóc thảm thiết, miệng tru tréo: “Các bạn của chúng con đứa nào cũng có cái này cái kia…”, “Ba mẹ không thương con!”.
Thảm họa xảy ra khi một ngày nọ, cả gia đình vào Trung tâm Thương mại. Hai đứa trẻ nhanh chóng đẩy xe, đến các kệ hàng, chất đầy vào xe đẩy các thứ như là đồ ăn đồ uống cùng với đồ chơi, quần áo và mọi sự đại loại như thế. Ba cái xe đẩy chất đầy đồ là kết quả của một buổi sáng mua sắm. Thấy vậy, người cha chỉ biết rên lên: “Thôi, đủ rồi! Chỗ đâu mà để những thứ này”. Còn người mẹ chỉ biết thở dài: “Thật là không thể chịu đựng hơn nữa”. Người cha nhìn vợ nói nhỏ: “Này, chúng ta phải làm một cái gì chứ! Thật dứt khoát”. Người mẹ đề nghị: “Hay là chúng ta hãy để bọn trẻ ở lại đây”. Nói đoạn, hai vợ chồng nháy mắt và nhẹ nhàng rời khỏi siêu thị.
“Chúng ta không có tiền!”
Bị chìm đắm trong thế giới đồ chơi, hai đứa trẻ không hề nhận ra rằng ba mẹ của chúng đã ra khỏi Trung tâm. Vì thế cả hai đứa vẫn cứ miên man: “Xem cái này này, anh hai”, “Nhìn cái kia xem, em gái!”.
Đã gần tới giờ siêu thị đóng cửa, hai đứa trẻ đẩy ba xe đẩy đến chỗ tính tiền, nhưng chúng không tìm thấy cha mẹ ở đâu. Cô bé Gian-ni lo lắng nhìn cậu anh nói: “Làm sao có tiền để trả đây?”. Gian-bi nói: “Chúng ta mau mau trả số đồ này lại chỗ của nó”. Nói đoạn, cả hai mau chóng đẩy xe đi đến các quầy hàng. Tuy nhiên, hai đứa trẻ loay hoay mãi mà không thể xếp cho xuể số hàng đã lấy xuống. Chúng vừa mệt, vừa sợ hãi.
Bỗng cô nhân viên đến gần, cô ân cần hỏi: “Hai cháu làm gì thế?”.
“À, à… chúng cháu…” – Gian-bi gãi đầu ngại ngùng nói.
“Chúng cháu không tìm thấy ba mẹ nên…” – Bé Gian-ni ngây thơ nói.
“Cô hiểu rồi. Các cháu muốn mua hàng mà không có tiền phải không? Không sao, chúng ta thử xem thế nào nhé!” – Vừa nói, cô nhân viên cùng hai đứa trẻ đẩy xe ra một quầy tính tiền còn trống.
Những con tính và bài học
Cả ba người bày hàng trên quầy, và cô nhân viên bắt đầu tính tiền số hàng trên xe. Tiếng máy tính chạy sè sẻ, số tiền cứ tăng lên, tăng lên dần với số hàng chất thành đống trên quầy. Cuối cùng, cô quay qua Gian-bi, tinh nghịch hỏi:
“Đây là hóa đơn tính tiền. Cháu có tiền không?”
“Cháu không có!” – Gian-ni đáp.
“Cháu có 10.000 đ”. Bé Gian-bi móc túi quần, lấy ra một tờ tiền giấy đưa cho cô nhân viên.
“Ồ, vậy thì chúng ta xem có món hàng nào là mười ngàn không nhé!” – Vừa nói, cô nhân viên vừa duyệt lại tờ hóa đơn, rồi kết luận: “Rất tiếc, mọi món hàng đều trên 10.000 đồng. Chúng ta làm gì được bây giờ nhỉ”.
Gian-ni nói tiếp: “Nếu có ba mẹ cháu ở đây, ba mẹ cháu sẽ mua. Ba mẹ mua cho chúng cháu mọi thứ chúng cháu muốn”.
“Thế à? Vậy chắc là ba mẹ cháu có nhiều tiền lắm. Nào, nói cho cô xem ba mẹ cháu làm nghề gì đi”.
Gian-bi nhanh nhảu đáp ngay với vẻ tự hào: “Dạ, ba con làm nhân viên văn phòng, còn mẹ con giúp việc vệ sinh bán thời gian cho một công ty”.
Cô nhân viên chăm chú lắng nghe và rồi dò hỏi: “Thế cháu có biết lương ba mẹ cháu được là bao nhiêu không?”. Lần này, Gian-ni trả lời chắc nịch: “Ba được 6 triệu, mẹ được 2 triệu”.
“Vậy thì tất cả ba mẹ cháu kiếm được 8 triệu một tháng. Bây giờ các cháu đọc thử hóa đơn này xem”.
“Hai triệu sáu trăm bốn mươi ba ngàn đồng”, Gian-bi đọc lên.
“Ồ, vậy có một buổi sáng mà số hàng các cháu mua đã lên đến gần 3 triệu rồi! Vậy thì sao nhỉ?”.
“Nhiều quá. Ba mẹ cháu không có tiền mua số hàng này đâu!” – Gian-bi kêu lên.
“Anh hai ơi. Hay là mình trả lại hết hàng đi!” – Bé Gian-ni lo lắng.
“Các cháu thực sự không cần các món đồ này sao?”.
Hai đứa trẻ ngây thơ trả lời: “Không ạ”.
Cô nhân viên nói nhỏ với hai bé, vẻ mãn nguyện: “Hai bé rất ngoan, biết suy nghĩ cho ba mẹ. Cô cũng thấy ba mẹ của các cháu phải làm việc rất vất vả mới có đủ tiền nuôi các cháu ăn học, cho nên, nếu như các cháu không cần những thứ như đồ chơi, áo quần hay kẹo bánh thì đừng đòi ba mẹ mua nữa nhé!”.
Hai đứa trẻ đồng thanh đáp: “Vâng ạ”, bé Gian-bi nói thêm: “Xin cô giúp chúng cháu trả lại những món hàng này nhé”.
Vừa lúc ấy, ba mẹ hai đứa trẻ bước vào Trung tâm Thương mại. Vừa thấy ba mẹ, hai đứa trẻ chạy ào đến và ôm chặt lấy họ. Người cha tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao, hai con vẫn còn ở đây sao?” – Rồi ông quay qua cô nhân viên: “Các cháu có làm phiền gì cô không?”. Cô nhân viên trả lời: “Không đâu ạ! Các cháu ngoan lắm. Các cháu không muốn mua gì cả vì sợ ba mẹ phải tốn tiền…”
“Sao, các con của ba bắt đầu lo lắng cho ba mẹ của các con từ khi nào thế?”. Hai đứa trẻ dụi đầu vào mẹ, như muốn nói thay cho lời xin lỗi. Trong lúc ấy, người cha, người mẹ và cô nhân viên cùng nháy mắt gật đầu, hài lòng về một kế hoạch hoàn hảo.
NHỮNG CHỈ DẪN SƯ PHẠM
Kinh nghiệm ẩn giấu trong câu chuyện
Gian-bi và Gian-ni bị mất hút trong một rừng các đồ vật. Trẻ em thường dễ làm con mồi cho truyền thông, quảng cáo, và những quyến rũ mời mọc mua bán các thứ. Các em tin tưởng mọi sự và không nghi ngờ ai. Các em cũng chưa phân biệt được giá của một cái kẹo và một món đồ chơi, cũng không biết giá trị của tiền bạc, vì thế, cha mẹ cần giáo dục con cái về giá trị và việc sử dụng tiền bạc.
Gian-bi và Gian-ni sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm về tiền bạc nếu không bị bỏ lại một mình trong siêu thị và bị chất vấn về số tiền phải trả. Cô nhân viên và cha mẹ đã cùng nhau tạo một tình huống để chính hai em nhận ra bài học và tự đi đến quyết định.
Câu hỏi gợi ý
- Gia đình Gian-bi và Gian-ni sống ở đâu? Ba và mẹ của hai bạn nhỏ này làm nghề gì?
- Theo các bạn, sự cố xảy ra trong Trung tâm Thương mại đã cho hai bạn nhỏ này bài học gì?
- Đâu là trò chơi bạn thích nhất? Bạn thường dành ra bao nhiêu thời gian cho việc chơi trong ngày?
- Khi đi cùng ba mẹ đến siêu thị, có khi nào bạn mè nheo đòi ba mẹ mua bánh kẹo hay đồ chơi không?
- Đâu là chương trình quảng cáo trên ti-vi mà bạn thích nhất? Có khi nào bạn đòi ba mẹ mua thứ đồ giống như bạn đã được xem trong chương trình quảng cáo không?
Hoạt động
Giáo lý viên chuẩn bị một con heo đất, những đồng tiền giả với mệnh giá khác nhau, và một bức tranh treo hình nhiều đồ chơi và các thứ hàng hóa như kệ hàng trong siêu thị.
Phát cho mỗi em một số tiền, Giáo lý viên chỉ vào từng món hàng và tư vấn cho các em có nên mua hay không theo nhu cầu. Nếu món hàng nào không muốn mua, các em cho số tiền ấy vào trong con heo đất. Sau cùng, đập ra xem cả lớp tiết kiệm được bao nhiêu. Giáo lý viên cho các em tưởng tượng xem với số tiền tiết kiệm ấy, em sẽ giúp gia đình và cha mẹ trong việc gì.
Kinh Thánh cũng kể lại Giáo lý viên kể lại câu chuyện chàng trai giầu có gặp gỡ Chúa Giê-su trong Tin mừng Mattheu 19, 16-30. Chàng trai ấy không cảm thấy khi phải bán đi mọi sự để theo Chúa Giê-su, và anh ta đã buồn rầu bỏ đi.