Tác giả: Văn Am, SDB
Có bạn trẻ nói với tôi “Ước mơ mà làm gì! Có bao giờ thực hiện được đâu mà mơ với ước. Con ước mơ đã nhiều mà chẳng bao giờ thành tựu”. Bạn biết tôi sẽ nói với bạn điều gì không? Bạn đã già ngay lúc còn trẻ. Bởi vì chỉ người già lão mới hết ước mơ! Ước mơ đòi bạn lên đường đấy! Hãy đứng lên, bước đi và làm ước mơ của bạn thành tựu.
Bạn có để ý không. Những người vĩ đại luôn có một ước mơ lớn. Martin Luther King, Jr. đã nuôi “ước mơ một thế giới bình đẳng, không phân biệt màu da” và ông ta đã thành tựu. Không có ước mơ bạn không thể tiến lên mạnh mẽ.
Tôi muốn bạn chú ý đến sự kiện này: Mỗi người sinh ra và bắt đầu sống trong gia đình, rồi như nổi loạn muốn ly thoát khỏi gia đình; nếu không trong thực tại thì ít là trong tư tưởng, trong tâm tình… Rồi có vẻ như ngẫu nhiên, lại tạo lập gia đình. Nhiều người thấy mình chợt là người cha, người mẹ, không ngờ lại tạo nên gia đình. Xem ra họ chẳng học làm cha, làm mẹ gì cả, họ chẳng học lập gia đình. Và bạn thấy đó, họ lập gia đình chẳng có ước mơ nào. Kệ nó. Đến đâu hay đến đó mà! Rồi ta thấy họ lặp lại những gì của một thời xưa cũ. Và không khéo, hành trình lại trở thành vòng luẩn quẩn cho con cái của những người đó. Rồi lại có những đứa con muốn nổi loạn thoát khỏi gia đình như chính họ thời xưa cũ ư?
Bạn thấy như thế có được không? Bạn cần phải ước mơ để cho bạn vươn cao. Như chim tung cánh, bạn phải dâng cao những ước mơ vĩ đại, nếu bạn muốn nên người vĩ đại.
Nhưng làm sao để ước mơ của bạn không là ảo tưởng khi bạn lập gia đình? Đức Giáo hoàng Phanxicô nêu ra một vài điều cơ bản, giúp cho ước mơ của bạn trở thành vững chắc, có nền tảng.
Đức Phanxicô nêu cho bạn trẻ các “môn” cần phải học: Sự thật, lòng thương xót và niềm vui. Ba điều này không đứng cạnh nhau, song hòa hợp với nhau. Thật vậy, đó là chân lý tràn ngập niềm vui và xót thương. Chân lý để xây dựng gia đình không phải là những thông tin hay là những chân lý được bán ở chợ trời. Những chân lý đó rẻ lắm. Có thứ CHÂN LÝ rất mắc, phải được đánh đổi bằng mọi sự thì mới nhận được. Thật vậy, Chân lý [Tin Mừng] về phẩm giá con người, về hạnh phúc, về ý nghĩa cuộc đời thì “không thể thương lượng, thoả hiệp; lòng thương xót là tuyệt đối và được ban cho mọi tội nhân; niềm vui thì cá vị và rộng mở cho mọi người. Ba điều này không được chia tách nhau.” Tại sao?
Bạn biết không, gia đình đâu phải là một câu lạc bộ hay một đảng phái. Gia đình phải được xây dựng trên chân lý Tin mừng, chứ không phải trên cảm xúc, kiến thức tâm lý, chính trị. Chân lý Tin mừng về cuộc đời, về nhân phẩm không được in trong sách vở. Cũng vậy, “Lòng thương xót đâu phải là một sự thương hại sai lầm, để mặc tội nhân trong nỗi khốn cùng mà không chìa tay nâng họ dậy và giúp họ làm cuộc đổi đời. Sứ điệp này không chút u ám, nó diễn đạt niềm vui cá vị vì Thiên Chúa không muốn một ai bị hư mất”. Rõ ràng, những kiến thức tán trợ sự dễ dãi về ý nghĩa cuộc đời chỉ mang đến buồn nôn, chia tách và chẳng biết được niềm vui của tha thứ và được tha thứ.
Đừng ước mơ cái bóng loáng, hào nhoáng, vinh hoa. Hãy ước mơ những gì quý giá. Từ đó, bạn sẽ nếm “được rất nhiều niềm vui khác nhau tuỳ theo cách thức Thần khí chọn để thông giao cho họ, trong mọi lứa tuổi, mọi người và văn hoá. Các niềm vui cần được đổ đầy vào trong bầu da mới…” Đừng đổ niềm vui mới vào bầu da cũ. Niềm vui mới, rượu mới phải đổ vào bầu da mới.
Đâu là bầu da mới cho bạn đây?
Đức Giáo hoàng lại nêu lên cho bạn ba hình ảnh để suy nghĩ.
Trước hết: Cái chum. Chắc bạn còn nhớ giai thoại tiệc cưới Cana? Ở đó có những chum rỗng, chẳng có ích gì. Đức Giêsu bảo “hãy đổ đầy các chum ấy”. ĐỔ ĐẦY thấu lợi. Đừng đổ vơi. Nửa vời chẳng đi đến đâu cả. Hãy đổ vào gia đình sự nhiệt tình. Nhiệt tình mang tính lây lan “sẽ giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ sợ hãi, cám dỗ giữ cho mình không dám đổ đầy, cám dỗ của nản chí.” Hãy đổ đầy nhiệt tình vì “Niềm vui Tin mừng làm đầy đời sống và trái tim của những ai gặp Đức Giêsu” (EG 1).
Thứ hai, cái gầu. Lạ thế. Đúng vậy, bạn à. Bạn còn nhớ không. Người phụ nữ Samari giữa trưa vắng đi lấy nước. Ở đó chị gặp một người xa lạ, nếu không phải là hiềm thù. Một người cụ thể, chết khát! ông uống nước nhưng không có gầu để kín. Chẳng có gì cả. Và bằng dịu dàng, chị đã múc nước cho ngài giãn khát. Hơn thế nữa, “chị còn làm ngài giãn khát bằng cách xưng thú nỗi lòng của mình. Nhờ đó, Thánh Thần được tuôn tràn trên toàn dân Samari đến độ họ xin Đức Giêsu ở với họ.” Hãy đổ đầy bằng sự cụ thể và dịu hiền. Cho tôi minh họa để bạn hiểu hơn nhé. Trong cuộc đời của Mẹ Têresa Calcutta, Đức Giêsu muốn bà đưa ngài tới một căn nhà ổ chuột. “Con đến đó đi, ở đó, con hãy là ánh sáng của Thày. Một mình Thày không thể làm chuyện này. Họ đâu biết Thày, và vì thế họ không yêu Thày. Hãy mang Thày đến với họ…” Rồi Mẹ Terêsa, khởi sự với một người cụ thể, nhờ nụ cười và cách thức rửa chạm đến những vết thương của họ” đã mang Tin Mừng, mang Giêsu đến cho họ. Hãy đổ đầy chiếc gầu bằng sự cụ thể và dịu hiền nhé bạn.
Còn hình ảnh thứ ba là cái bình “không đáy”. Cái gì? Có nói lầm không? Không. Tôi nói thật đấy: Cái bình không đáy là TRÁI TIM BỊ ĐÂM THÂU của Chúa. Lòng Ngài chất đầy đến vô tận “sự hiền lành, khiêm nhường, nghèo khó, đơn giản; chúng kéo mọi người đến với Ngài.” Không ai bị loại bỏ. Từ đây chúng ta học biết rằng loan báo một niềm vui vĩ đại cho người nghèo chỉ có thể được thực hiện một cách kính trọng, khiêm nhường, và thậm chí thấp hèn nữa”. Nơi đây bạn thấy rõ chân lý không cứng ngắc, song “chân lý trở thành xác phàm, trở thành sự dịu hiền, trở thành một em bé, trở nên một người và trên thập giá trở thành tội… và Ngài không sợ làm cho ta nhấp mỗi lần một chút. Sự hiền lành và liêm khiết này mới tạo niềm vui cho người nghèo khổ, làm tái sinh tội nhân, và ban sự giải phóng cho những kẻ bị ma quỷ kiềm chế.”
Vậy, bạn hãy tung đôi cánh ước mơ vươn cao bằng những bầu da mới như thế nhé: NHIỆT TÌNH, CỤ THỂ VÀ DỊU DÀNG, KHIÊM NHƯỜNG VÀ GIẢN DỊ.